Du lịch Việt Nam dễ tụt hậu so với các nước láng giềng

Ngày 27/6 Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam (Roadshow) tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc

Chương trình nhằm quảng bá du lịch Việt Nam và kết nối doanh nghiệp lữ hành hai nước. Chương trình thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý du lịch, doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không và nhà đầu tư du lịch hai nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho biết, với vị trí địa lý thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu khác nhau của du khách.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, ngành du lịch không những góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam tới gần hơn với bạn bè quốc tế, tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, mà còn đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho đất nước.

Du lịch Việt Nam dễ tụt hậu so với các nước láng giềng - Ảnh 1.

Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn giới thiệu tiềm năng du lịch Việt Nam tại Praha.


Ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, trong chiến lược xúc tiến, quảng bá của mình, ngành du lịch Việt Nam rất coi trọng thị trường châu Âu, nơi có nguồn khách tới Việt Nam khá ổn định và tăng dần đều hàng năm. Vì vậy ngoài các thị trường lớn, năm nay Tổng cục Du lịch quyết định tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại một số nước vốn có quan hệ truyền thống với Việt Nam, có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng ít có sự kiện xúc tiến du lịch, như Thụy Sĩ, Hungary, Áo và Cộng hòa Séc.

Trích dẫn các số liệu thống kê, ông Tuấn cho biết, số lượng người Séc tới Việt Nam tăng hàng năm, nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn, khoảng 17.000 lượt người năm 2017. Xúc tiến du lịch là cách thức hữu hiệu để thu hút thêm lượng khách từ Séc vào Việt Nam, và ngược lại. Ông cũng tin rằng các thị trường và sản phẩm du lịch của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách Séc.

Du lịch Việt Nam dễ tụt hậu so với các nước láng giềng - Ảnh 2.

Doanh nghiệp lữ hành hai nước trực tiếp trao đổi hình thức hợp tác lâu dài trong tương lai.


“Chúng tôi tổ chức sự kiện này để giới thiệu các sản phẩm, hình ảnh, điểm đến, những giá trị độc đáo khác biệt về thiên nhiên, văn hóa, con người và ẩm thực Việt Nam tới bạn bè và du khách Séc cũng như các công ty lữ hành, đồng thời tạo ra diễn đàn để doanh nghiệp du lịch hai bên gặp gỡ, chia sẻ thông tin hợp tác với nhau. Chúng tôi mong rằng sau sự kiện này thì hợp tác về phát triển du lịch và trao đổi du khách giữa hai nước sẽ không ngừng tăng trưởng”, ông Tuấn nói.

Tại buổi lễ, đại diện các nhà quản lý du lịch Séc, hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành hai nước tập trung gợi ý giải pháp để thu hút ngày càng tăng số lượng du khách Séc tới Việt Nam và ngược lại.

Ông Marco Polo, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Séc, người từng tới Việt Nam nghiên cứu thị trường, nêu ba vấn đề cốt lõi mà ngành du lịch Việt Nam cần quan tâm để đạt được mục tiêu thu hút du khách Séc của mình: “Không thể phủ nhận Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nhưng các bạn rất dễ tụt hậu với các nước láng giềng như Thái Lan, Philippines hay Indonesia nếu các bạn không giải quyết được vấn đề thị thực, có đường bay ngắn nhất tới Việt Nam và xúc tiến du lịch tại nước sở tại. Nếu những vấn đề này được giải quyết, chắc chắn số lượng du khách Séc tới Việt Nam sẽ tăng lên.”

Cùng chung quan điểm trên, ông Phạm Văn Hiến, Tổng giám đốc Công ty du lịch Biển Đông có trụ sở tại Praha, chi nhánh tại 6 nước châu Âu và 3 nước châu Á, cho rằng chính sách thị thực đang là rào cản lớn đối với hợp tác du lịch của các hãng lữ hành hai nước: “Nếu chúng ta không mở chính sách visa thì số lượng khách du lịch từ Cộng hòa Séc hay các nước buộc phải có visa Việt Nam thì sẽ rất hạn chế, trong khi người ta có khả năng sang các nước gần Việt Nam nhưng có phong cảnh cũng đẹp như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia và chúng ta sẽ mất thị trường này. Đây chính là chìa khóa để giải bài toán để làm sao tăng số lượng du khách Séc vào Việt Nam.”

Trong khuôn khổ của chương trình, các doanh nghiệp lữ hành hai nước đã gặp gỡ giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khả năng hợp tác kinh doanh trong tương lai. Các đại biểu cũng đã được xem các đoạn phim tư liệu ngắn giới thiệu Việt Nam, đất nước, con người, với các địa danh lịch sử, văn hóa, thiên nhiên nổi tiếng ba miền, cùng thưởng thức các tiết mục rối cạn và các món ăn truyền thống của Việt Nam./.

Mỹ chưa có ý định xem xét lại tính chất nền kinh tế Việt Nam

Bài viết mới