Tuy nhiên, với tư cách là các bậc cha mẹ, khi đang trong lúc mất kiểm soát, bạn có thể sẽ cáu gắt với con cái, thậm chí đôi khi còn vô tình nói những lời không hay với chúng. Thật không may, suy nghĩ của một đứa trẻ vẫn chưa đủ chín chắn để hiểu rằng đó là những lời vô ý, và kết quả là nó làm tổn thương đến tâm trí của bọn trẻ.
Nhưng đừng lo lắng. Chúng ta sẽ vượt qua được điều này.
Và từ tất cả những kinh nghiệm và nghiên cứu mà chúng tôi đã đúc kết, một điều rõ ràng rằng, cách duy nhất chúng ta có thể làm để tránh xảy ra điều này là hãy cẩn trọng với lời nói của chính mình khi nói chuyện trước mặt bọn trẻ.
Nói luôn dễ hơn làm. Nhưng với sự nỗ lực và ý chí mạnh mẽ, chúng ta có thể làm tốt hơn nữa để giảm thiểu tối đa những sự rủi ro.
Vì vậy, dưới đây là 10 câu nói mà bạn chắc chắn nên kiềm chế để không nói với con của mình.
1. “Con là một đứa trẻ hư”
Đừng bao giờ nuôi con bằng những ý nghĩ tiêu cực, nó sẽ giết chết lòng tự trọng của chúng. Trẻ em rất ngây thơ và luôn tin vào sự tốt lành. Hãy luôn nói với chúng những điều tốt đẹp, bằng niềm vui và sự tích cực.
Giải thích cho chúng biết lời nói hoặc hành động nào là không tốt và có thể gây tổn thương hoặc tổn hại đến người khác. Nhưng đừng nói với chúng rằng lời nói hoặc hành động không tốt đó làm cho chúng trở thành một đứa trẻ hư hỏng.
Trên thực tế, hãy dành cho chúng một nhận xét tích cực như “Con là đứa trẻ ngoan nhất/dễ thương nhất/thông minh nhất trên đời”. Có khả năng là chúng sẽ không bao giờ muốn làm bạn thất vọng. Dạy con những điều phải trái, và giúp chúng hiểu được giá trị của những điều tốt đẹp thông qua những điều chưa tốt.
2. “Tại sao con không thể giống như anh trai, chị gái của con?”
Đừng bao giờ so sánh con bạn với anh hay chị của nó. Điều đó sẽ khiến chúng trở nên đố kỵ. Chúng sẽ cảm thấy như bị bỏ rơi. Điều đó làm dấy lên cảm giác thất bại ở bọn trẻ và giữa anh chị em có thể xuất hiện sự ghen ghét.
3. Nói “KHÔNG”
Một lời từ chối thẳng thừng là quá khắc nghiệt đối với những hoàng tử và công chúa nhỏ của bạn. Nếu bọn trẻ lúc nào cũng nghe được lời từ chối “Không”, chúng sẽ mất đi sự tự tin và lòng tin vào bố mẹ. Nếu bạn không chấp thuận hành động của con bạn, hãy thử đưa ra các lựa chọn.
Ví dụ: thay vì nói “Không la hét nữa”, hãy thử “Nói chuyện nhẹ nhàng nào.” Thay vì nói “Không được chơi trong nhà”, hãy nói với bọn trẻ “Tại sao con không rủ bạn bè đến công viên chơi nhỉ?”
4. “Con không thể làm điều này đâu!”
Đừng bao giờ làm con bạn mất đi sự tự tin. Sẽ có những lúc bọn trẻ muốn làm một cái gì đó mà bạn biết rằng chúng có thể sẽ không làm được. Hãy cho chúng cơ hội để thử miễn là điều đó không làm tổn hại đến chúng.
Khi con trai tôi nghĩ rằng nó có thể nhấc một chiếc ghế nặng, thay vì nói “Con không thể làm được đâu!”, tôi nói với nó, “Hãy thử nếu con có thể hoặc bố sẽ giúp con” hoặc “Con có thể bị thương nếu cố nhấc nó đấy. Để bố làm giúp con”. Tuy nhiên, phương án thay thế tốt nhất chính là “Hãy làm cùng nhau nào!”
Trẻ em học hỏi qua sự thử thách và những sai lầm. Tuy nhiên chúng sẽ không bao giờ dám thử bất cứ điều gì mới nếu bạn làm cho chúng cảm thấy sợ hãi với việc đó.
5. “Đừng nói chuyện với bố/mẹ nữa”
Đừng bao giờ cấm cấm đoán việc giao tiếp giữa bạn và con cái. Đừng bao giờ yêu cầu trẻ ngừng nói chuyện hoặc tranh cãi. Hãy để chúng đặt câu hỏi và chia sẻ ý kiến của chúng một cách tự do. Đúng hơn là hãy nói chuyện với chúng nếu bạn muốn chúng nghe theo lời khuyên của bạn.
Cho bọn trẻ biết chúng phải làm gì và tại sao điều đó lại quan trọng như vậy. Thuyết phục chúng bằng những từ ngữ, giọng điệu và cách diễn đạt của bạn. Đúng thế, tiếp tục nói chuyện và lắng nghe cho đến khi chúng đồng tình với quan điểm của bạn.
Khi con tôi không đồng tình với quan điểm của tôi, thay vì yêu cầu nó ngừng tranh luận, tôi sẽ trưng ra một khuôn mặt buồn và nói: “Được rồi, làm bất cứ điều gì con thích đi, nhưng bố sẽ buồn đấy”. Điều này có nghĩa là bạn có thể bắt đầu cuộc trò chuyện một lần nữa và bạn có cơ hội để thương lượng hoặc giành phần thắng trong cuộc tranh luận này.
6. “Con gái/con trai không nên làm như thế đâu”
Trẻ con vẫn chỉ là trẻ con mà thôi, hãy để chúng sống với đúng độ tuổi của mình. Không nên tạo ra các quy tắc về giới tính. Hãy để bọn trẻ được tự quyết định – cho dù là khi chúng lớn lên có giống một cô gái hay một chàng trai đi nữa. Đừng ngăn chúng khám phá những điều mà chúng tò mò hay có khả năng.
Khi con trai tôi ba tuổi, tôi mua cho nó một bộ đồ dùng nhà bếp và chuẩn bị sẵn để mọi người ngạc nhiên. Ai nói con trai không nên nấu ăn?
7. “Để bố/mẹ yên!”
Đối với con cái thì cha mẹ là tất cả đối với chúng. Đừng bao giờ nói rằng bạn sẽ để chúng lại một mình hoặc đừng yêu cầu để được ở một mình. Đừng bao giờ nói những điều sẽ làm tổn thương bọn trẻ đến mức chúng cảm thấy rằng chúng không được yêu thương hoặc không được quan tâm nữa.
Đó là một điều cực kì không nên ngay cả khi bạn đang cảm thấy lo lắng tột cùng, và chỉ muốn ở một mình. Nói chuyện với bọn trẻ sẽ giúp chúng ta học cách kiên nhẫn.
8. “Nếu bố về, mẹ sẽ nói với bố…”
Sai lầm phổ biến này của các bậc phụ huynh chính là sự khởi nguồn của nhiều chuyện xảy đến cùng một lúc. Nó làm cho trẻ lo lắng và sợ hãi – đặc biệt là người mà bạn sẽ nói về những điều đã xảy ra, sẽ thay bạn trừng phạt con bạn hoặc xử lý vấn đề khi bạn không có khả năng.
Ngoài ra, đừng lấy câu nói đó ra để đe dọa con mỗi ngày. Đôi khi những việc làm của con bạn có thể là vô ý hoặc thiếu trách nhiệm. Có thể bạn sẽ muốn nói về chuyện đó với vợ hoặc chồng của mình.
Trong trường hợp đó, hãy hỏi con của bạn: “Con có muốn nói với bố về chuyện đó không hoặc là mẹ có nên giải thích cho bố nghe và giúp con đưa ra lý do hay không?” Hãy để con của bạn tự ý thức về lỗi lầm và hành động của mình, nhưng hãy làm như vậy một cách tế nhị.
9. “Không ai muốn một đứa trẻ như con đâu”
Một “đứa trẻ ngỗ ngược” không phải do sinh ra nó đã như thế. Cha mẹ mới là những người có lỗi nếu trẻ em trở nên có vấn đề. Điều đó phản ánh sự giáo dục của các bậc phụ huynh. Bọn trẻ học được mọi thứ từ cha mẹ, gia đình, bạn bè và môi trường xung quanh. Vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng con của bạn hành xử chưa đúng, hãy nhớ rằng, chúng không phải là người có quyền lựa chọn thế giới xung quanh. Bạn mới là người đã lựa chọn thế giới đó!
10. “Lớn rồi đừng có làm như thế”
Đừng bao giờ tước đi tuổi thơ của chúng. Trẻ con rồi cũng sẽ lớn lên, sao phải vội vàng làm gì? Thay vào đó, hãy đặt mình vào vị trí của bọn trẻ vì có thể điều đó sẽ làm chúng thoải mái và hạnh phúc hơn.
Vì vậy, khi đứa con trai 8 tuổi của tôi nhảy cẫng lên giường bởi vì đội bóng Quốc gia giành chiến thắng, tôi phải làm gì? Tôi cũng sẽ nhảy lên cùng nó, và tôi thích thú khi nhìn thấy con hạnh phúc như thế. Là phụ huynh, trách nhiệm của chúng ta là làm cho con cái hạnh phúc, an toàn để chúng tự tin đối mặt với cuộc đời.