Việt Nam đang bước vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán, khi hàng triệu lao động nhập cư có một tuần về nhà tụ họp với gia đình, cùng nấu nướng và nghỉ ngơi.
Các công ty du lịch dự báo tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đi du lịch nước ngoài nhiều trong năm Mậu Tuất này. Theo Euromonitor, du lịch nước ngoài từ Việt Nam tăng trưởng 10 – 15% một năm trong vòng vài năm trở lại đây.
Xu hướng này cũng giống với Trung Quốc. Khi thu nhập khả dụng tăng lên thì số lượng người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài cũng tăng kỷ lục. Họ chọn những điểm đến như châu Âu, Đông Nam Á và một số nước khác.
Tại Đà Nẵng, Tạ Thị Thanh Tân, nhân viên của một công ty nước ngoài đồng thời làm gia sư trong thời gian rảnh rỗi, cho biết cô sẽ đến Angkor Wat ở Campuchia trong dịp Tết này. Đây là tour du lịch nước ngoài đầu tiên của cô và là cái Tết đầu tiên mà cô không về quê.
Phạm Thái Quỳnh sống tại Hà Nội, nhân viên marketing của một công ty giáo dục đa quốc gia, đã cùng chồng đến khu nghỉ dưỡng bên bờ biển ở Phuket, Thái Lan. Năm ngoái, chị Quỳnh đã đến Đài Loan sau khi tận hưởng năm mới âm lịch 2016 tại Hồng Kông.
“Không có nhiều dịp để có một kỳ nghỉ dài”, chị Quỳnh 27 tuổi cho biết. Chị nói thêm: “Tôi sẽ tận hưởng các kỳ nghỉ Tết ở nước ngoài”.
Số lượt khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đã tăng gần gấp đôi trong 6 năm qua (Số liệu: Euromonitor, biểu đồ: Financial Times)
Theo Euromonitor, năm 2017, Việt Nam ghi nhận 7,5 triệu lượt khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Điểm đến được yêu thích nhất là Trung Quốc, tiếp đến là Campuchia và Thái Lan. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du khách Việt Nam đã tiêu 8 tỷ USD trong năm 2016. Con số này nhiều hơn 2 lần so với 3,5 tỷ USD năm 2012.
Grandviet Tour, một công ty du lịch ở Hà Nội, cho biết họ đã tổ chức 700 – 800 tour cho dịp Tết năm nay, 5 năm trước con số này là khoảng 500 – 600. Hầu hết mọi người đi theo nhóm, một nhân viên cho biết, và nhiều du khách đến châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Những điểm đến yêu thích của du khách Việt trong năm 2017 (Số liệu: Euromonitor, biểu đồ: Financial Times)
“Mọi người không muốn tiết kiệm tiền trong ví”, ông Hoàng Thế Hậu, giám đốc công ty nói. Ông Hậu nói thêm: “Họ muốn thay đổi cuộc sống của họ”.
Tầng lớp trung lưu tăng lên mà đa phần là người trẻ cũng đang khiến nhu cầu tiêu dùng các loại hàng hóa tăng lên, từ bia, quần áo cho đến các sản phẩm cao cấp như ô tô hay bất động sản.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, du lịch là một trong 3 sở thích lớn nhất của những người Việt khá giả, tiếp đến là đi ăn ngoài và mua sắm quần áo. Nghiên cứu này dựa trên khảo sát đối với 300 người tiêu dùng trong độ tuổi 30 – 35 ở Hà Nội và TP. HCM.
Du lịch trong nước cũng đang tăng trưởng nhờ các hãng hàng không giá rẻ như VietJet. Hiện VietJet đang chiếm 40% thị phần trong nước.
“Du lịch trong nước đang trở nên dễ dàng hơn”, ông Đỗ Tiến Đạt, Phó chủ tịch của công ty khởi nghiệp về du lịch Vntrip cho biết. “Xu hướng hiện nay là tốt hơn, dễ đàng hơn, đúng giờ hơn, và đó là một trong những lý do vì sao vé máy bay giá rẻ được giới trẻ ưa chuộng”, ông nói.