Dự luật mới nhất vừa trình lên Quốc hội, nợ công gồm các khoản nợ nào?

Chiều ngày 3/11, Chính phủ đã trình lên Quốc hội dự thảo luật Quản lý nợ công sửa đổi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án luật này.

Theo dự thảo mới nhất được trình lên Quốc hội, phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1) bao gồm:

1. Luật này quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

2. Nợ công quy định tại Luật này bao gồm nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ chính quyền địa phương.

3. Các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, nợ tự vay tự trả của đơn vị sự nghiệp công lập, nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Tại Điều 5 của dự án Luật nêu rõ các loại nợ công bao gồm:

Nợ Chính phủ: Nợ do Chính phủ phát hành công cụ nợ; Nợ do Chính phủ ký kết thỏa thuận vay trong nước, nước ngoài; Nợ của ngân sách trung ương vay từ quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước, ngân quỹ Nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Nợ được Chính phủ bảolãnh: Nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh; Nợ của ngân hàng chính sách của nhà nước được Chính phủ bảo lãnh.

Nợ chính quyền địa phương bao gồm: Nợ do chính quyền địa phương phát hành trái phiếu; Nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; Nợ của ngân sách địa phương vay từ ngân hàng chính sách của Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, ngân quỹ Nhà nước và vay khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số điều của dự án luật được ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội trình bày trước Quốc hội chiều nay cho thấy, đa số ý kiến thống nhất với phạm vi nợ công thể hiện trong Dự thảo luật. Một số ý kiến đề nghị đưa một số khoản nợ vào phạm vi nợ công gồm: (i) nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN); (ii) nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ; (iii) nợ xây dựng cơ bản (XDCB); (iv) các khoản nợ cấp bù lãi suất cho các ngân hàng chính sách, nợ hoàn hoàn thuế VAT và (v) nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Một số ý kiến cho rằng, cần xác định phạm vi nợ công theo chuẩn mực quốc tế. Ý kiến khác đề nghị quy định chặt chẽ hơn để giám sát khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN, tăng cường quản lý đối với các khoản vay không tính vào phạm vi nợ công.

Để bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, cụ thể trong xác định phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, UBTVQH đã chỉnh lý khoản 3 Điều 1 Dự thảo luật, khẳng định rõ các khoản nợ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật:Các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, nợ tự vay tự trả của đơn vị sự nghiệp công lập, nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Theo giải trình của UBTVQH, về các khoản nợ do DNNN tự vay tự trả: Theo dự thảo Luật, các khoản DNNN vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đã được tính trong phạm vi nợ công, các khoản vay theo cơ chế tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, được điều chỉnh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản, bảo đảm bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác và tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp. Nếu quy định nợ của DNNN thuộc phạm vi nợ công thì Nhà nước có nghĩa vụ phải trả nợ thay trong trường hợp DNNN không trả được nợ, làm gia tăng nợ công, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Do vậy, quy định nợ DNNN không thuộc phạm vi nợ công là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về khoản nợ do NHNNVN phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ: NHNNVN là ngân hàng trung ương, có nhiệm vụ thực thi chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, trong đó hoạt động phát hành các công cụ nợ ngắn hạn để thực hiện nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều hòa cung ứng tiền tệ, NHNNVN được sử dụng nguồn thu từ hoạt động nghiệp vụ để trả nợ. Quy định này phù hợp với Luật NHNNVN và thông lệ quốc tế.

Về nợ đọng XDCB, nợ hoàn thuế GTGT và nợ cấp bù lãi suất đối với 2 ngân hàng chính sách: Nợ đọng XDCB là nghĩa vụ nợ phát sinh trong quá trình phân bổ vốn đầu tư gắn với dự toán NSNN. Luật Đầu tư công chỉ cho phép bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng XDCB phát sinh trước ngày Luật Đầu tư công có hiệu lực, không được phép phát sinh nợ đọng XDCB sau ngày 31/12/2014. Nợ cấp bù lãi suất đối với 2 ngân hàng chính sách là khoản chi được bố trí trong kế hoạch đầu tư công. Nợ hoàn thuế GTGT là khoản thanh toán, hoàn trả số thuế đã thu để tránh đánh thuế trùng trong quá trình thu thuế GTGT. Vì vậy, xin không đưa các khoản nợ này vào phạm vi nợ công để đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành.

Về nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập: Việc vay nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 50 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Theo đó, “đơn vị sự nghiệp công lập tự chịu trách nhiệm trả nợ và các chi phí khác có liên quan; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả của việc vay vốn, huy động vốn…”. Theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện vay vốn, đơn vị sự nghiệp công lập tự chịu trách nhiệm trả nợ vay, lãi vay và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả của việc vay vốn.

Quy định về phạm vi nợ công thể hiện trong Dự thảo luật: Theo thông lệ quốc tế, phạm vi nợ công bao gồm các khoản nợ mà Chính phủ, chính quyền địa phương là chủ thể vay và chịu trách nhiệm trả nợ trực tiếp từ NSNN và các khoản nợ mà Chính phủ không phải là chủ thể đi vay nhưng có cam kết bảo lãnh, thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp chủ thể đi vay không có khả năng trả nợ. Dự thảo luật đã tiếp cận thông lệ này và tính đầy đủ các nghĩa vụ nợ nói trên vào phạm vi nợ công.

Về bổ sung quy định chặt chẽ hơn để giám sát khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN, tăng cường quản lý đối với các khoản vay không tính vào phạm vi nợ công: Các nội dung liên quan đến giám sát khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN đã được quy định cụ thể tại Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, không thuộc phạm vi của Luật này, do đó, xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo luật đã trình Quốc hội.

Báo cáo về nợ công của Chính phủ cho thấy, nợ công năm 2017 có thể tăng lên mức hơn 3,1 triệu tỷ đồng, bằng 62,6% GDP. Trong khi đó, nợ công năm 2016 được tính toán ở mức trên 2,8 triệu tỷ đồng (bằng 63,6% GDP).

Nợ công dù tăng thêm về con số tuyệt đối nhưng lại giảm nếu so với tỷ trọng GDP (từ mức bằng 63,6% GDP năm 2016 xuống còn 62,6% GDP năm 2017).

Dự kiến nợ công cuối năm 2018 ở mức khoảng 63,9% GDP, dư nợ chính phủ ở mức khoảng 52,5% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP, nằm trong giới hạn cho phép.

3,1 triệu tỷ đồng nợ công: Mỗi người dân Việt Nam đang gánh khoản nợ khoảng 33 triệu đồng

Bài viết mới