Đã có những chỉ trích xung quanh vấn đề “tự do ngôn luận” sau phát ngôn của phía Facebook. Tuy nhiên, không mấy ai để ý đến những rủi ro phía sau một môi trường thông tin “rơi tự do” trên các mạng xã hội.
Báo cáo của “We Are Social” cho thấy đến giữa năm 2017, Việt Nam có đến 64 triệu người dùng Facebook, chiếm khoảng 3% tổng người dùng Facebook toàn cầu. Con số này đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan, trở thành quốc gia có “dân số Facebook” trong tốp 7 của thế giới. Xu hướng này tiếp tục tăng nhanh ở thị trường hơn 90 triệu dân với độ tuổi trung bình trẻ (khoảng 30), tăng trưởng kinh tế mạnh, mức độ sử dụng điện thoại thông minh cao.
Không phủ nhận những cơ hội mà Facebook mang lại cho thị trường Việt Nam nhưng những thách thức trong việc quản lý thông tin giả, gây kích động xã hội, gây tổn hại đến lợi ích của cá nhân và cộng đồng… là một thách thức lớn mà một tay Chính phủ không thể bao quát.
Một ví dụ điển hình là Cộng hòa Liên bang Đức, với gần 39 triệu người dùng (theo statista.com), Quốc hội Đức hồi tháng 6 đã thông qua bộ luật siết chặt việc quản trị thông tin của Facebook. Theo đó, các thông tin bị “báo cáo vi phạm luật pháp Đức” phải được xử lý trong vòng 24 giờ. Mức phạt đối với Facebook nếu quản lý không tốt có thể lên đến 50 triệu euro (hơn 1,3 ngàn tỉ đồng). Phản ứng rất thiện chí với các yêu cầu từ chính phủ Đức, Facebook đã đưa vào hoạt động hai trung tâm điều hành phối hợp với ngành chức năng và người dân để theo dõi và xử lý thông tin được đặt tại thủ đô Berlin và TP Essen (bang Nordrhein-Westfalen) với tổng số nhân viên lên đến 1.200 người.
Facebook không phải là nguồn gốc của tin giả hay các thông tin gây hại nhưng đó là môi trường gia tăng số lượng và mức độ khuếch đại các loại thông tin như vậy. Như vậy việc Chính phủ tạo ra một môi trường pháp lý để quy định nghĩa vụ của Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung, đồng thời đối thoại và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạng xã hội thực hiện nghĩa vụ của họ là điều rất nên làm.
Việc thiết lập một “đường dây nóng” giữa Chính phủ (và người dân) với Facebook sẽ làm tăng tính cơ động của việc xử lý thông tin có hại và hoàn toàn nằm trong khả năng của “gã khổng lồ” mạng xã hội tại một thị trường “kếch xù” như Việt Nam. Trên bình diện thế giới, thực tế Facebook đang triển khai kế hoạch tăng cường từ 4.500 lên 7.500 nhân viên chuyên xem xét và xử lý thông tin gây hại kịp thời.
Ở phương diện khác, phản ứng của Facebook cũng cho thấy sự nhạy bén và thức thời của doanh nghiệp này trước các yêu cầu quản lý thông tin từ Chính phủ Việt Nam – “bài toán” mà Facebook đã không còn lạ lẫm khi tiếp cận các thị trường khó tính tại châu Âu.
Vấn đề còn lại chính là triển khai các quy định pháp lý, định hình rõ các chuẩn mực thông tin, ví dụ thế nào là thông tin giả, gây kích động, gây thù địch, gây hại… và ai có quyền, nghĩa vụ pháp lý liên quan đến các nội dung này. Trong đó, việc tiếp cận với các quốc gia đi trước trong quản lý thông tin mạng xã hội là cần thiết.