Cuộc sống vẫn diễn ra, các chính sách tài chính hay quyết định chính trị vẫn được đưa ra hàng ngày nhưng dường như nó chẳng còn mấy ý nghĩa với chứng khoán Mỹ. Người ta vẫn nghĩ như vậy nhưng phiên giao dịch hôm qua giống như 1 lời nhắc nhở, một thông điệp duy nhất mà thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới gửi đi: đừng cảm thấy thoải mái, bởi nỗi đau vẫn đón chờ bạn ở đâu đó. Kể từ đầu năm đến nay, khi mà mức biến động trung bình của các ngày giảm điểm lớn hơn 24% so với mức biến động trung bình của các ngày tăng điểm – biên độ tồi tệ nhất kể từ năm 1948.
Điều đó một lần nữa xuất hiện trong phiên giao dịch hôm qua 29/5. Dow Jones mất 1,58%, S&P 500 cũng giảm 1,16% trong khi Nasdaq mất 0,5%. Mức giảm điểm này sẽ nằm trong top những phiên giao dịch tồi tệ nhất của năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, trong năm 2018, nó còn chưa được lọt vào top 20 phiên lao dốc kinh khủng nhất. Nói cách khác: phiên mà S&P 500 giảm điểm mạnh nhất trong năm ngoái là 17/5, khi chỉ số này mất 1,8%. Tuy nhiên nếu đặt vào bảng xếp hạng năm nay thì phiên 17/5/2017 sẽ chỉ đứng thứ 8 về mức độ giảm sâu, và hiện chúng ta mới chỉ ở thời điểm cuối tháng 5 mà thôi.
“Nếu là nhà đầu tư, bạn chắc chắn không muốn trở nên quá thoải mái bởi nó sẽ rất tốn kém. Sự lạc quan về điều kiện tăng trưởng toàn cầu là những câu thần chú giúp thị trường tăng trưởng vài tuần trước. Giờ chúng chẳng còn tác dụng”, Donald Selkin, chiến lược gia trưởng tại Newbridge Securities Corp., nhận định.
Chỉ có một điều không đổi trong năm 2018 là cứ vài tuần, các cổ phiếu lại hứng chịu một đợt điều chỉnh mạnh. Trái ngược với sự lạc quan và phấn khích trong những tuần trước nhờ các báo cáo lạc quan và nhóm cổ phiếu công nghệ siêu hot FAANG lập kỷ lục, chứng khoán Mỹ lại vừa lao dốc bởi tình hình bất ổn chính trị ở Italy đang khiến khắp châu Âu dậy sóng. Kết quả là, S&P 500, vốn duy trì mức biến động trung bình 0,3% trong 10 phiên trước đó, đã trượt dốc với biên độ gấp 4 lần chỉ trong 1 phiên. Chỉ số biến động Cboe (VIX) tăng vọt 29%, cao nhất kể từ tháng 3, lên 17,02 điểm.
Một điều lạ là trong phiên hôm qua lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2016, xuống còn 2,78%. Cách đây nửa tháng, khi lợi suất ở mức 3,1%, mức giảm như vậy chắc chắn sẽ giúp chứng khoán Mỹ thăng hoa. Nhưng không phải trong phiên hôm qua.
Michael Antonelli, CEO của Robert W. Baird & Co., nhận định: “Các thị trường thường phân vân với những tình huống xấu nhất mà đáng ngạc nhiên là chúng hầu hết chẳng bao giờ xảy ra. Thành thật mà nói, chúng ta như chim ngã sợ cành cong (bởi cuộc khủng hoảng châu Âu năm 2011) nên bất cứ điều gì đó xảy ra đều khiến chúng ta kinh hãi”.