Tuần mới từ 6/11 đến 10/11 sẽ có rất nhiều mã chứng khoán “nóng” được các nhà đầu tư mong đợi lên sàn, trong đó có cổ phiếu của Vincom Retail, có Pymepharco, có Thương mại Tràng Thi…
Cụ thể, 6 mã cổ phiếu với gần 2 tỷ cổ phiếu sẽ gia nhập sàn chứng khoán trong tuần tới, trong đó có 1,9 tỷ cổ phiếu của Vincom Retail và hơn 65 triệu cổ phiếu của Pymepharco niêm yết trên HoSE, còn các cổ phiếu khác đăng ký giao dịch trên UpCOM.
Vincom Retail được định giá gần 3 tỷ USD
Ngay đầu tuần mới, ngày 6/11, hơn 1,9 tỷ cổ phiếu VRE của Vincom Retail sẽ gia nhập sàn HoSE với giá chào sàn 33.800 đồng/cổ phiếu. Biên độ giao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên +-20%. Với mức giá này, vốn hóa của Vincom Retail rơi vào khoảng 64.250 tỷ đồng, tương đương 2,8 tỷ USD.
Vincom Retail là công ty quản lý các trung tâm thương mại của tập đoàn Vingroup ( VIC ) với các thương hiệu Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza và Vincom+…với 40 TTTM tại 21 tỉnh thành, tổng diện tích mặt bằng bán lẻ lên đến 1,1 triệu m2.
Ngoài hoạt động cho thuê mặt bằng tại các TTTM, Vincom Retail còn vận hành cho thuê và quản lý một số khu văn phòng xung quanh các TTTM mang thương hiệu Vincom và một số bất động sản khác. Tính đến ngày 30/6/2017, tổng diện tích văn phòng và các bất động sản khác cho thuê của Công ty là 36.123 m2. Ngoài ra Vincom Retail còn có nguồn thu từ việc đầu tư và phát triển các bất động sản để bán. Hoạt động bán bất động sản của Vincom Retail chủ yếu là phát triển các nhà phố thương mại (shophouse) xung quanh một số TTTM Vincom Plaza, Trung tâm mua sắm Vincom+, tháp văn phòng và căn hộ để bán tại một số TTTM Vincom Center.
Theo nhận định, nếu VRE đạt mức độ tăng kịch biên độ 20% trong ngày chào sàn, vốn hóa thị trường của Vincom Retail sẽ lên đến 77.000 tỷ đồng.
Pymepharco chào sàn với giá tham chiếu 68.000 đồng/cổ phiếu
Một cổ phiếu khác cũng niêm yết trên sàn HoSE là PME của CTCP Pymepharco. Hơn 65,22 triệu cổ phiếu PME sẽ lên niêm yết trên HoSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 68.000 đồng/cổ phiếu. Biên độ giao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên +-20%. Với mức giá này, vốn hóa ngày lên sàn của Pymepharco rơi vào khoảng 4.435 tỷ đồng.
Pymepharco tiền thân là Công ty Dược và Vật tư Y tế Phú Yên được thành lập năm 1989 và được chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2008. Pymepharco hiện là một trong những công ty sản xuất dược lớn nhất Việt Nam.
Các cổ đông chính của Pymepharco gồm có hãng dược phẩm Đức Stada (49%) và ông Trương Viết Vũ (13,2%).
Về hoạt động kinh doanh, năm 2017, Pymepharco đặt kế hoạch đạt 1.572 tỷ đồng doanh thu thuần và 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tỷ lệ cổ tức tối thiểu 20%. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Pymepharco đạt 1.200 tỷ đồng doanh thu thuần và 215 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 9% và 24% so với cùng kỳ năm trước.
Thương mại Tràng Thi chào sàn UpCOM với giá tham chiếu 28.000 đồng/cổ phiếu
Toàn bộ 13,5 triệu cổ phiếu T12 của Thương mại Tràng Thi sẽ giao dịch trên UpCOM từ 6/1 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 28.000 đồng/cổ phiếu.
Thương mại Tràng Thi tiền thân là Công ty Ngũ Kim, được thành lập từ tháng 2/1955 theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội. Sau hơn 60 năm phát triển, tháng 6/2015 công ty tổ chức IPO đưa 3.111.400 cổ phần đấu giá lần đầu ra công chúng. Toàn bộ số cổ phần được bán thành công với giá trúng bình quân 82.000 đồng/cổ phần. Tháng 10/2015 công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 135 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông của Thương mại Tràng Thi đang khá cô đặc khi 4 cổ đông lớn nắm giữ đến 99,78% vốn điều lệ. Phần còn lại thuộc sở hữu của 32 cá nhân khác. Trong số đó Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 53,33% vốn.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 doanh thu thuần đạt gần 191,6 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế thu về chưa tới 2 tỷ đồng.
Harec – đơn vị quản lý lô đất 4A Láng Hạ rộng 1.500m2
Một doanh nghiệp thương mại khác cũng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM trong ngày 6/11 là CTCP Harec Đầu tư và Thương mại (HRB). Gần 6,34 triệu cổ phiếu HRB sẽ chào sàn với giá tham chiếu 25.700 đồng/cổ phiếu.
Harec được thành lập từ năm 2006 với sự góp vốn của 4 cổ đông sáng lập với mục đích quản lý và khai thác tòa nhà cho thuê văn phòng Harec tại phố Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội. Vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng. Sau 11 năm hoạt động, công ty đã 3 lần tăng vốn, và hiện VĐL Harec gần 63,4 tỷ đồng. Lần gần đây nhất công ty tăng vốn vào năm 2009.
Tính đến 28/8/2017, Harec có 3 cổ đông lớn nắm giữ 73,33% vốn điều lệ công ty. Trong đó riêng Habeco nắm giữ 40%, và đặc biệt có một cổ đông lớn là cá nhân, ông Phan Huy Tý, sở hữu 23,33% vốn. Ông Phan Huy Tý hiện cũng là Thành viên HĐQT công ty.
Về chính sách cổ tức, Harec là một trong những doanh nghiệp thường xuyên chi trả cổ tức cao. Năm 2015 là 20%, năm 2016 là 24%. Năm 2017 Harec đặt mục tiêu danh thu khoảng 34,88 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 12,8 tỷ đồng, phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 17%.
Theo báo cáo, hiện Harec đang quan lý và sử dụng lô đất tại số 4A Láng Hạ làm trụ sở công ty và văn phòng làm việc, cho thuê; trong đó diện tích đất được quyền sử dụng 1.500m2 – diện tích mặt bằng xây dựng 794m2. Đây là đất công ty mua lại công trình trước là Trung tâm Thương mại và văn phòng số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội – là đất thuê của Nhà nước thời hạn 50 năm tính từ tháng 11/2001.
Doanh nghiệp ngành may – Tổng công ty Đức Giang (MGG)
Cũng trong ngày 6/11, gần 6,2 triệu cổ phiếu MGG của Tổng công ty Đức Giang – CTCP sẽ chính thức giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 22.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng công ty Đức Giang tiền thân là Xí nghiệp sản xuất và dịch vụ may Đức Giang và hiện là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm ngành may bao gồm Sơmi, Jacket, sản phẩm thời trang, trang phục văn phòng, công sở, các sản phẩm bảo hộ lao động…
TCT Đức Giang tiến hành IPO đưa 814.519 cổ phần đấu giá lần đầu ra công chúng vào tháng 10/2005 với giá đấu thành công bình quân 10.200 đồng/cổ phần. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 12/2005.
Tính đến 27/7/2017 Tổng công ty Đức Giang có 4 cổ đông lớn trong đó Tập đoàn dệt may Việt Nam sở hữu 36,79% vốn.
Doanh thu thuần năm 2016 đạt trên 2.130 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế cũng đạt trên 51 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận chưa phân phối đến cuối năm còn hơn 121 tỷ đồng. Tổng cộng tài sản đạt 826 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 234 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu gần 62 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong ngày 8/11, sàn UpCOM còn đón nhận thêm hơn 3,67 triệu cổ phiếu MQB của CTCP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.000 đồng/cổ phiếu.