Trong nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 7-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị phải dùng chuẩn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) để loại bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), giấy phép con đang kìm hãm doanh nghiệp (DN) phát triển. OECD gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh vấn đề này, GS Nguyễn Đức Khương, Học viện Kinh tế IPAG (Pháp) – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nói: “Tham khảo các tiêu chí của OECD để sử dụng cho Việt Nam là cần thiết”.
Xóa bỏ các hàng rào quy định làm khó doanh nghiệp
. Phóng viên: Thưa ông, cốt lõi của những tiêu chuẩn mà OECD đặt ra đối với các văn bản quy phạm pháp luật là gì?
+ GS Nguyễn Đức Khương: Đó là những nguyên tắc chỉ dẫn nâng cao chất lượng và hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, OECD thống nhất các nguyên tắc như: Cam kết chính trị ở cấp cao nhất về cải cách với những mục tiêu và lộ trình thực hiện rõ ràng; thiết kế các chính sách thúc đẩy cạnh tranh và hiệu quả cho tất cả lĩnh vực kinh tế và xóa bỏ các chính sách này, trừ phi có minh chứng rõ ràng đây là các chính sách phục vụ tốt nhất cho lợi ích chung; xóa bỏ các hàng rào quy định không cần thiết đối với thương mại và đầu tư…
. Với các tiêu chuẩn ấy, hẳn là các nước OECD không có những loại ĐKKD, giấy phép con như là giấy ủy quyền chính hãng đối với nhập khẩu ô tô, yêu cầu về quy mô hay phải có bằng cấp mới được đảm nhận vị trí lãnh đạo… như ở Việt Nam?
+ Không hẳn vậy! Tùy theo các lĩnh vực kinh doanh khác nhau thì có những yêu cầu khác nhau. Có một trong những nguyên tắc cơ bản nêu ở trên là các quy định này không phải là một rào cản đối với thúc đẩy hiệu quả kinh tế, cạnh tranh và cần thiết để phục vụ lợi ích công.
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vẫn kêu trời vì các loại giấy phép trói buộc như muốn nhập phải có ủy quyền chính hãng. Ảnh: QUANG HUY
Không còn bị giấy phép con bủa vây
. Cụ thể, giáo sư làm việc tại Pháp lâu năm, vậy các ĐKKD đối với DN được quy định như thế nào? Quá trình xây dựng những quy định ấy được tiến hành ra sao? Người kinh doanh có phải mất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục hay không?
+ Nước Pháp nằm trong nhóm 20 quốc gia có các thủ tục thành lập DN khá đơn giản. Các DN có tư cách pháp nhân và được phép triển khai hoạt động kinh doanh sau khi tiến hành đăng ký với cơ quan chức năng theo luật DN 24-7-1966. Các thủ tục và quy trình đăng ký kinh doanh được liệt kê rõ ràng trên trang web về dịch vụ và thủ tục hành chính công của Nhà nước.
Hơn nữa, với việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa, hầu hết các quy trình, thủ tục có thể được thực hiện qua mạng. Chỉ cần khoảng bảy ngày và năm thủ tục hành chính là DN đã có thể hoạt động.
Điều này tạo ra một môi trường thủ tục pháp lý minh bạch và khuyến khích được người dân thành lập DN. Đơn cử riêng năm ngoái, Pháp có 3,4 triệu DN, trong đó gần 95% là DN dưới 10 nhân viên (65% trong số này không có nhân viên nào, loại hình DN cá thể); 5% là DN vừa và nhỏ có 10-500 nhân viên và dưới 1% là các tập đoàn với hơn 500 nhân viên.
. Khi nhận thấy một số quy định không phù hợp, cản trở quyền kinh doanh, thì động thái của các cơ quan nhà nước cũng như DN của họ sẽ như thế nào? Nhà nước chủ động sửa đổi, cắt bỏ hay chờ phản ứng từ DN?
+ Thông thường các yêu cầu được DN phản hồi trực tiếp thông qua các phòng thương mại và công nghiệp của vùng. Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho ĐKKD được chính phủ thực hiện một cách đồng bộ, hệ thống và liên bộ. Số hóa đóng vai trò quan trọng trong cải cách này.
Xin nói thêm, ở thời điểm hiện tại Pháp không còn có những phức tạp hành chính đối với ĐKKD, mà DN chủ yếu đưa ra các đề xuất hỗ trợ về giảm phí tuyển dụng, giảm thuế thu nhập DN và cải thiện điều kiện tiếp cận các nguồn vốn.
Có thể áp dụng vào Việt Nam
. Các quy định của Pháp đối với DN theo từng loại hình có phải là khuôn mẫu tốt cho các nước đang phát triển như Việt Nam hay không?
+ Các quy định và thủ tục ĐKKD của Pháp khá đơn giản, thuận tiện và tiết kiệm thời gian cho DN. Đây là điều kiện cơ bản để thúc đẩy khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Các cơ quan chức năng có thể tham khảo để áp dụng phù hợp cho Việt Nam.
. Trong thời hội nhập, các thể chế phải tương thích với nhau để phát huy hiệu quả chuỗi giá trị. Theo ông, Việt Nam có thể áp dụng chuẩn OECD để cắt giảm các giấy phép con như Thủ tướng yêu cầu không?
+ Tôi đồng ý về một chiến lược cải cách dài hạn và đồng bộ ở tất cả bộ, ngành để đảm bảo hiệu quả. Theo tôi biết, OECD cũng đề xuất một tài liệu hướng dẫn cách thức vượt qua các rào cản để xây dựng một chiến lược đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Chiến lược này hướng đến loại trừ 22 nhóm rào cản đến từ sự phức tạp của các chính sách điều tiết, tệ quan liêu giấy tờ (quá nhiều văn bản giấy tờ, thủ tục, điều kiện và nguy cơ chồng chéo của các văn bản này); các chi phí liên quan đến thực hiện thủ tục như chi phí xin các loại giấy phép, điền bảng biểu, báo cáo theo quy định,…
. Tham khảo các tiêu chí của OECD để sử dụng cho Việt Nam là cần thiết. Do hiện trạng cải cách hành chính của các quốc gia rất khác nhau nên bằng cách nào để có thể áp dụng vào Việt Nam, thưa giáo sư?
+ Để làm được điều này cần một nhóm công tác đặc biệt. Trong đó có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện các hiệp hội, nhóm DN quan trọng trong nền kinh tế. Một quy trình rà soát, đánh giá, học hỏi… nghiêm túc sẽ giúp đưa ra những đề xuất cải cách cụ thể.
. Xin cám ơn ông.
GS Nguyễn Đức Khương, cùng với TS Nguyễn Việt Cường (Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong và Trường Kinh tế Quốc dân Hà Nội) vừa được dự án Nghiên cứu kinh tế RePec xếp vào top 5% trong tổng số hơn 55,000 nhà kinh tế trên thế giới. Cụ thể, GS.Nguyễn Đức Khương được xếp hạng 2.185.
Năm 2016, GS Khương cũng được RePec xếp hạng 20 trong top 200 nhà kinh tế trẻ hàng đầu thế giới. Theo RePec, GS Nguyễn Đức Khương đã công bố 62 ấn phẩm nghiên cứu và 82 bài báo khoa học từ 2008 đến nay.
Bộ trưởng thấy DN xếp hàng rất lâu thì phải xem lại
Theo VCCI, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 ĐKKD – thường được gọi là giấy phép con. Trong đó nhiều giấy phép con bị cho là bất hợp lý, không cần thiết, gây cản trở cho người dân và DN.
Do vậy, mới đây Thủ tướng yêu cầu các bộ xem xét, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-8, trong đó có kiến nghị phương án xử lý cụ thể, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tới chi phí cấp giấy phép con với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa có nhiều bằng chứng cho thấy đã giảm.
“Bộ trưởng thấy DN lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của bộ. Phải loại bỏ ĐKKD mang tính áp đặt, không hợp lý” – Thủ tướng nêu rõ.