FPT Retail đã mua chuỗi nhà thuốc Long Châu, theo chân TGDĐ nhảy vào mảng bán lẻ dược phẩm?

Trong bài viết gần đây về thỏa thuận mới nhất giữa Apple và FPT Retail nhằm mở khoảng 100 cửa hàng F.Studio chuyên bán các sản phẩm Apple tại Việt Nam, tờ Nikkei có tiết lộ một thông tin quan trọng rằng FPT đang lên kế hoạch mở rộng sang những mảng kinh doanh khác ngoài sản phẩm công nghệ thông tin vào năm tới. Và nhiều khả năng họ tham gia vào lĩnh vực dược phẩm khi mà FPT Retail đã mua một vài cửa hàng thuốc.

Thông tin này không quá bất ngờ. “Tin đồn” FPT Retail đầu tư vào mảng bán lẻ dược phẩm đã “rộ” lên vào đầu năm nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn khép kín thông tin này trước truyền thông, cho rằng mới chỉ ở giai đoạn thương thảo, chưa có xác nhận chính thức.

Mới đây nhất trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư FRT vào tuần trước diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, CEO FPT Retail là bà Nguyễn Bạch Diệp đã có chia sẻ rằng, từ tháng 1/2017, công ty đã mua bán và sáp nhập (M&A) một vài cửa hàng ở ngành nghề mới và đã xong giai đoạn viết phần mềm bảo trì. FPR Retail cũng đã mở thêm 1 – 2 cửa hàng của ngành nghề trên.

Nữ CEO từ chối tiết lộ cụ thể về ngành nghề mới mà FPT Retail lấn sân nhưng nhưng bà cho biết độ minh bạch của ngành nghề này chưa cao và chưa có đối thủ dẫn đầu. Dự kiến, giữa năm 2018, công ty sẽ công bố về lĩnh vực mới này. Và công ty kỳ vọng, ngành nghề mới này sẽ đóng góp vào tăng trưởng doanh thu của FPT Retail.

Cũng tại sự kiện mới đây, ông Nguyễn Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc FPT Retail, bổ sung thông tin rằng ngành nghề mới có thị trường khoảng 5 tỷ đô/năm và tăng trưởng 2 chữ số/năm. Và lĩnh vực mới này kinh doanh khá thuận lợi, lãi tốt. “Các cửa hàng của ngành mới đều lãi, không động đến đồng nào của FPT Shop”, bà Điệp nói. Những thông số này càng khẳng định về tính xác thực về lĩnh vực mới mà FPT Retail nhắm đến chính là ngành dược.

Đến hôm qua, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin xác nhận, “FPT Retail vừa xác nhận việc đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu, mở đầu cho lĩnh vực kinh doanh mới hoàn toàn từ năm 2018”.

Trước đó nhiều hãng bán lẻ điện máy là đối thủ trực tiếp với FPT Retail gồm cả Thế giới di động, Digiworld cũng đã công khai tham vọng lấn sân vào lĩnh vực dược phẩm. Cụ thể, Thế Giới Di Động đang trong quá trình đàm phán để mua lại một chuỗi dược phẩm có quy mô 10-15 cửa hàng tại TPHCM và đối tượng có thể là chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang.

Trong khi đó, công ty Digiworld giữa tháng 8/2017 đã bắt tay với Vinamedic, chính thức đặt chân vào ngành phân phối thực phẩm chức năng. Sản phẩm mà Digiworld phân phối là Kingsmen, dòng sản phẩm chức năng tăng cường sinh lý nam.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động nhận định, thị trường phân phối dược phẩm hiện vẫn chưa có chuỗi cửa hàng nào chiếm lĩnh đến 20% thị phần – điều này đồng nghĩa với “ngôi vương” của thị trường này vẫn còn bỏ trống. Nếu phải dành ra nhiều năm để tìm hiểu và xây dựng từ đầu, cơ hội này có thể sẽ rơi vào tay người khác, đặc biệt khi những ứng viên đang nhăm nhe tiến công vào thị trường này, vốn dĩ đã là đối thủ từ trước.

FPT Retail đang sở hữu 2 chuỗi bán lẻ là FPT Shop (bán lẻ sản phẩm công nghệ) và F.Studio (cung cấp các sản phẩm và phụ kiện chính hãng của Apple) với hơn 450 cửa hàng trên cả nước. Con số cửa hàng đã tăng trên 7 lần trong giai đoạn 2012 – 2017 và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Bí quyết mở shop của FPT Retail: Khu vực nào mà cửa hàng của TGDĐ có doanh thu tốt thì FPT Shop sẽ mở ở đó

Bài viết mới