Dự thảo sửa đổi về cho vay margin: Thực tế, CTCK có những sản phẩm để đẩy tỷ lệ 1:1 lên mức cao hơn

Tác động hai chiều

Ngày 12/01/2018, UBCK Nhà nước đã có văn bản gửi các CTCK về việc góp ý dự thảo Quyết định 87/QĐ-UBCK. Theo đó, UBCK dự kiến đưa tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với hoạt động giao dịch ký quỹ trở về tỷ lệ trước đây, tức do công ty chứng khoán quy định nhưng không được thấp hơn 60%. Theo quy chế hiện nay, tỷ lệ này do CTCK quy định nhưng không được thấp hơn 50%.

Theo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), việc này có thể vừa tạo ra tác động tích cực lẫn tiêu cực. Về mặt tích cực:

Thứ nhất, việc tăng trưởng tín dụng có tương quan thuận với VNIndex. Margin là một kênh để dòng tín dụng chảy vào thị trường chứng khoán. Việc tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu có thể là một cách để hạ nhiệt tăng trưởng tín dụng theo hướng Nhà nước đề ra trong năm 2018 với mục tiêu tăng trưởng tín dụng chậm lại còn khoảng 17%.

Thứ hai, yêu cầu này cũng là một cách để bảo vệ nhà đầu tư và các CTCK.

Tuy vậy, cũng có những mặt kém tích cực đi kèm:

Thứ nhất, do có tương quan thuận giữa tăng trưởng tín dụng và VNIndex với khoảng thời gian “lag” là 3 tháng nên khi điều chỉnh tăng trưởng tín dụng chậm lại thì rất có thể sẽ tác động đến tăng trưởng của VNIndex.

Thứ hai, các CTCK trên thực tế có những sản phẩm để đẩy tỷ lệ margin 1:1 hiện tại lên mức cao hơn chẳng hạn như mô hình margin “kim tự tháp” hay các sản phẩm “T+”… Do vậy, việc nâng tỷ lệ ký quỹ ban đầu có thể chưa chắc thể hiện được hết chức năng đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư cũng như các CTCK.

Margin chưa đến mức quá rủi ro từ góc nhìn quy tắc Kelly

Một số nhận định trên thị trường cho rằng margin đang ở mức “căng” nên UBCK đã có động thái hạ nhiệt. Tuy nhiên, VDSC cho rằng nhìn ở quy mô tổng thể thị trường thì margin không hẳn đáng lo ngại.

Thứ nhất, nhìn từ góc độ phản ứng của nhà đầu tư có thể thấy mặc dù thông tin xuất hiện trên phương tiện đại chúng từ phiên sáng nhưng thị trường hầu như không phản ứng “quan ngại” mà vẫn tiếp tục tăng.

Thứ hai, lượng margin trên thị trường theo chúng tôi ước tính tăng liên tục từ Q4/2016. Tính đến hết Q3/2017 vừa rồi, lượng margin trên toàn thị trường ước tính có thể trên 50.000 tỷ đồng. Lượng margin này so với vốn hóa thị trường free-float chỉ ở mức quanh quẩn 4% nên có lẽ không quá cao. Bên cạnh đó, quy định hiện hành cho phép các CTCK được cấp margin gấp 2 lần VCSH và hiện tại hầu như chưa có công ty nào vượt tỷ lệ này. Nên mặc dù lượng margin có đang tăng nhưng có lẽ rủi ro chưa đến mức quá lớn.

Cuối cùng, chúng tôi thử áp dụng quy tắc Kelly (Kelly Criterion) để tính toán thử mức đòn bẩy thế nào là hợp lý. Chúng tôi giả định danh mục của nhà đầu tư ở đây là danh mục thị trường VNIndex và sử dụng hệ số đòn bẩy (f) theo quy tắc Kelly để tối ưu hóa mức tăng trưởng danh mục:

Dự thảo sửa đổi về cho vay margin: Thực tế, CTCK có những sản phẩm để đẩy tỷ lệ 1:1 lên mức cao hơn - Ảnh 1.

Trong đó:

+ μ: excess return (chênh lệch giữa lợi suất danh mục và lợi suất phi rủi ro)

+ σ: độ lệch chuẩn

Sử dụng dữ liệu đầu vào là giá đóng cửa điều chỉnh của VNIndex từ 2010 đến nay để tính toán, chúng tôi thu được kết quả:

Dự thảo sửa đổi về cho vay margin: Thực tế, CTCK có những sản phẩm để đẩy tỷ lệ 1:1 lên mức cao hơn - Ảnh 2.

Đầu tiên, nguyên tắc Kelly thể hiện tỷ lệ đòn bẩy tỷ lệ nghịch với độ biến động. Từ năm 2010 đến nay thì độ biến động thị trường theo năm có xu hướng giảm dần và chỉ tăng nhẹ vào năm 2014. Kết quả thể hiện ngoại trừ năm 2014 và 2015 nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy thì các năm khác đều nên sử dụng. Chẳng hạn năm 2012, thì nhà đầu tư có thể vay thêm 2.5 lần vốn để đạt mức đòng bẩy 3.5 lần hay các năm khác tỷ lệ đòn bẩy tối ưu thậm chí còn cao hơn nhưng đây chỉ là lý thuyết bởi trên thực tế không có CTCK nào có thẩm quyền cấp margin cao như vậy. Như vậy, tỷ lệ margin 1:1 hiện tại của UBCK xét về mặt quản trị rủi ro là khá hợp lý khi luôn duy trì ở mức thấp hơn mức tối ưu.

Nâng tỷ lệ ký quỹ vay margin lên 60 tác động ra sao tới TTCK?

Bài viết mới