Kinh tế khó chuyển thành chất nếu cứ làm ăn cò con
(GS.Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài)
Chúng ta đều biết từ 6 tháng cuối năm 2017 đã xuất hiện những tín hiệu tích cực. Tuy 6 tháng đầu năm 2017, mức tăng trưởng rất thấp, chỉ là 5,83% nhưng đến 6 tháng cuối năm, tăng trưởng gần 7% cho nên cả năm là tăng trưởng 6,83%.
Như vậy, chuyển biến của 6 tháng đầu năm nay không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả tích cực của chuyển động từ 6 tháng cuối năm 2017, và cái chuyển động đó làm thay đổi rất lớn từ quý I năm 2018 tăng trưởng GDP đến 7,38%, quý II tăng trưởng gần 6,8% nên bình quân cả 2 quý là tăng trưởng 7,08%.
Trong tăng trưởng này có những cái rất đáng chú ý: Thứ nhất là chưa bao giờ nông nghiệp tăng gần 4%.
Trong nhiều năm gần đây, năm nào cũng thiên tai, hạn hán, mất mùa, rồi được mùa mất giá, nhưng 6 tháng đầu năm nay nông nghiệp vẫn tăng gần 4%, tôi thấy là tốc độ tăng trưởng như vậy là cao, so với thế giới. Hơn nữa, với đất nước chúng ta những năm nào tăng được 4% là rất quý.
Thứ 2 là công nghiệp và dịch vụ cũng đều tăng. Trong công nghiệp, rõ ràng FDI đóng góp rất lớn vào việc tăng GDP. Trong FDI có Samsung và Formosa đóng góp đến 58% của tăng trưởng trong công nghiệp chế tạo.
Dịch vụ cũng tăng cho nên cái chúng ta cần nói đến là về chất lượng tăng trưởng thì trong công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nói nhiều. Tuy nhiên, trong nhiều cuộc nghiên cứu gần đây của những cơ quan như Trung tâm Dự báo kinh tế của Việt Nam hay Viện Nghiên cứu Kinh tế quản lý Trung ương hay Báo cáo về kinh tế Việt Nam năm 2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách của Đại học Quốc gia đều có nhận định là tình hình chất lượng tăng trưởng có những dấu hiệu khả quan hơn.
Thứ nhất là các doanh nghiệp và cả nước ta đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến vấn đề tăng suất lao động. Các nghiên cứu gần đây có nói đến việc tăng năng suất lao động trong 5 tháng khoảng 5,1 – 5,2% cao hơn nhiều so với những năm trước đây.
Thứ hai là năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng tăng khá hơn. Không nói đến những mặt hàng như là dệt may, da giày hay sản xuất smartphone mà ngay những sản phẩm mà trước đây chúng ta rất khó khăn để xuất khẩu ra nước ngoài là rau quả thì tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay rất cao.
Từ chỗ mỗi năm chỉ xuất khoảng vài trăm triệu (năm ngoái là 3,2 tỷ USD, năm nay khoảng 6 tỷ USD) tức là một mức tăng không dễ, bởi vì chúng ta biết là sự nghiêm ngặt về điều kiện để có thể xuất ra các thị trường lớn như Mỹ,Úc, Nhật Bản là rất khắt khe nhưng tăng trưởng như vậy là rất ngoạn mục, điều này nói lên sự thay đổi về chất lượng.
Phần lớn rau quả là từ người nông dân và người ta đã có ý thức hơn trong việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn VietGab hay hình thành các vùng chuyên canh lớn rồi liên kết các doanh nghiệp với nông dân… tất cả những cái đó là thể hiện sự thay đổi về chất lượng tăng trưởng.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 6 tháng đầu năm xuất khẩu nông nghiệp thủy sản được khoảng 22 tỷ USD thì năm nay có khả năng được 42 tỷ USD…
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh hiện nay có vài vấn đề mà chúng ta chưa được lưu ý: Thứ nhất, rất nhiều người cho rằng chúng ta đã ký được một loạt các hiệp định thương mại mới như CPTPP, hay sắp tới có khả năng thông qua hiệp định rất lớn là hiệp định thương mại với EU, rồi thì chúng ta đã thực hiện rất thành công FTA với Hàn Quốc. Như vậy rõ ràng hiện nay câu chuyện rất lớn của chúng ta là làm sao để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, có đầy đủ hướng dẫn để biết cách làm với những chỉ tiêu mới.
Thứ hai, như báo chí đã đưa một câu chuyện rất nhỏ nhưng tôi cho rằng không hề nhỏ đó là câu chuyện thẻ vàng đối với mặt hàng cá, đánh bắt thủy hải sản ở biển. Sau khi phái đoàn EU đi rất nhiều nơi thì người ta tuyên bố chưa thể rút được thẻ vàng bởi vì có hai chuyện rất lớn là các doanh nghiệp, tàu thuyền đánh bắt tên biển hiện nay chỉ có 40% là có thiết bị gắn với cơ quan chỉ đạo, còn lại 60% không biết người ta làm gì cả.
Hai là việc giảm thiểu tình trạng đánh bắt vô tổ chức, dùng mìn hay những thiết bị làm ảnh hưởng đến môi trường biển giảm không nhiều, vì vậy người ta tuyên bố nếu vẫn tiếp tục thì có khả năng nâng lên thẻ đỏ chứ không phải thẻ vàng.
Như vậy, tổ chức lại việc sản xuất trong nước từ công nghiệp cho đến nông nghiệp bây giờ là một câu chuyện chúng ta đặt ra là cấu trúc lại nền kinh tế quốc dân, cấu trúc lại các ngành kinh tế thì rõ ràng có những chuyện rất mới.
Vì vậy, nếu các cơ quan nhà nước cứ làm như kiểu từ xưa mà không có những giải pháp cụ thể thì kinh tế chúng ta sẽ không thể chuyển biến thành chất được mà vẫn như kiểu cò con.
Mục tiêu tăng trưởng 6,7% hoàn toàn khả thi
(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)
Mục tiêu 6,7% là khá cao của nền kinh tế Việt Nam. Ngay từ đầu năm Chính phủ đặt mục
tiêu tăng trưởng từ 6,5-6,7% và Quốc hội phê duyệt 6,7%. Với bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm, với những yếu tố năng lực mới tăng của nền kinh tế, chỉ đạo của Chính phủ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào Việt Nam, kịch bản tăng trưởng từng quý và từng nội dung thì mục tiêu 6,7% hoàn toàn có tính khả thi.
Chúng tôi đã xây dựng từng ngành trong quý III tăng bao nhiêu và từng ngành tăng bao nhiêu, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ có giải pháp điều hành cụ thể để đạt được mục tiêu cho từng quý.
Biện pháp đưa ra là kiên trì ổn định kinh tế vỹ mô qua chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt, đồng thời có động lực cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư. Chính sách tài khóa cố gắng làm sao cho chi tiêu thường xuyên, chi tiêu công đầu tư hiệu quả, sớm giải ngân và hoàn thành các dự án lớn.
Về vấn đề thị trường, các bộ, ngành cố gắng tạo ra sản phẩm tốt, tìm kiếm các thị trường tốt, độ mở nền kinh tế của Việt Nam khá cao, tổng giá trị xuất nhập khẩu/GDP là 200% nên tăng trưởng Việt Nam còn phụ thuộc vào thương mại toàn cầu.
Môi trường đầu tư khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, dù đăng ký mới không nhiều nhưng giá trị giải ngân cao, môi trường đầu tư kinh doanh cũng thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới. Với hơn 64.500 doanh nghiệp kể từ đầu năm, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh không thời hạn 34.000 khá cao nhưng tỷ lệ này cũng thấp hơn nhiều so với các nước phát triển điều này cho thấy vận động của thị trường là hoàn toàn tốt.
Tăng trưởng của Việt Nam áp lực từ chu kỳ 10 năm
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ)
Nhìn nhận tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ đầu năm 2018 cho thấy, ngay quý I, GDP đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong 10 năm gần đây khi ở mức 7,38%, so với quý I/2017 là 5,15%, quý I/2016 là 5,48%, quý I/2015 là 5,12%.
Tiếp tục, quý II/2018, GDP tăng 6,79%, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 7,08% cao nhất 7 năm qua. Tuy nhiên, ngay trong quý I/2018 khi GDP tăng rất cao tới 7,38%, nhưng Thủ tướng Chính phủ đã cho rằng cả năm 2018 có thể tăng trưởng GDP thấp hơn kỳ vọng. Điều này cho thấy Chính phủ chú trọng nhiều hơn đến ổn định vĩ mô và tập trung hơn nữa cho cải cách, hàm chứa tình hình thế giới cực kỳ bất thường theo hướng tiêu cực, làm cho dự báo tăng trưởng GDP giảm xuống.
Môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng được đánh giá rất tốt. Xếp hạng của Thornton về môi trường đầu tư của Việt Nam hết quý I/2018 cho thấy, mức độ hấp dẫn đầu tư so với các nước ASEAN đứng thứ nhất. Việt Nam vẫn tạo ra niềm tin về đầu tư từ những cải cách đã làm trong năm 2017.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cho rằng sự thiếu minh bạch và nhất quán trong các quy định, thủ tục đầu tư là rào cản lớn nhất khi đầu tư tại Việt Nam. Cảnh báo này là đúng. Năm nay, cải thiện đầu tư công vẫn rất chậm.
Cấu trúc nền tảng của tăng trưởng chưa thay đổi vẫn dựa trên mô hình cũ. Khu vực tư nhân đóng góp 40% GDP, nhưng khi nền kinh tế dựa vào khu vực yếu nhất để tăng trưởng thì không thể nhanh. Phải thay đổi tiềm lực của khu vực tư nhân.
Đầu tư tư nhân trong nước có tăng nhưng chậm hơn năm 2017, 5 tháng đầu năm có 52.322 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Đầu tư nước ngoài mới nhúc nhích tăng gần đây, FDI 5 tháng đầu năm đạt 7,15 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, vốn thực hiện 6,75 tỷ USD, tăng gần 10%.
Sự tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 đang bị lo ngại từ các xu hướng bất ổn đang xuất hiện, nguy cơ lặp lại khủng hoảng tài chính thế giới chu kỳ 10 năm (khủng hoảng tiền tệ Đông Á năm 1997 – 1998 và khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008). Việc điều hành và năng lực của Chính phủ đã tốt hơn với những kinh nghiệm về khủng hoảng trước đó.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng. Tác động tài chính của cuộc chiến này mới là câu chuyện thiết thực nhất.
Tính đến nửa đầu tháng 6/2018, chứng khoán toàn cầu bay mất 2.100 tỷ USD, riêng thị trường chứng khoán châu Á mất 1.600 tỷ USD, thị trường chứng khoán Trung Quốc bốc hơi 746 tỷ USD. Cần nhìn nhận cuộc chiến này nghiêm túc khi họ “đánh chỗ này nhưng đau ở chỗ kia”, giống như “bóp huyệt ở chân nhưng đau ở óc”, cần chú trọng đến tỷ giá, nợ công.
Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế rất cao trong khi nhiều nước đang đóng lại nên Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng dù Trung Quốc mới là đối tượng của chiến tranh thương mại. Với cách hành xử bất thường của Tổng thống Donald Trump sẽ làm xu hướng quan hệ các bên “nóng” lên không phải trung hòa.
Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, đồng thời nhập siêu từ Trung Quốc. Khi quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, việc điều chỉnh cơ cấu của Trung Quốc có thể thúc đẩy hàng hóa của nước này xuất khẩu vào Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đối với hàng hóa từ Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cũng giảm. Tăng trưởng kinh tế toàn khu vực có thể giảm xuống 4,9%.
Do đó, dự báo của Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, GDP bình quân trong giai đoạn 2018 – 2020 có thể ở mức 6,85%. Chính phủ đang cố gắng ổn định và cải cách, gây áp lực để giảm chi phí, giảm thủ tục cho khu vực tư nhân phát triển…
Vui nhưng không nên vội mừng
(TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng)
Việc chỉ số GDP tăng 7,08% trong 6 tháng đầu năm là rất khả quan. Có lẽ với chỉ số như thế này, việc chúng ta đạt được chỉ số 6,8% không phải là điều khó khăn.
Tôi cho rằng, việc đạt được chỉ số GDP tăng trưởng theo số học là tốt nhưng không đủ. Nó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải là chất lượng của tăng trưởng.
Chất lượng của tăng trưởng trong thời gian hiện tại còn thiếu nhiều mặt. Trước hết vấn đề về môi trường bị hủy hoại nhiều và không có sự cải thiện nhiều. Một trong những vấn đề môi trường bị phá hủy một cách rất thảm hại như lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc cho thấy việc phá rừng đã gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Đối với vấn đề cuộc sống của người dân, có thể thấy việc tăng trưởng GDP ở con số cao nhưng chỉ tập trung ở những thành phần giàu có, còn những người nghèo mức sống không được cải thiện nhiều.
Hơn nữa, GDP tăng trưởng cao như vậy nhưng vẫn thuộc về lĩnh vực FDI. Đây là lĩnh vực xuất khẩu rất nhiều nhưng không đóng góp cho nền kinh tế, thành ra về mặt số học thì đó là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, về bản chất có lẽ mình còn thiếu xót nhiều cho nên vui nhưng không nên vội mừng.