Tuần mới từ 15/1 đến 19/1/2018 lại có thêm hơn 100 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, trong đó có gần 40 triệu cổ phiếu SGR của Địa ốc Sài Gòn “chuyển nhà” từ thị trường UpCOM sang niêm yết trên HoSE; có 41,9 triệu cổ phiếu TTL của Tổng Công ty Thăng Long sẽ niêm yết trên HNX; ngoài ra Hasfaco – CTCP Thương mại Thời trang Hà ội và Chứng khoán HFT cũng đưa tổng cộng 20 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM.
Cổ phiếu SGR của Địa ốc Sài Gòn tăng 4 phiên liên tiếp trước khi hủy ĐKGG trên UpCOM
Gần 39,6 triệu cổ phiếu SGR sẽ giao dịch trên HoSE từ 15/1 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 29.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên UpCOM lên đến 33.500 đồng/cổ phiếu.
Địa ốc Sài Gòn tiền thân là Doanh nghiệp Nhà nước, thành lập năm 1983, đến năm 1999 công ty chính thức chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần trong đó Nhà nước nắm giữ 40% vốn.
Tính đến 12/10/2017 Cơ điện lạnh REE vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 28,86% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Địa ốc Sài Gòn. Ngoài ra công ty còn 4 cổ đông lớn khác đều là các cá nhân. Tổng cộng 5 cổ đông lớn sở hữu 74,32% vốn công ty.
Kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2017 Địa ốc Sài Gòn đạt 546 tỷ đông doanh thu, tăng 17% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 107,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 106,8 tỷ đồng đạt được 9 tháng đầu năm ngoái.
Trên BCTC hợp nhất quý 3/2017 của công ty còn thể hiện, tính đến 30/9/2017 Địa ốc Sài Gòn còn gần 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; còn hơn 2,1 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển.
Thời trang Hafasco chào sàn UpCOM với giá tham chiếu 29.700 đồng/cổ phiếu
Toàn bộ 10 triệu cổ phiếu HFS của CTCP Thương mại dịch vụ thời trang Hà Nội (Hafasco) sẽ đăng ký giao dịch trên UpCOM từ 15/1/2018 tới đây với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 29.700 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa ngày lên sàn của Hafasco lên đến gần 300 tỷ đồng.
Hafasco tiền thân là Công ty Bông vải sợi may mặc Hà Nội, được thành lập năm 1960 trên cơ sở sáp nhập 2 công ty là Công ty bông vải sợi và Công ty may mặc Hà Nội. Công ty tiến hành IPO bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào tháng 1/2015.
Năm 2017 Hafasco đặt mục tiêu đạt 150 tỷ đồng doanh thu và 3,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết quả kinh doanh, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2017 đạt trên 111 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4,15 tỷ đồng.
Hafasco cũng đã xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mục tiêu doanh thu ước đạt 160 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 3,3 tỷ đồng.
Tổng công ty Thăng Long đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HNX
Ngày 18/1/2018 tới đây 41.908.000 cổ phiếu TTL của Tổng công ty Thăng Long chính thức giao dịch trên HNX với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 13.000 đồng/cổ phiếu.
Phiên IPO của Tổng công ty Thăng Long diễn ra vào ngày 24/3/2014. Có hơn 12,3 triệu cổ phần mang ra chào bán với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Kết quả, toàn bộ số cổ phần được bán hết với giá trúng bình quân 21.007 đồng/cổ phiếu. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 5/2014.
Cơ cấu cổ đông của Tổng công ty Thăng Long trước ngày lên sàn cũng rất cô đọng khi 6 cổ đông lớn nắm giữ đến 91,77% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành.
Ngay trước khi lên sàn Tổng Công ty Thăng Long bất ngờ công bố BCTC quý 3/2017 với kết quả doanh thu giảm sút 53% so với cùng kỳ năm 2016 và đồng thời báo lỗ gần 2 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 TTL đạt 753,7 tỷ đồng doanh thu, bằng một nửa so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 14,48 tỷ đồng, bằng 1/3 lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái, nâng tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý lên 35,8 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả đến cuối quý giảm gần 360 tỷ đồng, xuống còn 837 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn giảm gần 40 tỷ đồng, xuống còn 96 tỷ đồng và vay nợ dài hạn giảm được gần 60 tỷ đồng, xuống còn hơn 4,6 tỷ đồng.
Chứng khoán HFT mang theo số lỗ lũy kế 20 tỷ đồng lên sàn
Chứng khoán HFT là 1 trong 10 công ty chứng khoán đầu tiên được thành lập tại Việt Nam vào năm 2002, tiền thân là CTCP Chứng khoán Mê Kông có vốn điều lệ ban đầu 6 tỷ đồng. Quá trình hình thành và phát triển công ty đã 4 lần tăng vốn lên 100 tỷ đồng. Lần gần nhất Chứng khoán HFT tăng vốn vào năm 2009.
Ngày 18/1 tới đây 10 triệu cổ phiếu HFT của CTCP Chứng khoán HDT cũng sẽ lên giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 8.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện Chứng khoán HFT có 9 cổ đông lớn sở hữu 85,2% vốn điều lệ, trong đó có 2 tổ chức và 9 cá nhân và không có cổ đông nước ngoài nào. Doanh thu của công ty chủ yếu từ mảng môi giới, còn doanh thu tư vấn đang giảm sút mạnh.
Trên BCTC quý 3/2017 của công ty thể hiện, 9 tháng đầu năm 2017 công ty lãi sau thuế gần 2,1 tỷ đồng, giảm mạnh so với số lãi gần 9 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2016. Tính đến 30/9/2017 Chứng khoán HFT ghi nhận còn lỗ lũy kế hơn 20,6 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn gần 81 tỷ đồng trong đó vốn góp chủ sở hữu 100 tỷ đồng. HFT còn hơn 1,3 tỷ đồng trong quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ.