Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) vừa có thông báo về việc bán bớt cổ phần mà ngân hàng này đang sở hữu ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB).
Theo đó, Eximbank đã bán bớt hơn 4,93 triệu cổ phiếu STB, đưa tỷ lệ sở hữu từ mức hơn 165,2 triệu cổ phiếu tương đương 9,16% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của Sacombank, xuống còn 160,29 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 8,887% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của Sacombank.
Lý do Eximbank thay đổi sở hữu là bán để đáp ứng quy định của Thông tư 36/2014. Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu là 29/11/2017.
Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, trong phiên 29/11, giá cổ phiếu STB của Sacombank chốt tại 13.100 đồng – vùng giá cao nhất kể từ tháng 7 tới nay. Với gần 5 triệu cổ phiếu bán ra, Eximbank đã thu về khoảng 65 tỷ đồng.
Eximbank và Sacombank là hai ngân hàng có thế mạnh nhất trong nhóm cổ phần ở khu vực phía Nam và từng “làm mưa làm gió” trên thị trường. Hồi năm 2012, hai ngân hàng này đã ký thỏa thuận chiến lược toàn diện với một viễn cảnh là sẽ sáp nhập với nhau, thậm chí là cả ACB để hình thành một ngân hàng có quy mô tầm khu vực. Eximbank thời điểm ấy đã cử ông Phạm Hữu Phú sang làm làm đại diện vốn ở Sacombank, rồi được bổ nhiệm vào chiếc ghế chủ tịch Hội đồng quản trị. Tuy nhiên sau 2 năm, mối duyên ấy bất thành và ông Phú lại quay về Eximbank làm Tổng giám đốc cho đến tháng 10/2015 thì thôi nhiệm.
Đồng thời, Eximbank – Sacombank cũng là 1 trong 2 cặp sở hữu chéo còn sót lại sau quá trình xử lý quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, cùng với một cặp khác có liên quan tới ngân hàng Kienlongbank.
Liên quan đến vấn đề sở hữu chéo này, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vừa qua, các đại biểu đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng rằng lý do nào mà sở hữu chéo vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trả lời đại biểu, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, thời gian qua NHNN đã chỉ đạo và giám sát các TCTD đẩy nhanh xử lý sở hữu chéo qua việc chuyển nhượng, thoái vốn, mua bán, sáp nhập…đến nay sở hữu cổ phần và sở hữu chéo chéo đã giải quyết cơ bản, tình trạng ngân hàng đã minh bạch hơn. Tình trạng sở hữu chéo, các nhóm chi phối đã nhận diện được và xử lý, kiểm soát đáng kể, nhóm chi phối ngân hàng đã giảm mạnh.
“Đến nay không còn cá nhân sở hữu trên 5% vốn ở ngân hàng, số cặp sở hữu chéo giảm từ 7 cặp trong năm 2015 xuống còn 2 cặp; sở hữu ngân hàng với doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp; số TCTD sở hữu hơn 15% nay chỉ còn 4 trường hợp, so với 19 trường hợp vào năm 2012” – Thống đốc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.
Nguyên nhân của tình trạng xử lý sở hữu chéo còn chưa dứt điểm, theo Thống đốc, là do thoái vốn của cổ đông chậm bởi chưa tìm được đối tác để mua lại phần vốn đó; việc thoái vốn ngoài ngành với quy mô lớn có thể gây thiệt hại cho tổ chức, cơ quan Nhà nước; nhiều nhà đầu tư còn khó khăn về vốn nên làm chậm quá trình thoái vốn…
Trở lại với Thông tư 36 mà Eximbank đề cập đến trong việc bán vốn tại Sacombank lần này, theo quy định thì mỗi tổ chức tín dụng không được sở hữu quá 5% vốn ở tổ chức tín dụng khác, và không được sở hữu ở quá 2 tổ chức tín dụng. Tuy nhiên trong hệ thống vẫn còn vài trường hợp vì nhiều nguyên do khác nhau mà chưa đáp ứng yêu cầu, như là Maritime Bank ở MB; Vietcombank ở MB, Eximbank và OCB (Vietcombank từng sở hữu vốn ở 5 tổ chức tín dụng nhưng mới đây vừa thoái thành công ở Saigonbank và Tài chính Xi măng nên chỉ còn sở hữu vốn ở 3 ngân hàng); hay Eximbank ở Sacombank.