Theo báo cáo về chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 136 thị trường du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch.
“Đó là những thứ hạng khá cao, nhưng khi kết hợp với các yếu tố khác thì chỉ số cạnh tranh tổng hợp của du lịch nước ta chỉ ở thứ 67”, TS. Lương Hoài Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành hàng không và hiện đang tham gia quản trị dịch vụ du lịch trực tuyến Gotadi.com nhận xét.
“Nút thắt cổ chai”
Từ năm 2011 đến 2016, lượng du khách nội địa tại Việt Nam tăng từ 30,0 triệu lên 62,0 triệu lượt, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 58 triệu lượt du khách. Du khách quốc tế cũng tăng từ 6 triệu lên 10,0 triệu lượt, bằng mục tiêu năm 2020.
Trong cùng giai đoạn, tổng thu từ khách du lịch tăng từ 130 nghìn tỷ đồng lên 400 nghìn tỷ đồng. Nếu so với thời điểm năm 2000, doanh thu du lịch năm 2016 đã tăng 23 lần. Ngành du lịch đang tạo ra khoảng 2,8 triệu việc làm (số liệu năm 2015), chiếm 5,2% lực lượng lao động cả nước.
Tuy nhiên, theo TS. Lương Hoài Nam, về tổng thể, với con số 10 triệu lượt du khách quốc tế, Việt Nam vẫn đang thua các điểm đến trong khu vực khá xa. Chẳng hạn năm 2016, Thái Lan đã đạt 32,6 triệu lượt khách quốc tế; Malaysia 26,8 triệu; Singapore 16,4 triệu; Hồng Kông 26,7 triệu…
So với nước láng giềng Campuchia, ngành du lịch Việt Nam cũng có điều phải suy nghĩ. Là một nước với dân số chỉ hơn 15 triệu người, bằng một phần sáu dân số Việt Nam, nhưng năm 2016 Campuchia đã đón 5 triệu lượt du khách quốc tế, bằng một 1/2 lượng du khách quốc tế vào Việt Nam. Nói cách khác, mức độ tiếp xúc với du khách quốc tế của người Campuchia cao gấp 3 lần người Việt Nam.
Ông Nam cho rằng, nhiều lợi thế về du lịch của Việt Nam đang bị kìm hãm, thậm chí vô hiệu hóa bởi không ít các “nút cổ chai””.
Cụ thể, mức độ cởi mở quốc tế về du lịch (chủ yếu là về visa) xếp thứ 73; sự quan tâm, ưu tiên phát triển du lịch xếp thứ 101; nền tảng tin học xếp thứ 80; môi trường sạch sẽ, an toàn xếp thứ 82; phát triển bền vững xếp thứ 129; môi trường kinh doanh xếp thứ 68; hạ tầng sân bay xếp thứ 61; giao thông mặt đất xếp thứ 71; hạ tầng dịch vụ du lịch xếp thứ 113; an toàn, an ninh đối với du khách xếp thứ 57.
Nên lập Bộ Du lịch
Từ những hạn chế trên, TS. Lương Hoài Nam đã kiến nghị hàng loạt giải pháp để phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Về quản lý Nhà nước, ông Nam nói, việc nâng cấp quản lý nhà nước về du lịch lên cấp bộ có thể là vấn đề đáng xem xét, trong bối cảnh việc này đã được thực hiện tại nhiều nước trong khu vực.
Nhiều nước ASEAN đã có Bộ Du lịch như Philippines, Indonesia, Campuchia, hay Bộ Du lịch và Thể thao như Thái Lan. Nếu chưa có bộ riêng, ít ra ngành du lịch cũng nên được đặt dưới một bộ về kinh tế như Bộ Công Thương (như ở Singapore). Ngoài ra, ông Nam cũng cho rằng cần sớm thành lập quỹ phát triển du lịch quốc gia và cơ quan quảng bá du lịch quốc gia theo mô hình hợp tác công – tư (PPP).
Đối với hạ tầng du lịch, thứ hạng 113 cho thấy sản phẩm du lịch của Việt Nam còn nghèo nàn. Ngành du lịch Việt Nam đã và đang làm tốt với các sản phẩm du lịch “dễ làm” như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhưng lại yếu, thậm chí rất yếu với các sản phẩm du lịch đòi hỏi tính sáng tạo cao trong xây dựng sản phẩm, sự tỉ mỉ trong vận hành.
“Chúng ta có thể đầu tư phát triển mạnh hơn phân khúc du lịch chơi gofl, nhưng việc đầu tư sân golf hiện lại đang bị vướng vì các lý do quan điểm, quy hoạch”, ông Nam nói.
Đối với mảng du lịch “ngôi nhà thứ hai”, cần có chính sách đầu tư – định cư, khuyến khích người nước ngoài mua bất động sản và thường xuyên vào Việt Nam nghỉ dưỡng. Người Việt mỗi năm đã và đang chi hàng tỷ USD mua bất động sản ở nước ngoài theo các chương trình “đầu tư – định cư”, trong khi Việt Nam hoàn toàn bỏ trống mảng này, theo ông Nam.
Chi quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài từ ngân sách Nhà nước trong những năm qua ở mức 1,502,5 triệu USD/năm, quá nhỏ so với nhiều nước trong khu vực. Ngành du lịch chưa mở được văn phòng tiếp thị nào ở nước ngoài. Ông Nam cho rằng, quỹ phát triển du lịch Việt Nam mỗi năm phải cung cấp được tối thiểu 15-20 triệu USD cho quảng bá du lịch.
“Muốn có nhiều khách đến thăm nhà thì nhà mình phải dễ đến. Muốn có nhiều khách hàng đến chỗ mình mua hàng, tiêu tiền thì chỗ mình phải dễ đến”. Với quan điểm này, theo ông Nam, ngay trước mắt, cần cải thiện một số chính sách đã có, như tăng số ngày miễn visa từ 15 lên 30 ngày cho công dân 12 nước đã được miễn visa; bổ sung thêm 6 nước vào diện miễn visa du lịch, gồm Canada, Úc, New Zealand, Bỉ, Thụy Sỹ, Hà Lan. Ngoài ra, cần bỏ quy định: mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày.
Về dài hạn, chính sách visa du lịch của Việt Nam cần cởi mở hơn, ít ra cũng bằng Thái Lan (miễn visa du lịch cho công dân 61 nước, đồng thời cấp visa qua mạng hoặc tại cửa khẩu rất dễ dàng).
Đối với vận tải hàng không, để du lịch Việt Nam phát triển thuận lợi, ông Nam kiến nghị, cần nhất quán chủ trương mở cửa bầu trời, tự do hóa vận tải hàng không nội địa và quốc tế, từ khâu cấp giấy phép thành lập hãng hàng không cho đến khâu cấp thương quyền khai thác, để có thêm một số hãng hàng không ra đời và tham gia bay nội địa, quốc tế.
“Mức độ cạnh tranh hàng không nội địa, quốc tế ở Việt Nam đang rất thấp so với khu vực. Không nên để hàng không trở thành một “nút cổ chai” đối với phát triển du lịch Việt Nam”, ông Nam nhấn mạnh.