Get rich slowly #5: Nếu chỉ chăm chăm tiết kiệm kiểu ‘săn hàng giảm giá’, ‘cắt giảm nhu yếu phẩm’ mà dễ dãi với những giao dịch lớn, bạn cũng khó có thể trở nên giàu có

Get rich slowly (Tạm dịch: Làm giàu thận trọng) là chương trình hỗ trợ cho những cá nhân hướng đến tự do tài chính sáng lập bởi J.D. Roth. Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả series bài khám phá các nguyên lý cốt lõi của phương pháp này.

#5. Lớn cũng quan trọng

Mùa đông vừa qua, Kris và tôi đã tính toán lại khoản tiền thế chấp của chúng tôi. Ngay sau đó, chúng tôi cắt giảm chi tiêu hàng tháng cho những nhu yếu phẩm và thú tiêu khiển từ 1386,60 USD xuống còn 1137,69 USD khiến dòng tiền của cả hai tăng lên 248,91 USD mỗi tháng.

Tính tiết kiệm đóng một vai trò quan trọng trong tài chính cá nhân, điều này chẳng có gì phải bàn cãi. Sẽ rất tốt nếu bạn chịu khó mua sắm bằng phiếu giảm giá, sửa chữa để tái sử dụng những món đồ bị hư hỏng và tắt bớt những đồ điện không cần thiết. Điều này thậm chí còn tốt hơn khi ta cố gắng tìm căn nhà có giá hợp lý nhất.

Việc tiết kiệm trong từng hành vi thường ngày có thể giúp bạn dành dụm những món tiền nhỏ một cách đều đặn, nhưng bằng cách đưa ra những quyết định thông minh trên các giao dịch lớn, bạn có thể tiết kiệm hàng nghìn USD chỉ trong một lần. Nói một cách khác là bạn có thể tăng dòng tiền của mình lên hàng trăm USD mỗi tháng.

Nhiều người mất quá nhiều thời gian lo lắng về những món tiền nhỏ nhặt đến nỗi họ không có thời gian làm điều tương tự cho các giao dịch lớn, hoang phí những đồng mình tích góp hàng ngày với việc đưa ra những quyết định tài chính tệ hại mà hậu quả kéo dài hàng năm trời.

Dĩ nhiên, trong đời bạn chỉ có thể tính toán tiết kiệm cho việc mua nhà, mua xe một vài lần. Dù vậy, chắc chắn bạn sẽ có những quyết định lớn về các vấn đề khác vài lần trong năm. Bạn có thể mua một chiếc máy ảnh mới, một chiếc máy tính mới hoặc đồ nội thất mới. Đây là những cơ hội tuyệt vời để tiết kiệm. Mỗi khi dự tính cho một khoản chi lớn, hãy tìm những cách có thể giúp tối đa hóa giá trị nhận được từ mỗi USD bạn chi ra.

Như tôi đã chia sẻ trước đó, dưới đây là những chỉ dẫn mà tôi dùng để định hướng những giao dịch lớn của mình:

– Biết rõ thứ bạn muốn trước khi mua. Nếu bạn đang muốn mua một chiếc máy hút bụi, bạn sé dùng nó vào việc gì? Chiếc TV mới bạn cần những tính năng gì? Khi tôi mua một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, tôi viết nhanh một danh sách những yêu cầu mình quan tâm: ống kính góc rộng, màn hình hiển thị lớn, phần mềm điều khiển dễ dàng sử dụng, chất lượng quay phim tốt. Một số yêu cầu thì quan trọng hơn nhiều so với số còn lại.

– Đặt ra ngân sách. Bạn hãy đặt ngân sách chi tiêu trước khi bạn bắt đầu mua sắm. Bạn nghĩ chuyện này không thực tế bởi mình không thể biết được một chiếc máy rửa chén sẽ có giá bao nhiêu cho đến khi tham khảo qua một vài mẫu. Khi đã tìm hiểu xong, hãy quyết định số tiền mình sẵn sàng chi trả. Nếu không đặt ra ngân sách từ lúc đầu, bạn dễ sa vào “sự bùng phát ham muốn”.

– Nghiên cứu những lựa chọn. Khi đã có danh sách những tính năng mong muốn và ngân sách, hãy tìm hiểu những lựa chọn phù hợp với yêu cầu của mình.

– Đưa ra lựa chọn. Khi đã kết thúc nghiên cứu, bạn chắc hẳn sẽ tìm được một hoặc hai món có vẻ phù hợp nhất. Tôi thường ghi lại tên nhà sản xuất và mã sản phẩm của ba lựa chọn tốt nhất trước.

– So sánh giá cả. Giờ thì bạn đã có một danh sách rút gọn, hãy bắt đầu nghiên cứu giá cả. Một lần nữa, hãy xem qua các trang web, những cửa hàng vật lý lẫn trực tuyến. Đừng quên cân nhắc đến những sản phẩm cũ có chất lượng tốt.

– Quyết định mua. Khi đã tìm được nguồn tốt nhất cho món hàng bạn muốn mua, hãy mua nó. Hãy tự tin rằng bạn đã nghiên cứu đủ kỹ để biết rằng mình giao dịch một cách khôn ngoan.

– Bảo vệ khoản đầu tư của bạn. Càng lớn tuổi, tôi càng giỏi lưu trữ các loại giấy bảo hành và hộp sản phẩm. Dự phòng trước những tình huống có vấn đề có thể giúp bạn tránh được nhiều rắc rối sau này.

Hãy nhớ: Dành dụm tiền hàng ngày từ những việc nhỏ là rất tốt, nhưng tiết kiệm từ những việc lớn có thể tạo ra một khác biệt tuyệt vời cho ngân sách của bạn.

Get rich slowly #4: Tiêu xài phung phí khi còn trẻ – nguyên nhân đẩy bạn đến tương lai ‘gần đất xa trời’ mà vẫn phải chạy từng xu mua nhu yếu phẩm

Bài viết mới