FPT thâu tóm một doanh nghiệp Mỹ

Tập đoàn FPT vừa công bố thương vụ mua lại toàn bộ mảng Dịch vụ Công nghệ (IT Services) – một trong những mảng kinh doanh chiến lược của Intertec International – Mỹ (Intertec).

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT.

FPT cho biết, Mỹ là một trong hai thị trường nước ngoài lớn nhất của FPT, đóng góp mức lợi nhuận cao nhất trong số toàn bộ các thị trường, với mức độ tăng trưởng doanh thu năm 2022 là 50%.

Doanh số FPT Americas đã tăng 5 lần và lợi nhuận tăng 10 lần trong giai đoạn từ 2017 đến 2022. FPT dự kiến tiếp tục mở rộng hiện diện và đặt mục tiêu đạt quy mô 1.000 nhân sự ở khu vực Mỹ Latin trong hai năm tới.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ, “mỗi thương vụ M&A đều mang đến những quả ngọt lớn cho FPT. Chúng tôi kỳ vọng thương vụ M&A này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng lớn vào mục tiêu mở rộng quy mô và tăng trưởng hoạt động kinh doanh của FPT trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường các nước nói tiếng Anh”.

Từ năm 2014, FPT đã thực hiện M&A với công ty RWE IT Slovakia để mở rộng tập khách hàng trong lĩnh vực hạ tầng công ích. Đây là thương vụ M&A đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Năm 2018, FPT mua lại 90% cổ phần của Intellinet, công ty chuyên tư vấn lộ trình chuyển đổi số.

Chia sẻ tại Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23/2 tại Hà Nội, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ, hơn 20 năm trước FPT có một ước mơ ra biển lớn để ghi tên Việt Nam vào bản đồ công nghệ số thế giới. Và để hiện thực hóa ước mơ này, FPT đã phải vượt qua không ít sóng gió, thậm chí đã từng có ý nghĩ bỏ cuộc giữa chừng.

“Năm 2000 chúng tôi mở liên lúc 2 văn phòng tại nước ngoài. Văn phòng đầu tiên tại Bangalore – Ấn Độ, thủ phủ ngành phần mềm thế giới và văn phòng thứ 2 tại Mỹ – Thung lũng Silicon – thủ phủ công nghệ thế giới. Nhưng trong suốt hai năm, chúng tôi không ký được hợp đồng nào. Rất nhiều người trong chúng tôi định buông bỏ nhưng chúng tôi đã động viên nhau tiền hết nhưng còn một niềm tin. Niềm tin người Ấn Độ làm được thì người Việt Nam cũng làm được”, ông Bình chia sẻ.

Với niềm tin mãnh liệt đó, ông Bình và cộng sự đã đi khắp thế giới để gặp gỡ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực để tìm kiếm cơ hội. “Chúng tôi gặp lãnh đạo IBM và nói là nếu các bạn mua 1 USD phần mềm của tôi thì tôi sẽ mua 1.000 USD phần cứng của các bạn. Và lần đầu tiên chúng tôi ký được hợp đồng làm phần mềm với IBM. Tuy nó rất nhỏ nhưng nó động viên tôi IBM mua được thì tại sao các công ty khác không mua được. Khi đến Nhật Bản, chúng tôi nói sẽ đi học tiếng Nhật để làm việc với các bạn và với nguồn lực tiếng Nhật, FPT đã mở ra nhiều cơ hội tại thị trường này”, ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, nhờ đi vào các xu hướng công nghệ mới nhất như AI, Big Data, Blockchain, RPA… FPT đã có cơ hội tham gia nhiều dự án với các doanh nghiệp đầu ngành trên toàn cầu. Nhờ đó năng suất lao động tăng từ 1.500 USD/người tăng lên 45.000 USD/người. Và năm 2022, Tập đoàn đạt được doanh số ký 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài.

Bài viết mới