Nổi lên như một hiện tượng từ chương trình truyền hình thực tế “Việt Nam Got Talent 2016”, cô Nguyễn Thanh Thúy (1957) đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng ban giám khảo cũng như hàng triệu khán giả truyền hình bằng tinh thần lạc quan mà cô mang đến.
Cô Thúy trên sân khấu của chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” năm 2016.
Trên sân khấu ngày hôm đó, sau khi trình diễn ca khúc “Riêng một góc trời”, cô Thúy đã có dịp chia sẻ về cuộc sống khó khăn của mình trên ngọn đồi hẻo lánh ở Bảo Lộc. Không điện, không nước sạch, không phương tiện di chuyển, cô Thúy cùng em gái hằng ngày phải đối diện với rất nhiều thiếu thốn, vất vả. Thế nhưng khi mọi người bày tỏ sự lo lắng và cảm thông, cô đã nhẹ nhàng trấn an: “Không sao, không sao đâu, bình tĩnh sống”.
Bởi đơn giản cô kể câu chuyện của bản thân không phải để mưu cầu sự thương hại của xã hội, mà vì cô đã quen với những gian khó, luôn biết bình tâm trước những sóng gió của cuộc đời.
Bà Sáu Thúy: “Cười một cái rồi tính tiếp”
Đã một năm trôi qua kể từ ngày cô Thúy được đông đảo khán giả truyền hình biết đến, chúng tôi lại có dịp ghé qua ngọn đồi nhỏ ở Bảo Lộc để thăm cô.
Xe chạy chầm chậm đến ngã ba xã Đại Lào rồi dừng trả khách, dưới cái nắng bừng bừng của vùng cao nguyên, cô Thúy đã đứng bên vệ đường từ lúc nào, mừng rỡ vẫy chào rồi dẫn chúng tôi men theo con đường đất đỏ lên đồi chè vào nhà cô. Từ sau lần xuất hiện trên truyền hình, cuộc sống của cô Thúy và cô em gái tên Mai đã có phần cải thiện hơn trước. Hai cô không còn phải sống trong cảnh thiếu nước sạch và điện vì đã được lắp bể chứa nước và tấm pin năng lượng mặt trời.
Cuộc sống bình dị của cô Thúy và em gái trong ngôi nhà xanh um trên ngọn đồi ở Bảo Lộc.
Tuy nhiên nguồn thu nhập còn bấp bênh, và theo lời cô Thúy thì vẫn còn những kẻ xấu vẫn luôn rình rập quấy rối cuộc sống của hai người phụ nữ đơn độc trên ngọn đồi heo hút. “Có nhiều người xấu vẫn tìm cách quấy phá cuộc sống của cô ở trên này. Vì vậy cô phải làm nhiều lớp hàng rào xung quanh nhà để tự bảo vệ cho mình và em gái”– cô Thúy vừa mở khóa rào vừa giải thích.
Khó khăn vẫn còn đó, nhưng sự lạc quan của cô thì chẳng mất đi đâu. Trên căn gác chật hẹp, cô Thúy mỉm cười khi chúng tôi nhắc lại câu nói nổi tiếng: “Không sao đâu, bình tĩnh sống”. Cô vui vẻ kể lại: “Lúc đi thi, niềm vui của hai cô là được khán giả yêu mến giọng hát của mình, lúc đó em gái cô là người vui nhất, mà cô cũng vui”.
“Hôm đó sau khi cô kể hoàn cảnh của hai chị em, giám khảo Trấn Thành có nói rằng: Cuộc sống của hai cô sao mà cơ cực quá! Cô mới trấn an: Không sao đâu, bình tĩnh sống. Ý cô nói rằng là có khổ thì khổ thiệt, nhưng mình vượt qua được hết thì vẫn tiếp tục sống thôi. Bây giờ cứ bình tĩnh sống đi, nếu thiếu bình tĩnh, sợ hãi thì vừa nghèo vừa không thoải mái. Cô chọn cho mình bình yên”.
Nhà cách chợ Đại Lào khá xa, vì thế chừng 10 bữa cô mới xuống chợ một lần để mua vài món cần thiết. Cô hóm hỉnh kể: “Ở dưới chợ, hễ có ai nhờ bấm huyệt chữa bệnh thì cô lại xuống đồi làm giúp cho mọi người. Thế nhưng làm xong, có mấy cô lại nạnh nhau: ‘Tui bận đi công chuyện không chở cô Thúy về được, thôi bà chở cô về giùm đi’, ‘Tui cũng bận rồi’… Lúc đó cô chỉ cười rồi tự đi bộ về nhà”.
“Cô có giận họ không?” – tôi hỏi. Cô trả lời gọn ơ: “Hổng giận. Khả năng mình giúp được tới đâu thì giúp”.
Cũng có lần cô Thúy bấm huyệt chữa bệnh miễn phí cho cô chủ cửa hàng bán chén ở chợ Đại Lào, lúc bấm xong cô này mới nói rằng: cô Thúy ngồi chơi chút xíu, con soạn cho cô mấy cái chén mẻ về xài. Dù tự ái, nhưng cô Thúy không nói ra, vì bởi: “Dù người đó có làm những điều khiến mình buồn, nhưng cũng không nên nói những lời khó nghe. Ưng hay không ưng cũng cười một cái rồi tính tiếp”.
Bình yên là do chúng ta tạo ra
Biến cố của gia đình đã khiến chị em cô Thúy chọn cuộc sống lang bạt rày đây mai đó và cuối cùng dừng chân ở ngọn đồi này. Trên hành trình gian truân đó, cô luôn cố gắng dùng tài năng về y học của mình để chữa bệnh cho những bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em bị khuyết tật.
Cô Thúy không nhận tiền của bệnh nhân, dù cơm ăn bữa đói bữa no. Người nhà bệnh nhân nhiều lần tế nhị hỏi: “Lấy gì cô sống?”. Thì “hái chè đi bán lấy tiền trang trải cuộc sống, có gì ăn nấy, cô đâu ăn gì cao sang”.
Rồi hỏi cô có nghĩ nhiều người sẽ lợi dụng lòng tốt của mình không, cô Thúy cười: “Chắc có”. Tôi ngạc nhiên: “Vậy sao cô vẫn làm?”. “Thì cô nghĩ mục đích mình là muốn cứu người, vậy thì bị lợi dụng cũng không sao” – “Mà hễ ai kỳ cục với mình hoài thì mình kiếm người đàng hoàng khác để cứu chữa, vậy thôi”.
Với cô Thúy chữa bệnh giúp người là một niềm vui. Được nhìn thấy nụ cười của người bệnh, của thân nhân người bệnh, bản thân cô cũng cảm thấy hạnh phúc. Nghe họ nói hôm nay bệnh giảm đi nhiều, hôm nay khỏe lên nhiều, cũng cảm thấy mừng thay. Chính vì thế cô chưa bao giờ đặt nặng vấn đề tiền bạc khi chữa bệnh cho người dân.
Trong lúc chúng tôi trò chuyện với cô Thúy trên gác, cô Mai cặm cụi dưới bếp để nấu xôi đãi khách. Thấy em gái lục đục mãi dưới căn bếp nhỏ, cô Thúy với xuống hỏi lớn: “Nấu xôi thành công không Mai?”. Chúng tôi cười vang: “Ủa nấu xôi mà cũng thành công hay thất bại nữa hả cô?”. Cô Thúy thật thà nói: “Nhiều bữa cô Mai nấu cũng hay bị thất bại đó”.
Nói đoạn, cô Mai khệ nệ đem nồi xôi lên gác nói: “Rồi mấy đứa ăn thử xôi coi có thành công hay không nhen”.
Điều quý giá nhất trên ngọn đồi này là sự an yên trong tâm hồn. Cả cô Thúy và cô Mai đều không vướng bận những toan tính của thời cuộc, không phải nặng đầu vì những thiệt hơn vật chất. Họ sống giản dị như loài cỏ dại. Mỗi ngày cô Mai làm vườn, nấu nướng còn cô Thúy thì đem chè đi bán, chữa bệnh cho bệnh nhân. Mọi thứ trôi qua nhẹ nhàng, bình dị.
Cô Thúy đàn hát “Riêng một góc trời” giữa núi đồi Bảo Lộc, Lâm Đồng.
“Cây đờn này người ta tặng cô, nhìn nó nghèo nàn vậy nhưng âm thanh nghe thấy thương lắm!” – cô Thúy vẫn thường ôm đàn ngân nga mấy khúc tình ca da diết mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. Và khán giả ruột của cô không ai khác chính là em gái. Cô Mai kể: “Nhiều bữa nấu ăn dưới bếp rồi nghe chị Thúy tập đàn mà cô muốn khóc, tiếng nhạc nghe buồn mà hay lắm!”.
Âm nhạc giúp cuộc sống vơi đi sự tẻ nhạt, và giúp người ta quên đi những khốn khó hàng ngày. Cô Thúy tâm sự: “Chúng ta được bình yên hay không là do chúng ta tạo ra, tiền cũng chưa chắc tạo ra bình yên đâu!”
Những tia nắng chiều vội tắt trên ngọn đồi, chúng tôi chia tay cô để trở về thành phố. Cô Thúy đứng bên đường, dõi về phía chúng tôi cho đến khi chiếc xe khuất bóng.
Nhìn cô, bất chợt chúng tôi tự dưng muốn ngân vài câu thơ của Lai Thượng Hưng: “Bình tĩnh mà sống tôi ơi, bởi mai rồi lại xanh trời đấy thôi….”