Số liệu của Ngân hàng thế giới từng cho biết Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Với tốc độ phát triển hằng năm đạt 16 đến 20%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều nhất của Việt Nam trong thời gian qua. World Bank còn cho biết chi phí logistics tại Việt Nam ước tính khoảng 25% GDP hằng năm, cao hơn đáng kể so với tỷ trọng 19% của Thái Lan, 18% của Trung Quốc, 13% của Malaysia và cao gần gấp ba lần nếu so với các nước như Mỹ hay Singapore.
Chi phí logistics hiện cũng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo số liệu của phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam VCCI, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.
Hay GS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, chi phí đang là gánh nặng lớn cho DN như chi phí logistics đắt hơn thế giới quá nhiều. Ở Việt Nam, chi phí vận tải chiếm hơn 2/3 giá trị hàng hoá, trong khi các nước chiếm 1/2.
Lần đầu tiên các mặt hàng vận tải bằng container lạnh như trái cây, thủy hải sản, thực phẩm phẩm đông lạnh được đưa lên vận tải bằng đường sắt. Với công suất 4 chuyến mỗi tuần từ Nam ra Bắc và ngược lại. Điều này được kỳ vọng sẽ giảm giá cước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trong nội địa Việt Nam sang Trung Quốc.
Chuyến tàu đầu tiên có lịch trình xuất phát từ ga Sóng Thần, khu công nghiệp Bình Dương. Trên đường đi tàu sẽ dừng ở ga Phan Thiết để lấy hàng và đưa thẳng đến ga Lào Cai. Đại diện một doanh nghiệp logistics cho biết mỗi container hàng lạnh đi đường sắt giảm được 15 triệu đồng so với đi đường bộ, tương đương khoảng 20% giá cước.
“Tuyến vận tải này sẽ tạo ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua phía Bắc sang Trung Quốc đặc biệt là sắp tới qua con đường tơ lụa nối Trung Quốc, Nga và Châu Âu”, ông Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc ICD Tân Cảng- Sóng Thần cho biết.
Đại diện đường sắt Việt Nam cho biết để triển khai tuyến tàu này, đơn vị đã bỏ ra 6 tỷ đồng để cải tạo các toa xe và hệ thống máy phát điện để đảm bảo cung cấp điện thường xuyên cho các toa tầu. Theo ông Vũ Anh Minh, chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam với những hàng hóa, container lớn nên vận chuyển bằng đường sắt, đường biển. Còn đường bộ sử dụng làm giao thông kết nối từ các điểm đường sắt đến nơi giao hàng.
Phía công ty này cũng cho biết để tăng hiệu quả vận tải container hàng hóa, các khu hậu cần xếp dỡ sẽ được xây dựng dọc tuyến đường sắt Bắc Nam nhằm mở rộng các kho bãi hàng. Hạ tầng đường sắt sẽ do đường sắt đầu tư, kho bãi thiết bị sẽ được xã hội hóa nhằm mục tiêu giảm thêm 20% chi phí logistics.