Gần 1,3 triệu cán bộ thôn, xã: Mỗi năm 32.400 tỷ tiền lương

Trong một báo cáo mới đây của Chính phủ về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ đã đề cập đến lượng cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố. Theo báo cáo, tính đến tháng 12/2016, số cán bộ, công chức cấp xã và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hưởng lương từ ngân sách nhà nước là gần 1,3 triệu người.

Trong đó, cán bộ, công chức cấp xã là 234 nghìn người; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là trên 200 nghìn người; Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố chiếm số lượng nhiều nhất với trên 837 nghìn người.

Trước tháng 7/2011, số lượng này chỉ là 1,06 triệu người. Như vậy sau hơn 5 năm, lượng công tác ở cấp xã, thôn, tổ dân phố đã tăng thêm gần 300 nghìn người.

Tổng quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (đã bao gồm bảo hiểm xã hội và tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng) là hơn 32.400 tỷ đồng/năm.

Trong đó, quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã là hơn 19.600 tỷ đồng/năm; Thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo Nghị định số 29/2013/NĐ-CP là hơn 12.700 tỷ đồng/năm.

Để giảm số lượng người hưởng lương ngân sách ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố, hiện nay, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn

Với 234 nghìn cán bộ, công chức cấp xã, Bộ Nội vụ đưa ra đề xuất tinh giản từ 2.000 – 7.600 người tùy theo từng phương án.

Đối với trên 200 nghìn người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Bộ Nội vụ dự kiến giảm từ 28 nghìn – 67.000 người.

Với lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố lên tới trên 837 nghìn người, Bộ cũng đề xuất tinh giản tới 432.600 người, tức chỉ còn một nửa so với số lượng hiện nay.

Chính phủ cũng đề ra một số định hướng sắp xếp, kiện toàn đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở trong thời gian tới.

Cụ thể, hoàn thiện tiêu chí, điều kiện thành lập thôn, tổ dân phố; xác định lại nhiệm vụ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố theo hướng chỉ tổ chức thực hiện và quản lý các vấn đề mang tính tự quản của cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố; thực hiện kiêm nhiệm những chức danh không chuyên trách ở cấp xã (như: Trưởng ban tổ chức, trưởng ban tuyên giáo, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và phó các tổ chức chính trị – xã hội); thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố.

Chính phủ quy định mức trần về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh quyết định cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Ngoài ra, nghiên cứu tăng mức phụ cấp kiêm nhiệm từ mức 20% như hiện nay lên mức 50% đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố để khuyến khích việc kiêm nhiệm các chức danh.

Lương công chức không đủ sống, vì sao “vào Nhà nước” lại hấp dẫn?

Bài viết mới