Đừng bao giờ phí thời gian cãi nhau với người khác trên Facebook, đây là lý do vì sao

Chắc hẳn bạn đã rất nhiều lần gặp phải trường hợp này: Bạn post lên Facebook một ý kiến, hay một lời phàn nàn, hay đường link tới một bài báo khác. Một người nào đó bình luận, đồng ý hoặc phản đối điều bạn đưa ra. Một người khác nữa lại bình luận, phản đối hoặc đồng ý với người bình luận đầu tiên, hoặc với bạn.

Sau đó những người khác cũng nhảy vào đưa ra ý kiến của mình. Tranh cãi nổ ra. Những từ ngữ thô lỗ được sử dụng nhiều vô kể. Và rất nhanh chóng bạn bị cuốn vào một cuộc cãi vã ảo, với những lời nhục mạ phóng ra mọi hướng, đôi khi nhắm vào những người mà bạn thậm chí chưa từng gặp mặt.

Có một lý do đơn giản để chuyện này xẩy ra: Chúng ta phản ứng rất khác nhau với những gì người ta viết và những gì người ta nói – thậm chí ngay cả khi nội dung của chúng đều y hệt nhau.

Đây là kết quả của một thử nghiệm mới cực kỳ thú vị được các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago và Đại học Berkeley thực hiện. Trong nghiên cứu này, 300 người được đọc, hoặc xem video, hoặc nghe các cuộc tranh luận về những chủ đề nóng bỏng như chiến tranh, nạo phá thai, nhạc đồng quê hay nhạc rap. Sau đó, họ được hỏi về phản ứng của mình trước các ý kiến mà họ không đồng tình.

Phản ứng của họ nhìn chung khá quen thuộc với bất kỳ ai đã từng bàn luận về chính trị: Họ tin rằng những người không đồng ý với mình hoặc là ngu ngốc hoặc là không thèm quan tâm đến kiến thức và hiểu biết xã hội.

Nhưng có một sự khác biệt rõ rệt giữa những người xem hoặc nghe ai đó nói và những người đọc cùng nội dung đó bằng chữ viết. Những người trực tiếp nghe hoặc xem ai đó nói sẽ rất ít khi coi người đó là không am hiểu hay nhẫn tâm, ít hơn hẳn so với khi họ đọc lời của người đó được viết ra.

Kết quả này không có gì ngạc nhiên ít nhất là đối với một nhà nghiên cứu, người có ý tưởng thực hiện thử nghiệm sau trải nghiệm của chính bản thân mình.

“Một người bạn của tôi đọc được một đoạn văn trích ra từ một tờ báo, đó là bài phát biểu của một chính trị gia mà bạn tôi không ưa”, nhà nghiên cứu Juliana Schroeder kể lại. “Ngay tuần sau đó, anh lại nghe chính bài phát biểu đó trên đài phát thanh. Anh thấy bị sốc vì nhận ra phản ứng của mình hoàn toàn khác hẳn so với lúc đọc bài báo.” Trong khi những lời viết ra có vẻ vô lý và ngạo mạn, nhưng chính những lời đó được nói ra lại có vẻ hợp lý.

Chúng ta đang sử dụng không đúng phương tiện truyền tải

Nghiên cứu này cho thấy cách tốt nhất để những người bất đồng với nhau cùng hợp tác và hiểu nhau hơn là phải nói chuyện với nhau, như người ta vẫn làm trong các bữa tối hoặc các cuộc họp.

Tuy nhiên hiện nay rất nhiều tương tác của con người diễn ra trên mạng xã hội, các tin nhắn, phần mềm chat, hay email. Giao tiếp hoặc bàn luận bằng lời nói gần như ít diễn ra. Vì thế sẽ không phải ngẫu nhiên mà sự bất đồng và phản đối diễn ra liên tục.

Vậy ta nên làm gì? Trước hết, nếu muốn tỏ ra thuyết phục, tốt nhất bạn hãy làm một video ngắn (hoặc gửi đường link đến một video của ai đó) chứ đừng viết ra những điều mình muốn nói. Đồng thời, mỗi khi bạn đọc thấy ai viết gì đó có vẻ trái ý, hãy luôn nhớ rằng việc bạn nhìn thấy dòng chữ được viết ra này chính là một phần tạo ra vấn đề. Nếu muốn khách quan hơn, hãy thử đọc to đoạn đó hoặc nhờ ai đó đọc cho bạn.

Cựu giám đốc Facebook: “Mạng xã hội này đang xé nát cộng đồng con người”

Bài viết mới