Thị trường chứng khoán cũng như chiến trường. Một trader khi đã ở trong thị trường cũng như một viên tướng ở giữa trận tiền, không thể không nghiên “chứng pháp”. Trên Stockbook – mạng xã hội chứng khoán đang có 45.000 người dùng- có bài viết của nick name Lucas Trader bình về “Binh pháp Tôn tử trong chứng khoán”. Đây là người đã giành chiến thắng trong cuộc thi FA Thánh chiến và có nhiều bài viết thể hiện sự hiểu biết rộng, kinh nghiệm trading lâu năm.
Tiếp theo thiên 1 (Kế sách), thiên 2 (Tác chiến), thiên 3 (Mưu công), thiên 4 (Hình) là thiên thứ năm: Thế.
Đừng bao giờ phân bổ danh mục một cách tùy hứng
Tôn Tử nói: “Phàm điều khiển quân, bất kể nhiều hay ít đều là việc tổ chức biên chế quân đội, chỉ huy quân nhiều hay ít là vấn đề hiệu lệnh. Thống lĩnh toàn quân gặp địch tấn công mà không bị bạI trận, ấy là nhờ vào thuật biến hóa kỳ ảo khi dùng binh là chính. Dùng binh công địch được thế như lấy đá chọi trứng, ấy là nhờ biết vận dụng chính xác tránh thực chọn hư.”
Đoạn này Tôn Tử bắt đầu đi sâu vào chi tiết dụng binh, tương ứng như những trader chúng ta quan tâm là cách sử dụng tiền. Tôn Tử, cũng như những tướng lĩnh tài giỏi khác, đều hiểu một đạo lý là binh “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, tức là binh cốt tinh nhuệ, chứ không cốt ở nhiều.
Bạn nào mê Tam Quốc ắt hẳn còn nhớ trận Quan Độ, bảy vạn quân Tào đã phá tan tành 70 vạn quân Viên Thiệu. Vì sao? Vì quân Tào tinh nhuệ và tướng Tào tài giỏi. Vì sao? Vì “điều khiển quân, bất kể nhiều hay ít đều là việc tổ chức biên chế quân độI, chỉ huy quân nhiều hay ít là vấn đề hiệu lệnh”.
Đây cũng là điểm then chốt của việc quản lý tiền của người trader. Bạn không nên và không bao giờ nên phân bổ danh mục một cách tùy hứng, mua bán theo ngẫu nhiên và nắm giữ theo cảm xúc. Đó chắc chắn là công thức dẫn đến thất bại nhanh chóng, “tránh thực chọn hư”.
Tôn Tử nói: “Phàm việc tác chiến, dùng chính binh đối địch, kỳ binh thủ thắng. Tướng giỏi dùng binh sẽ biết biến hóa tác chiến như trời đất không bao giờ cùng đường, sông biển không bao giờ cạn nước. Như mặt trăng mặt trời, lặn rồi lại mọc ; như bốn mùa thay đổi, qua rồi lại đến. Âm nhạc cũng không quá 5 thanh âm, nhưng biến hóa khôn lường, nghe sao cho hết được ; sắc màu cũng chỉ có 5 màu, nhưng biến hóa nhìn sao cho tận ; vị bất quá cũng chỉ có 5 vị, như biến hóa nếm sao cho đủ. Chiến thuật cũng chỉ có kỳ và chính, nhưng biến hóa của kỳ và chính là vô cùng vô tận. Kỳ chính chuyển hóa lẫn nhau như vòng tròn không có khởi điểm cũng không có kết thúc, ai có thể biết được?
Cách nghĩ của đa số người Trung Quốc có thể quy về chữ “Đạo”. Từ Đạo suy ra Âm Dương, Ngũ hành. Đoạn trên của Tôn Tử có thể thấy rõ triết lý này. Thật hay là triết lý này cũng có thể áp dụng vào thị trường chứng khoán.
Nền kinh tế có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông lặp đi lặp lại. Chu kỳ doanh nghiệp có bốn pha: mở rộng, đỉnh điểm, thu hẹp, đáy, cũng lặp lại lặp đi. Chu kỳ của thị trường chứng khoán cũng có bốn giai đoạn: tích lũy, bùng nổ, phân phối, đi xuống.
Nghe thì đơn giản vậy, nhưng vì sao chiến thắng vẫn chỉ thuộc về số ít? Đó là vì “Chiến thuật cũng chỉ có kỳ và chính, nhưng biến hóa của kỳ và chính là vô cùng vô tận. Kỳ chính chuyển hóa lẫn nhau như vòng tròn không có khởi điểm cũng không có kết thúc, ai có thể biết được?”
Nếu chúng ta có một kế hoạch trading tốt, chúng ta sẽ tận dụng được tình thế của thị trường
Tôn Tử nói: “Nước lã chảy xiết cuốn trôi cả đá gạch, đó là nhờ thế nước lũ. Chim ưng vồ mồi chỉ 1 cú có thể xé nát con mồi, đó là dựa vào thế tiết nhanh như chớp nhoáng. Người chỉ huy giỏi là người biết tạo nên thế hiểm hay tiết chớp nhoáng. Thế hiểm như cung đã giương hết mức, tiết chớp nhoáng như lấy nỏ phóng tên, nhanh vô cùng.”
Nước cuốn trôi được đá gạch, chim ưng vồ xé nát được con mồi, đều là do thế. Cổ phiếu của chúng ta tăng giá, chẳng qua cũng là do thế. Cổ phiếu giảm giá? Cũng vậy. Tuy nhiên, một trader giỏi không phải là người có thể tạo ra “thế hiểm” hay “tiết chớp nhoáng”. Người trader giỏi chỉ có thể nhận ra một tình thế thị trường có lợi cho mình và tận dụng cơ hội ấy mà thôi.
Và tất nhiên, cơ hội luôn đến và đi rất nhanh, không dễ gì nắm bắt, và đương nhiên, càng không phải là cơ hội cho số đông. Giống như nhiều bạn mới bước chân vào thị trường khác, những năm đầu tiên trading, khi cơ hội đến gõ cửa, tôi thậm chí còn gào lên “Đứa nào đấy, cút đi đừng làm phiền tao”.
Tôn Tử nói: “Trong khi tác chiến, người ngựa rối loạn mà không để đội hình rối loạn. Hỗn loạn mù mịt mà vẫn đâu ra đấy, duy trì được thế, tiết thì không bị bại. Ta có tổ chức chặt chẽ thì khiến địch hỗn loạn, ta có lòng dũng cảm thì khiến địch khiếp sợ, ta có binh lực lớn thì khiến địch suy yếu. Chặt chẽ hay hỗn loạn là do ở tổ chức biên chế, dũng cảm hay khiếp sợ là do ưu thế tạo nên, lớn mạnh hay suy yếu là do thực lực đối sách thể hiện ra. Tướng giỏi là biết cách điều khiển quân địch, ngụy trang để dụ địch khiến kẻ địch di động theo ý mình, dùng lợi nhỏ dụ kẻ địch, địch ắt đến để chiếm. Dùng cách đó mà khiến quân địch đến nạp mạng.”
Lần đầu tiên nhìn vào bảng giá, tôi chỉ thấy sự rối loạn. Mọi con số nhảy múa, kèm theo đó là các màu xanh đỏ tím vàng xanh lơ hỗn loạn. Nhưng vào cuối ngày, mọi thứ dần ổn định trở lại, thị trường lại tiếp tục với xu thế tất yếu của nó, dù là uptrend hay downtrend.
Đoạn này tôi muốn đảo ngược câu nói của Tôn Tử một chút, rằng nếu chúng ta có một kế hoạch trading tốt, chúng ta sẽ tận dụng được tình thế của thị trường. Tận dụng được tình thế thị trường, chúng ta sẽ đạt được sự ổn định của danh mục. Vì thế, người trader giỏi không sợ thị trường thay đổi, họ chỉ sợ thị trường không thay đổi mà thôi. Họ luôn bình tĩnh và kiên nhẫn chờ cơ hội đến rồi mới đặt lệnh, “khiến quân địch đến nạp mạng”.
Tôn Tử nói: “Người giỏi tác chiến là biết tạo ra tình thế có lợi chứ không trách thuộc cấp, biết chọn lựa và sử dùng nhân tài để tạo nên lợi thế. Người giỏi tác chiến tạo ra thế giống như lăn gỗ đá, gỗ đá ở chỗ bằng thì nằm im, ở chỗ nghiêng dốc thì dịch chuyển, vuông thì dừng, tròn thì lăn. Bởi vậy mà người giỏi chỉ huy tác chiến cũng như lăn hòn đá tròn từ trên núi cao vạn trượng xuống chân núi vậy. Thế tạo ra chính là như vậy.”
Cả chương này Tôn Tử bàn về thế, và một tướng giỏi là người không những biết tạo ra lợi thế mà còn tận dụng lợi thế đó cho mình. Một trader, dù có giỏi đến mấy, cũng không có được sự xa xỉ như vậy. Một trader giỏi chỉ có thể chờ đợi tình thế thị trường có lợi xảy đến và hành động. Vì thế, nhiệm vụ hàng đầu của người trader là nhận ra tình thế có thể tận dụng được. Mua một cổ phiếu đang uptrend hay bán một cổ phiếu đang downtrend cũng giống như “lăn hòn đá từ trên núi cao vạn trượng xuống chân núi vậy”.