Get rich slowly #4: Tiêu xài phung phí khi còn trẻ – nguyên nhân đẩy bạn đến tương lai ‘gần đất xa trời’ mà vẫn phải chạy từng xu mua nhu yếu phẩm

Get rich slowly (Tạm dịch: Làm giàu thận trọng) là chương trình hỗ trợ cho những cá nhân hướng đến tự do tài chính sáng lập bởi J.D. Roth. Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả series bài khám phá các nguyên lý cốt lõi của phương pháp này.

#4. Nhỏ nhưng có võ

Bắt đầu một kế hoạch tài chính cá nhân thông minh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tìm hiểu về những cách thức thực hiện là một chuyện nhưng thực hiện chúng lại là chuyện khác. Khoản nợ của bạn quá lớn hoặc những mục tiêu tiết kiệm của bạn quá cao đến nỗi bạn bắt đầu tin rằng cách duy nhất để đạt được điều mình muốn là trúng số.

Một phần của vấn đề vì ta sống trong một xã hội xem trọng những người có thành công lớn. Chẳng ai ca tụng người hàng ngày đạp xe đến chỗ làm, tự trồng thực phẩm, tự nấu nướng, mua sắm ở cửa hàng đồ cũ và chỉ toàn đọc sách mượn từ thư viện. Lối sống đó chẳng hào nhoáng chút nào với nhiều người. Nhưng chính lối sống đó lại có thể đem đến cho anh sự giàu có đích thực.

Bắt đầu từ những thứ nhỏ

Tôi không thể nhớ ra điều đầu tiên tôi làm sau khi nhận thấy rằng bản thân đã mệt mỏi với việc chìm trong nợ nần. Nhưng tôi biết một điều: Nó là một điều gì đó rất nhỏ. Lúc tôi trở nên lo ngại về tình hình tài chính của mình thì phải cả tháng trời sau đó tôi mới đưa ra những quyết định lớn. Nhưng có rất nhiều thứ nhỏ nhặt mà tôi đã có thể thực hiện ngay tức thì.

Đúng là việc dành dụm tiền cho những thứ lớn lao như mua nhà, mua xe là quan trọng. Bất cứ khi nào bạn mua một món quà có giá trị lớn, cơ hội để bạn có thể bắt đầu tiết kiệm tăng lên. Nhưng các giao dịch lớn ít khi xảy ra.

Bạn có nhiều cơ hội tiết kiệm hơn khi mua sắm đồ gia dụng. Bạn có thể mua bằng phiếu giảm giá, mua sỉ, mua tại nơi sản xuất hay so sánh giá cả giữa các mặt hàng trước khi mua. Và bạn có thể làm điều đó ngay hôm nay. Khi tập hợp lại với nhau, những con số tiết kiệm nhỏ này có thể tạo ra một sự khác biệt lớn.

Hãy nhớ: Một đồng tiền tiết kiệm được thì hơn một đồng tiền kiếm được. Bạn kiếm về số tiền trước thuế, nhưng bạn lại chi tiêu số tiền sau thuế!

Bắt đầu từ những việc nhỏ sẽ đem lại một hiệu ứng phụ thú vị. Khi bạn có thói quen cắt giảm chi tiêu ở một thứ, bạn nhận ra rằng mình có thể áp dụng kỹ năng đó cho những thứ khác trong cuộc sống. Một bước tiến nhỏ sẽ dẫn đến một bước tiếp theo.

Một tương lai không rõ ràng

Một số người không thích tính tiết kiệm. Họ đánh đồng nó với sự “tần tiện” và cho rằng như vậy là không xứng với phẩm giá của mình. Một số khác thì muốn tận hưởng cuộc sống biết hôm nay, quan tâm gì đến ngày mai. Tôi cho rằng điều này là điên rồ vì một vài lý do sau:

Thứ nhất, chỉ tiêu không đồng nghĩa với niềm vui. Thứ hai, hầu hết chúng ta đều sẽ sống trong một khoảng thời gian dài. Bạn sẽ chọn cuộc sống nào?

– Chuẩn bị cho cuộc sống lâu dài bằng việc tiết kiệm và đầu tư, rồi chết đi ngày nào không biết.

– Chi tiêu phung phí, gây ra nợ nần và rồi không thể chi trả cho những thứ cần thiết khi về già.

Gần đây, tôi có trò chuyện với một người quen hiện đang quản lý một trung tâm người cao tuổi. Cô ấy kể tôi nghe các câu chuyện về những người già chẳng có tiền bạc gì ở đó. Chất lượng cuộc sống của họ không hề cao. Nếu bạn cho rằng ngưng dùng điện thoại di động hay đón xe bus đi làm trong lúc này là điều khó khăn thì hãy nghĩ đến việc phải tích cóp từng xu để mua nhu yếu phẩm khi bạn 70 tuổi hay thậm chí là 80, 90 tuổi mà xem.

Hãy nhớ: Đừng nhầm lẫn giữa tiết kiệm với hành hạ bản thân. Nếu việc tích cóp từng đồng khiến bạn thấy khó chịu, hãy thả lỏng một chút. Chi tiêu nhiều hơn một chút. Tức là bạn có thể chi tiêu nhiều hơn một chút cho nhãn hiệu sữa chua hay loại thịt bò mà bạn ưa thích.

Việc tăng thu nhập có thể đem đến giá trị thật sự – tôi không phủ nhận điều này. Nhưng tiết kiệm cũng là một phần quan trọng của tài chính cá nhân. Và điều này lại khác nhau với mỗi người. Tôi có thể sẽ cắt giảm chi tiêu cho quần áo hay đi lại, nhưng chắc chắn sẽ luôn chi rất nhiều cho thức ăn. Một số người có thể sẽ làm điều ngược lại.

Tiết kiệm không có nghĩa là sống như một kẻ túng thiếu. Tiết kiệm là điều tốt. Khi ta hạn chế chi tiêu cho những thứ không quan trọng, ta có thể thỏa mãn bản thân ở những khía cạnh quan trọng nhất đối với chính mình.

Get rich slowly #3: Tiết kiệm nhiều đến đâu cũng không thể giàu được, mấu chốt phải là tìm ra cách tăng thu nhập

Bài viết mới