Hãng phim hoạt hình VinTaTa (Tập đoàn Vingroup) đã công bố kết quả cuộc thi “Tác giả lừng danh” với tổng giá trị giải thưởng lên đến gần 2 tỷ đồng. Nhóm The Whale Hunters đã vượt qua hơn 800 tác giả để giành ngôi vị quán quân với kịch bản “Monta trong dải ngân hà kỳ cục”.
The Whale Hunters gồm 4 thành viên Nguyễn Hoàng Vũ (1993), Lương Võ Thành Luân (1988), Sỳ Hữu Vinh (1988) và Dương Minh Lộc (1988). Họ đều là những người trẻ, có niềm đam mê mới phim ảnh và thực sự mong muốn đưa phim hoạt hình Việt Nam lên một tầm cao mới.
Các thành viên của The Whale Hunters
Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kịch bản “Tác giả lừng danh” được phát động từ cuối năm 2017 với tổng trị giá giải thưởng lên tới gần 2 tỷ đồng
Chào The Whale Hunters, các bạn có thể giới thiệu vài nét về nhóm của mình không?
Nhóm tụi mình được lập ra dành riêng cho cuộc thi “Tác Giả Lừng Danh”. Trước đây, chỉ có Vũ và Luân đã từng chinh chiến chung trong cuộc thi Vietnam Young Lions 2017 (Giải Bạc), lúc đó Vinh còn là “đối thủ” (Giải Vàng). Còn Lộc là một người bạn học cũ của Luân, từng làm một số phim hoạt hình độc lập bé bé xinh xinh, thế nên bọn mình rủ rê vào thi cùng luôn. Mỗi thành viên đều sở hữu một vài thành tích cá nhân khác trong lĩnh vực văn hóa – sáng tạo. “Hunters” mà nên hễ có dịp là săn giải thôi.
Còn về các thành viên trong nhóm thì sao?
Theo bọn mình, sáng tạo là một quá trình mà sự cộng tác đóng vai trò cốt lõi. Vì vậy, hầu hết mọi phần việc xuyên suốt cuộc thi đều có “dấu ấn” của cả 4 đứa, tuy là mỗi đứa sẽ chịu trách nhiệm chính và có quyền quyết định cuối cùng trong từng đầu việc nhất định.
Vũ: Trưởng nhóm, chịu trách nhiệm liên lạc với ban tổ chức, quản lý tiến độ, phân công và ra quyết định lựa chọn ý tưởng phù hợp nhất. Chắp bút viết phần concept, mô tả thế giới và đường dây câu chuyện tổng thể.
Luân: Đối nội – đối ngoại, chịu trách nhiệm phối hợp với đội ngũ mỹ thuật và âm nhạc của VinTaTa để thực hiện trailer phim. Tìm cách trình bày phần hình (ảnh minh họa) và phần chữ (kịch bản) sao cho hài hòa nhất.
Vinh: “Bà đỡ” của các nhân vật, nhào nặn nên tính cách và ngoại hình của chúng qua câu chữ. Chắp bút viết phần nội dung cụ thể của trailer và 21 tập phim mẫu sao cho hấp dẫn nhất.
Lộc: Chỉ đạo hình ảnh, bao gồm: phác thảo các hành tinh trong dải ngân hà kỳ cục, phác thảo ngoại hình các nhân vật, phác thảo bố cục các ảnh minh họa trong kịch bản sao cho bắt mắt nhất.
Nguyễn Hoàng Vũ (1993): Top 5 Vietnam’s Hottest Creatives 2017 (Campaign Brief Asia bình chọn); Giải Bạc Vietnam Young Lions 2017; Giải Bạc & Đồng Spikes Asia Creative Festival 2016; Quán quân Young Bloods 2013; Á quân Vietnam PR Concepts 2012…
Sỳ Hữu Vinh (1988): Giải Vàng Vietnam Young Lions 2017
Ý tưởng “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” xuất phát từ đâu?
Đề bài chung của BTC cho các đội là một kịch bản series hoạt hình mà trong đó, nhân vật chính là chú voọc quần đùi trắng Monta, loài thú quý hiếm chỉ có ở Việt Nam.
Câu chuyện của nhóm mình kể về chú voọc Monta vốn là thú cưng của Bếp Trưởng trên Thiên Đình, một hôm ăn vụng vô tình làm đổ cả bàn tiệc của Ngọc Hoàng, khiến các món ăn rơi xuống dải ngân hà tạo thành vô vàn hành tinh “kỳ cục”. Monta liền bị đày xuống Trái Đất, nơi cậu gặp gỡ nhóm bạn cũng “kỳ cục” không kém – một cô cừu trụi lông, một chú cá mập ăn chay, một anh gõ kiến sợ bay, và một cậu tắc kè đổi màu loạn xà ngầu. Bị đồng loại hắt hủi, cả lũ hy vọng đâu đó trên dải ngân hà “kỳ cục” kia, chúng sẽ tìm được một nơi mình thuộc về. Thế là lên đường!
Bọn mình chọn ý tưởng này trong số gần 20 ý tưởng sơ khởi của nhóm, vì nó ánh xạ nhiều vẻ đẹp rất riêng: giao thoa Đông – Tây (câu chuyện Thiên Đình & du hành vũ trụ), tình đồng đội giữa bọn trẻ không phân biệt giống loài, và hành trình đi để khám phá bản ngã (Monta tìm lại ký ức năm xưa trên Thiên Đình, các nhân vật còn lại tìm nơi mình thuộc về). Và trên hết, với một tứ chuyện dày dặn như thế với vô vàn hành tinh và mâu thuẫn, tiềm năng sáng tạo về sau của các tập phim dường như là vô hạn.
Lương Võ Thành Luân (1988): Đại biểu Việt Nam, Chương trình Giao lưu Thanh niên – Sinh viên Nhật Bản – Đông Nam Á (JENESYS) 2013; Đại biểu Việt Nam, Tàu Thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản (SSEAYP) 2014; Giải Bạc Vietnam Young Lions 2017…
Dương Minh Lộc (1988): Tác giả của các phim hoạt hình ngắn: Năm Điều Phạt (2011), Fly Butterfly (2015), Điệp Vụ Tê Giác (2016) & Rain (2016). Giải Khuyến khích Cuộc thi Cảm quan Việt Nam, trong khuôn khổ Vietnam Creative Festival 2016.
Qúa trình tham gia các bạn đã gặp những khó khăn gì? Có kỷ niệm nào đáng nhớ hay không?
Do bọn mình mỗi đứa đều có công việc riêng (và giờ tan làm thường là 7-8h tối), nên thời gian là trở ngại đầu tiên. Nhưng vì quyết tâm, bọn mình dành ra đều đặn 3 lần mỗi tuần, và đưa ra một quy tắc để tiết kiệm thời gian: ai vắng mặt hôm nào thì sẽ không thể quay trở lại phản bác những ý đã thống nhất trong buổi họp hôm đó.
Khi thấy nhân vật từ trong ngòi viết, lời bàn luận miệng của mình dần dần hiện ra có đường nét, màu sắc và chuyển động thực sư, cảm thấy rất “thương”, như thể thấy đứa con của mình chạy nhảy trước mặt vậy. Có những đêm bản thân nhóm tác giả cũng đang gà gật trên đường nhưng cứ “đặt hàng” vẽ vời gì là phía bộ phận sản xuất của Vintata cũng giúp liền tắp lự, cảm thấy an tâm vì có cả một team lớn đang vận hành hết sức để hỗ trợ mình.
Kỷ niệm đáng nhớ thì không nhiều, nhưng có rất nhiều bài học đáng nhớ từ đạo diễn Phan Đăng Di – cố vấn chuyên môn của nhóm. Anh Di đã giúp nhóm có những cái nhìn xa rộng hơn về việc phát triển câu chuyện và nhân vật, lúc nào anh ấy cũng challenge nhóm “Điều thú vị để người ta xem ở đây là gì?” Và để trả lời câu hỏi đó, nhóm mình đã phải lùi lại để ngắm nghía “đứa con tinh thần” của mình bằng một con mắt khách quan hơn, bớt tham lam ôm đồm tình tiết, tập trung khai thác yếu tố hài hước và xung đột giữa các nhân vật một cách sâu sắc hơn.
Cũng như nhạc sĩ Phạm Hải u cũng đã soạn giúp nhóm một bản soundtrack tuyệt đỉnh “kỳ cục” để trailer thêm phần cuốn hút, hay đội ngũ mỹ thuật/animation của VinTaTa đã biến những mô tả bằng lời của bọn mình thành những hình ảnh độc đáo cho câu chuyện nên hình, nên vóc. Bên cạnh giải thưởng, thời gian được trải nghiệm làm việc cùng những con người tài năng và tâm huyết ấy là một món quà mà tụi mình vô cùng trân trọng.
Các bạn ấn tượng nhất với phim hoạt hình của nước nào? Theo các bạn thì chúng ta có thể học tập gì từ họ?
Vũ: Nói về phim hoạt hình series như Monta, thì mình ấn tượng với series Codename: Kids Next Door của Mỹ, kể về một đám trẻ suốt ngày chiến đấu chống lại… lũ người lớn nham hiểm. Cái hay ở series này là cách họ đặt vấn đề rất ngây thơ, xoay quanh những bất mãn thường ngày của con trẻ như bị người lớn bắt phải xỉa răng sau ăn, phải bơi ở hồ con nít, phải làm bài tập về nhà… nhưng lại khéo léo biến những điều tủn mủn ấy thành những điệp vụ bự tổ chảng. Đúng tâm lý con nít quá đi chứ, đã thế lại còn phá lối mòn khuyên răn con nít phải nghe lời người lớn như những bộ phim hoạt hình nặng tính giáo dục Việt Nam.
Vinh: Mình luôn ước mơ làm được một bộ phim gần như không có lời thoại nào cả nhưng vẫn làm trẻ em yêu thích, người lớn xúc động như “Wall-E”. Mình thích xem phim của Pixar (những bộ phim hơi hơi cũ) và học cách kể chuyện thông qua không phải ngôn ngữ mà là hình ảnh, những chi tiết nhỏ xíu nhất của họ.
The Whale Hunters với kịch bản “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” đã xuất sắc giành giải thưởng cao nhất với trị giá lên đến 1 tỷ đồng
Đánh giá của team về cuộc thi Tác giả lừng danh?
Bọn mình cảm thấy rất biết ơn, vì không chỉ giải thưởng “khủng”, tổ chức chỉn chu mà khi thật sự tham dự mới thấy hết được sự kĩ càng, hỗ trợ đến nơi đến chốn của Ban Tổ Chức. The Whale Hunters chỉ có 4 người, nhưng “Monta và dải ngân hà Kì Cục” là kết quả của vô cùng nhiều người: artists làm việc ngày đêm không kể cuối tuần hay đêm khuya, producer chạy ngược xuôi từ Nam ra Bắc, đạo diễn cố vấn, nhạc sĩ soạn soundtrack, đội ngũ quay phim, giám khảo lớn và “nhí” nữa…
Cảm ơn các bạn vì cuộc trò chuyện.