Đừng chỉ mải nhìn VPBank mà quên mất một ngân hàng cũng đang bứt phá ấn tượng không kém

Những ngày qua thị trường tài chính ngân hàng phủ đầy những thông tin liên quan đến VPBank. Ngân hàng này được xem là hiện tượng khi bứt phá mạnh về quy mô và lợi nhuận cũng như vị thế trên thị trường, mới nhất là niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE – ngân hàng lên sàn đầu tiên trong vòng hơn 3 năm trở lại đây (trước đó là BIDV đầu năm 2014).

Tuy nhiên, thị trường dường như bỏ quên một ngân hàng khác cũng đang có tốc độ bứt phá rất mạnh đó là Techcombank.

Techcombank và VPBank là hai ngân hàng vẫn được đem ra so sánh với nhau những năm gần đây bởi sự phát triển vẫn được ví là “bên tám lạng, người nửa cân”. Nếu như VPBank có mảng tín dụng tiêu dùng của công ty con là Fe Credit làm trụ cột tăng trưởng (đóng góp hơn nửa lợi nhuận) thì Techcombank lại dựa vào chính sức mình với mảng bán lẻ của ngân hàng (chiếm khoảng 45% dư nợ).

Xét về kết quả kinh doanh, những năm 2014 trở về trước VPBank vẫn có độ nhỉnh hơn so với Techcombank nhưng từ năm 2015 thì có sự chênh lệch đáng kể và ngày càng gia tăng sự cách biệt. Nhưng đó là kết quả hợp nhất.

Còn nếu chỉ tính riêng hiệu quả hoạt động của ngân hàng mẹ thì Techcombank ở mức tương đương VPBank trong năm 2015 và 2016. Cụ thể trong năm 2016 ngân hàng riêng lẻ Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 3.434 tỷ đồng (trong tổng 3.996 tỷ đồng của ngân hàng hợp nhất còn VPBank là 3.403 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm nay, Techcombank thậm chí còn có sự bứt phá mạnh hơn khi vượt VPBank đến 20% lợi nhuận trước thuế- ở mức 2.428 tỷ- còn VPBank chưa đến 2.000 tỷ (Trên báo cáo tài chính VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3.634 tỷ đồng nhưng bản chất số liệu này có thêm gần 1.700 tỷ từ lợi nhuận của Fe Credit năm 2016 chuyển về báo cáo của công ty mẹ tại quý 2 năm nay).

Một lợi thế nữa cũng nhìn thấy ở Techcombank so với VPBank đó là ngân hàng này đang kiểm soát rất tốt về nợ xấu. Tại thời điểm 30/6, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 2,06% trên tổng dư nợ gần 132 nghìn tỷ.

Và đáng lưu ý ở chỗ, bằng việc mạnh tay chi hơn 1.740 tỷ đồng để trích lập cho riêng các khoản nợ đã bán cho VAMC trong 6 tháng đầu năm nay, Techcombank không chỉ hoàn thành 100% trích lập dự phòng cho các khoản nợ đã bán cho VAMC từ trước tới nay mà còn được hoàn nhập gần 80 tỷ. Với động thái này, Techcombank chứ không phải VIB (như dự đoán trước đây), đã trở thành ngân hàng thứ 2 trong hệ thống sau Vietcombank sạch nợ tại VAMC.

Còn VPBank đang có tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 3%, nhưng kèm đó ngân hàng cũng còn hơn 4.300 tỷ đồng nợ xấu gửi gắm ở VAMC. Thời gian tới ngân hàng này sẽ phải tiếp tục cắt lợi nhuận để trích lập dự phòng cho đủ.

Với việc dọn xong 3.000 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC, Techcombank nay đã nhẹ gánh nợ xấu, không phải lo trích lập dự phòng 20% mỗi năm cho khoản nợ đó, ngân hàng sẽ có lượng “của để dành” khá lớn để ghi nhận vào lợi nhuận, đồng thời nhà băng này cũng có điều kiện hơn để cạnh tranh trên thị trường, ít nhất là trong việc hạ bớt lãi suất cho vay để thu hút khách hàng nhiều hơn.

Tuy nhiên xét về ngân hàng hợp nhất, VPBank vẫn yên tâm với những gì đang có: một công ty con chiếm lĩnh 50% thị phần tài chính tiêu dùng với lợi nhuận nhiều hơn cả ngân hàng mẹ mang về; vốn chủ sở hữu đang đủng đỉnh đủ ăn tiêu trong vài năm tới, đồng thời lại có thể dễ dàng huy động vốn trên sàn chứng khoán sau khi đã thực hiện niêm yết từ tháng 8.

Còn Techcombank vẫn tồn tại không ít những âu lo, trong đó đáng kể nhất là việc nâng vốn điều lệ. Trong năm nay, ngân hàng dự kiến tăng vốn thêm 5.000 tỷ nhưng đã phải hoãn lại do tập trung mua lại cổ phiếu quỹ từ phía HSBC.

Trên sàn chứng khoán, theo lãnh đạo ngân hàng VPBank cũng như công ty tư vấn VCSC thì VPBank được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao và giá 39.000 đồng cho ngày lên sàn đầu tiên là thị trường định giá. Hôm nay là phiên thứ 3 giao dịch trên sàn của VPBank, và giá đã giảm về dưới 36.000 đồng/cổ phiếu sau 1 phiên đứng giá và 2 phiên phủ sắc đỏ nhưng ngân hàng vẫn giữ vững vị trí đứng đầu nhóm cổ phần về vốn hóa thị trường, giữ khoảng cách cực kỳ an toàn với các nhóm sau. Trong khi đó, Techcombank chưa lên sàn (có thể năm sau) nhưng cổ phiếu giao dịch trên sàn OTC cũng khá sôi động, hiện ở quanh mức 39-40 nghìn đồng.

Cổ phiếu VPB của VPBank lập kỷ lục giao dịch trong phiên trên thị trường chứng khoán

Bài viết mới