Đừng quên dành tiền cho tuần mới, có đến 8 mã chứng khoán với 320 triệu cổ phiếu sẽ lên sàn

Tháng 7 âm lịch vừa qua, do ảnh hưởng tâm lý “tháng cô hồn” nên cũng rất ít doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, khác hẳn với vẻ ồ ạt của những tháng trước đó. Theo thống kê, cả tháng 7 âm vừa qua chỉ có 8 mã cổ phiếu mới lên sàn, chủ yếu tập trung vào thời điểm đầu tháng.

Bước sang tháng 8, hết tháng “cô hồn”, đã có hàng loạt doanh nghiệp dồn dập đưa cổ phiếu lên sàn. Tuần cuối tháng 9, cũng là tuần thứ 2 của tháng 8 âm, có 8 doanh nghiệp với gần 320 triệu cổ phiếu mới lên sàn. Tổng vốn hóa 8 doanh nghiệp lên sàn đạt xấp xỉ 6.100 tỷ đồng.

Thép Mê Lin chào sàn với giá 15.000 đồng/cổ phiếu

Thép Mê Lin (MEL) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HNX từ cuối tháng 6/2017 và toàn bộ 15 triệu cổ phiếu của công ty sẽ chính thức giao dịch từ 27/9 tới với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu. Thép Mê Lin cũng là doanh nghiệp duy nhất tuần này niêm yết cổ phiếu trên HNX.

Thép Mê Lin là doanh nghiệp chuyên gia công, sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu các sản phẩm thép, buôn bán kim loại và quặng kim loại… Địa chỉ trụ sở chính tại tòa nhà Hapulico, Thanh Xuân, Hà Nội…

Công ty thành lập năm 2003 với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng. Trải qua 15 năm hoạt động, hiện Thép Mê Lin có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, có nhà máy tại khu công nghiệp Quang Minh – Mê Linh – Hà Nội với diện tích nhà xưởng và kho là 20.000m2 trên tổng diện tích 30.000m2; có chi nhánh tại thành phố Hải Phòng với diện tích đất là 9.000m2, trong đó diện tích nhà xưởng và kho hàng là 6.000m2.

Cơ cấu cổ đông của Thép Mê Lin bao gồm 108 cổ đông đều là các cá nhân, trong đó 3 cổ đông lớn đều là các cá nhân, sở hữu 60,45% vốn – đây cũng là Chủ tịch, giám đốc và 1 thành viên HĐQT của công ty; cùng 105 cá nhân khác sở hữu gần 40% vốn còn lại (số liệu tính đến 19/5/2017). 3 cổ đông lớn hiện tại của Thép Mê Lin cũng là 3 cổ đông sáng lập công ty.

Hiện công ty đang ký kết hợp đồng với CTCP Kim Khí Việt đầu tư xây dựng dự án Nhà máy liên hiệp cắt xẻ Thép và chế biến than tại Hải Phòng. Dự án được xây dựng trên quỹ đất 47.785m2 với công suất khoảng 100.000 tấn thép và 120.000 tấn than/năm, trong đó Thép Mê Lin góp 85% vốn. Giai đoạn 1 xây dựng Nhà máy xẻ Thép từ năm 2016-2017 và giai đoạn 2 xây dựng Nhà máy chế biến than từ năm 2018-2020.

Năm 2016 doanh thu công ty đạt trên 1.065 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu về hơn 19 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2017 doanh thu thuần đạt gần 650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt được trên 13,1 tỷ đồng.

Một trong những cái tên được trông chờ – Kido Food (KDF)

CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO (Kido Food) sẽ đưa 56 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu 60.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa ngày lên sàn hơn 3.360 tỷ đồng.

KIDO Food được biết đến với thương hiệu kem Kido nổi tiếng. Theo báo cáo mới nhất của công ty phân tích toàn cầu Euromonitor, Kido Food tiếp tục vị thế dẫn đầu trong ngành kem và món tráng miệng đông lạnh với thị phần 38% năm 2016 và tăng lên 40% năm 2017.

Trước khi giao dịch UPCoM, KIDO có thực hiện chào bán 20% cổ phần ra bên ngoài với giá 52.000 đồng/cp và 15% cổ phần cho các đối tác chiến lược. Sau khi chào bán cổ phần, Tập đoàn KIDO còn nắm giữ tỷ lệ chi phối 65% vốn điều lệ KDF.

Và vào đầu tháng 8 vừa qua, HĐQT của Kido đã thông qua việc chuyển nhượng gần 8,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,8% vốn của Kido Food. Trong đó, KDC sẽ chuyển nhượng theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) 5,6 triệu cp, tương đương 10% vốn của KDF với giá chào bán 25.000 đồng/cp và gần 2,7 triệu cổ phiếu KDF cho đối tác chiến lược với giá 40.000 đồng/cp.

Năm 2016, KIDO Food ghi nhận doanh thu thuần 1.397 tỷ đồng, LNST 142,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 31% và 85% so với cùng kỳ năm trước.

Thêm một doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô lên sàn

Futu 1 – CTCP Phụ tùng máy số 1 là doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung cấp các linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, các loại máy nông nghiệp…sẽ đưa hơn 7 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UpCOM từ 27/9 tới với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 21.700 đồng/cổ phiếu.

Trước đó đầu tháng 9 cũng đã có 1 doanh nghiệp trong ngành sản xuất linh kiện ô tô xe máy lên sàn và được nhà đầu tư rất quan tâm là Nhựa Hà Nội (NHH). Chỉ sau hơn chục ngày giao dịch cổ phiếu NHH đã tăng mạnh từ 66.000 đồng (giá chào sàn) lên 80.000 đồng/cổ phiếu.

Khác với Nhựa Hà Nội, nguyên liệu tạo ra các sản phẩm của Futu 1 là gang thép các loại còn các sản phẩm của Nhựa Hà Nội chủ yếu lấy nguyên liệu từ các loại nhựa. Hiện VEAM đang là cổ đông lớn duy nhất sở hữu 55% vốn Futu 1.

Năm 2016 doanh thu công ty đạt 808 tỷ đồng, tăng trưởng 4,7% so với năm trước đó; lợi nhuận sau thuế thu về trên 53,3 tỷ đồng, tăng trưởng 7%. Tỷ lệ cổ tức thanh toán năm 2016 là 46,6% và năm 2015 là 50%, đều bằng tiền mặt. Năm 2017 Futu 1 đặt mục tiêu đạt 830 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế ước đạt 40 tỷ đồng, giảm 25% so với lợi nhuận đạt được năm trước đó.

Telcom mang theo khoản lỗ lũy kế 11 tỷ đồng và mấy lô đất ở vị trí đắc địa lên sàn

CTCP Phát triển Công trình Viễn Thông (Telcom – TEL) đưa 5 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UpCOM với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên 10.800 đồng/cổ phiếu. Ngay giao dịch đầu tiên 26/9/2017.

Telcom lên sàn mang theo khoản lỗ lũy kế hớn 11 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 54 tỷ đồng; tổng cộng tài sản trên 130 tỷ đồng giảm 32 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trên BCTC kiểm toán năm 2016, kiểm toán viên cũng đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc công ty chưa thực hiện đầy đủ việc đối chiếu số dư nợ phải thu, phải trả số tiền 32,8 tỷ đồng và một số nội dung khác.

Điểm hấp dẫn nhất của Telcom có lẽ là phần cơ sở hạ tầng đang sở hữu bao gồm 3 lô đất đắc địa với tổng cộng hơn 6.776m2, trong đó có khu đất rộng 3.940m2 tại Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội; lô đất tại Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội có diện tích 2.292,6m2 và lô đất tại Thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai rộng gần 544m2 hiện đang làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm cơ sở SXKD và văn phòng.

Nhiệt điện Cẩm Phả mang theo gánh nặng lỗ lũy kế 611 tỷ đồng

Nhiệt điện Cẩm Phả – TKV (mã chứng khoán NCP) sẽ đưa gần 197 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ 25/9 tới đây với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên 10.000 đồng/cổ phiếu. Nhiệt điện Cẩm Phả có vốn điều lệ đăng ký 2.179,9 tỷ đồng nhưng vốn điều lệ thực góp gần 1.970 tỷ đồng tương ứng gần 197 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch.

Nhiệt điện Cẩm Phả là “đứa con chung” của 5 cổ đông sáng lập bao gồm Tổng công ty Than Việt Nam (Vinacoal), Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon), Tổng công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Licogi) và Tổng công ty XNK Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Nguyên nhân có sự chênh lệch giữa vốn góp và VĐL do Tổng công ty Điện lực Vinacomin chưa góp đủ vốn.

Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả 1 được khởi công xây dựng năm 2006, đến tháng 12/2007 khởi công tiếp nhà máy số 2 và bắt đầu đi vào vận hành thương mại từ tháng 5/2015. Tính đến 31/12/2016 công ty còn 1 cổ đông lớn duy nhất – công ty mẹ Tổng công ty Điện lực TKV – CTCP (Vinacomin – DTK) nắm giữ 89,21% vốn điều lệ.

Sản lượng điện thương phẩm năm 2015 đạt 3.061 triệu Kwh nhưng sang năm 2016 giảm còn 2.085 triệu Kwh. Tổng doanh thu năm 2016 đạt 2.437 tỷ đồng, giảm sút 1.620 tỷ đồng so với doanh thu đạt được năm 2015 (4.055 tỷ đồng). Tuy nhiên năm 2016 Nhiệt điện Cẩm Phả báo lãi hơn 99 tỷ đồng trong khi năm 2015 ghi nhận lỗ 247 tỷ đồng. Nguyên nhân doanh thu năm 2016 sụt giảm mạnh theo giải trình từ phía công ty là do sự cố hỏng tua bin S1 và sự cố cháy phòng ắc quy nên không thể vận hành tối đa công suất nhà máy…

Riêng 6 tháng đầu năm 2017 tổng doanh thu đạt 1.669 tỷ đồng, đồng thời công ty báo lỗ gần 52,5 tỷ đồng sau thuế. Đến 30/6/2017 Nhiệt điện Cẩm Phả còn lỗ lũy kế hơn 611 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 1.358 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu gần 1.970 tỷ đồng. Tổng cộng tài sản đạt hơn 8.023 tỷ đồng và tổng nợ phải trả hơn 6.665 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có 3 doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM nữa là CTCP Xây lắp và Sản xuất Cong nghiệp (CIP) với hơn 4,54 triệu cổ phiếu và CTCP Chế biến và vật liệu điện Hà Nội (BTH) với 3,5 triệu cổ phiếu lên sàn và CTCP Gang thép Cao Bằng (CBI) với hơn 43 triệu cổ phiếu.

Trong số 8 doanh nghiệp lên sàn tuần này, duy nhất Thép Mê Lin niêm yết trên HNX, còn 7 doanh nghiệp còn lại đăng ký giao dịch trên UpCOM. Trong số đó, có khá nhiều mã cổ phiếu được nhà đầu tư mong đợi như KDF của Kido Food, như FT1 của CTCP Phụ tùng máy số 1. Futu 1 lên sàn trong giai đoạn những thông tin về ngành ô tô đang nóng sốt trên thị trường. Từ việc Trường Hải Thaco được chọn làm nhà phân phối BMW và Mini tại Việt Nam từ năm 2018, hay việc Vingroup khởi công nhà máy ô tô Vinfast…

Hết tháng “cô hồn”, kem Kido chuẩn bị lên sàn Upcom sau nửa năm bán cổ phiếu ra công chúng

Bài viết mới