Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang rốt ráo chỉ đạo, thực hiện các biện pháp cắt giảm, xoá bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bất hợp lý… Tuy nhiên, việc này không có nghĩa là buông lỏng quản lý, mà chỉ là thay đổi phương thức quản lý, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, cách thức hậu kiểm như thế nào để đạt hiệu quả, chống lãng phí?
Ông Phan Đức Hiếu.
Lãng phí quá nhiều nguồn lực…
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chúng ta không có đủ nguồn lực nhất là nhân lực để giám sát hoạt động cũng như kiểm tra tất cả các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường.
Hơn nữa, từ câu chuyện kiểm tra chuyên ngành cho thấy, ngay cả khi kiểm tra 100% các lô hàng, tốn chi phí, thời gian vô cùng lớn nhưng nếu chỉ làm thủ tục giấy tờ là chính thì rốt cuộc số trường hợp phát hiện được chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. “Chúng ta đang lãng phí quá nhiều để thu về một kết quả không tương xứng”, ông nói.
Chính vì vậy, ông Phan Đức Hiếu cho rằng cơ quan Nhà nước phải thay đổi cách làm cũ sang phương thức quản lý mới theo nguyên tắc rủi ro, theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Phân loại DN thành các nhóm có mức độ rủi ro khác nhau và tương ứng có những công cụ, cách thức quản lý phù hợp.
Với nhóm DN có nguy cơ rủi ro cao thì thậm chí có thể tập trung tiền kiểm 100% vì lợi ích của xã hội và vì nhu cầu quản lý, còn đối với những DN có lịch sử tốt hoặc có nguy cơ gây rủi ro rất thấp, không cần phải giám sát quá chặt chẽ.
Hiện thuế và hải quan là hai cơ quan đang khá tích cực áp dụng phương thức quản lý này. Hải quan đã xây dựng một bộ tiêu chí riêng để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN, từ đó phân DN thành cách luồng: Xanh, vàng và đỏ.
Những DN luồng xanh có thể cho thông quan ngay, nhưng với với DN luồng vàng-nằm ở gianh giới giữa tốt và chưa tốt, cơ quan hải quan sẽ đặt mục tiêu kiểm soát ở mức cao hơn, có thể kiểm tra ngẫu nhiên một số lô hàng và cho thông quan phần lớn các trường hợp. Còn đối với DN bị xếp luồng đỏ thì buộc phải tiền kiểm, kiểm tra hết những hàng hóa của DN trước khi cho thông quan.
Thuế vừa rồi cũng đã xây dựng xong và bắt đầu vận hành hệ thống quản lý theo nguyên tắc rủi ro. Hệ thống chỉ số được xây dựng dựa theo lịch sử tuân thủ pháp luật về thuế của các DN, sau quá trình đánh giá, phân loại theo mức độ rủi ro cơ quan thuế sẽ có cơ sở ra quyết định có thanh tra thuế hay không.
“Nếu không có nguyên tắc đó thì 1 năm, trong số 600.000 DN, sắp tới là 1 triệu, 2 triệu, thậm chí là 5 triệu DN thì biết kiểm tra ai? Nếu thực hiện đầy đủ theo tiền kiểm, tất cả cán bộ thuế đi kiểm tra toàn bộ DN thì đó là một sự lãng phí không chỉ cho Nhà nước mà còn lãng phí thời gian của DN, chưa kể đó là một việc bất khả thi”, ông Hiếu nhận định.
Một tác động tích cực dễ thấy của việc quản lý theo nguyên tắc rủi ro là động lực cho các DN tuân thủ pháp luật. DN nào tuân thủ tốt thì sẽ có lợi, sự kiểm tra giám sát ít đi, chi phí tuân thủ về dài hạn cũng giảm dần và như vậy DN cũng cũng cảm thấy được tôn trọng, được ghi nhận khi làm tốt.
Như vậy, sẽ “lợi cả đôi đường” cho DN và cơ quan quản lý.
Cần quyết tâm thay đổi
Ông Phan Đức Hiếu chia sẻ, ngoài thuế và hải quan, khái niệm về quản lý rủi ro vẫn khá mới mẻ với phần lớn các cơ quan Nhà nước. Nhưng thực chất, những kiến thức để xây dựng một hệ thống quản lý theo nguyên tắc này là không khó, hoàn toàn các bộ, ngành có thể xây dựng các bộ tiêu chí, các công cụ để thu thập thông tin, công cụ phân tích đánh giá phân loại các nhóm đối tượng để từ đó có phương pháp quản lý, giám sát, hoặc hỗ trợ DN một cách tích cực và chủ động.
Tuy vậy, quản lý rủi ro đòi hỏi các bộ, ngành phải có một hệ thống thông tin rất tốt về các đối tượng thuộc sự giám sát, quản lý của mình và những thông tin này không chỉ đơn giản là thông tin “chết”, mà phải được thu thập, cập nhật, xử lý, phân tích thường xuyên.
Bên cạnh đó, với từng nhóm đối tượng, cơ quan quản lý phải có những công cụ, cách thức quản lý, giám sát riêng, phù hợp để vừa bảo đảm không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nhưng vẫn phải đạt được mục tiêu quản lý Nhà nước.
Trong đó, Nhà nước nên khuyến khích DN công khai hóa tiêu chuẩn sản phẩm do họ tự xây dựng, hoặc nghiên cứu để áp dụng và chịu trách nhiệm trước sản phẩm của mình.
“Nếu các bộ ngành mong muốn làm việc này thì tôi cho rằng có đủ chuyên gia ở Việt Nam có thể tư vấn xây dựng, thiết kế, vận hành một hệ thống quản lý theo nguyên tắc rủi ro để thay thế dần cho nguyên tắc tiền kiểm”, ông Hiếu cho biết.
Mọi thứ rào cản này hoàn toàn có thể vượt qua, nếu như thực sự các bộ, đặc biệt là người đứng đầu bộ có quyết tâm và cam kết mạnh mẽ. Ông Phan Đức Hiếu cho rằng cải cách về ĐKKD là một ví dụ, mười mấy năm chúng ta loay hoay mãi trong việc cải cách nhưng Bộ Công Thương với sự cam kết rất mạnh mẽ của Bộ trưởng chỉ trong vòng 1 tháng đã làm được với kết quả ban đầu rất đáng hoan nghênh.
Điều đó chứng minh chuyển đổi tư duy, thay đổi phương thức quản lý Nhà nước, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm không khó, quan trọng là có dám thay đổi chính mình hay không, ông Hiếu nhấn mạnh.