Đường sắt đô thị tại TPHCM và Hà Nội đẩy tăng nhu cầu vốn nước ngoài

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ về vấn đề nợ công, ODA.

Đáp ứng nhu cầu giải ngân 270.000 tỷ đầu tư trung hạn từ 2016-2020

Theo đó, Thủ tướng cho biết, về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 nguồn vốn nước ngoài và tác động đến trần nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước tối đa là 2 triệu tỷ đồng, trong đó 300.000 tỷ đồng vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương, đã bao gồm 30.000 tỷ đồng thuộc khoản dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đường sắt đô thị tại TPHCM và Hà Nội đẩy tăng nhu cầu vốn nước ngoài - Ảnh 1.

Đường sắt đô thị (ảnh minh họa: KT)


Khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 nguồn vốn nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã căn cứ vào thực tế giải ngân nguồn vốn nước ngoài các năm trước và tính khả thi của việc giải ngân nguồn vốn này trong giai đoạn 2016 – 2020, theo đó với số vốn trung hạn 270.000 tỷ là cơ bản đáp ứng được yêu cầu giải ngân thực tiễn của các dự án đã có trong kế hoạch trung hạn, đã ký kết hiệp định và đang thực hiện.

Bên cạnh đó, để thực hiện chủ trương tranh thủ và tận dụng cơ hội sử dụng nguồn vốn ưu đãi (như IDA, ADF) trước khi nước ta hoàn toàn tốt nghiệp ODA do đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương và triển khai đàm phán, ký kết một số hiệp định dự án mới trong 2 năm 2016 và 2017 với số vốn khả năng có thể giải ngân khoảng 29.000 tỷ đồng (phù hợp với khoản dự phòng của nguồn vốn nước ngoài trong kế hoạch trung hạn là 30.000 tỷ đồng).

Rà soát lại kế hoạch đầu tư công

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng kế hoạch trung hạn nguồn vốn nước ngoài, có một số tình huống phát sinh ngoài dự kiến như: Khoản vốn của các dự án sử dụng vốn nước ngoài đã giải ngân từ năm 2016 trở về trước nhưng chưa quyết toán (14.033,795 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua và sử dụng một phần trong dự phòng trung hạn); các dự án đang thực hiện phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dẫn tới tăng nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài so với trước đây (dự án tuyến đường sắt đô thị của Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh); một số dự án dự kiến chuyển đổi cơ chế tài chính từ cho vay sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp (như 4 dự án đường cao tốc của VEC, dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng)…

Như vậy, trong trường hợp những khoản phát sinh ngoài dự kiến tiếp tục được Quốc hội xem xét, thông qua thì việc rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 nguồn vốn nước ngoài là cần thiết.

Trong đó, cần xem xét các phương án hoãn, giãn tiến độ các dự án, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn phù hợp với giới hạn trần nợ công, nợ Chính phủ và bội chi ngân sách trong các năm còn lại của kế hoạch trung hạn, bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả đầu tư cũng như mối quan hệ đối ngoại giữa nước ta và các đối tác phát triển, các nhà tài trợ.

“Đến năm 2018 khi nước ta tốt nghiệp hoàn toàn ODA thì các dự án sử dụng nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn cần được xem xét thận trọng, tổng mức vốn nước ngoài sẽ giảm dần do hạn mức vay vốn của các địa phương là có hạn”- Thủ tướng lưu ý./.

Thủ tướng phê duyệt Đề án Cơ cấu lại đầu tư công VOV.VN – Mục tiêu của Đề án là tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công…

TP.HCM chấp thuận cho Ngân hàng XNK Hàn Quốc đầu tư dự án đường sắt đô thị metro số 4

Bài viết mới