Nhà Trắng vừa công bố chính sách đầu tư ít khắt khe hơn so với những gì người ta vẫn nghĩ sau hàng loạt tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Trump. Theo đó, Nhà Trắng không tìm cách ngăn các công ty có ít nhất 25% cổ phần thuộc sở hữu của nhà đầu tư Trung Quốc mua một số công ty có liên quan đến những công nghệ cao của Mỹ.
Tuy nhiên, đó có thể chỉ là lời nói.
Chắc chắn, Chính quyền Trump vẫn sẽ gây nhiều khó khăn với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ Mỹ. Việc đề cập tới vấn đề an ninh quốc gia liên quan tới các khoản đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ nhạy cảm có lẽ sẽ là nút thắt chính, ông Derek Scissors, một học giả Mỹ theo dõi sát sao các khoản đầu tư của Trung Quốc trên toàn cầu, nhấn mạnh.
“Rõ ràng nó hướng vào Trung Quốc. Tất nhiên, chúng ta cũng không muốn nhiều quốc gia mua công nghệ của Mỹ bởi họ không có tiền. Chúng ta phải ngăn Triều Tiên mua công nghệ của Mỹ vì bạn chẳng thể trả cho nó bằng gạo”, Scissors nhận định.
Trước khi tiếp tục hạn chế đầu tư, Chính quyền của Tổng thống Trump đang chờ đợi xem Quốc hội Mỹ có thông qua các quy định cứng rắn hơn với các khoản đầu tư nước ngoài vào Mỹ hay không.
Hôm 26/6, Hạ viện Mỹ đã dễ dàng phê duyệt dự luật tăng cường đánh giá các khoản đầu tư mà Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS) của Mỹ đang xử lý. Dự luật cải cacis CFIUS đã được chuyển lên Thượng viện với một phiên bản riêng nhằm giải quyết những lo ngại liên quan đến các công ty Trung Quốc, vốn được hậu thuẫn từ Bắc Kinh, trong nỗ lực sở hữu các công ty công nghệ then chốt của Mỹ.
Ông Mnuchin, Chủ tịch Ủy ban Thẩm định CFIUS, cho rằng, nếu Quốc hội Mỹ không thông qua dự luật cải cách, Nhà Trắng sẽ xem xét thêm các quy định nhằm bảo vệ công nghệ nhạy cảm của Mỹ. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người thắc mắc là liệu Tổng thống Trump có mở rộng định nghĩa an ninh quốc gia, bao gồm an ninh kinh tế hay không. Người ta có lý do để lo lắng cho điều này bởi gần đây, ông Trump đã viện lý do an ninh quốc gia để đánh thuế nhập khẩu nhằm vào nhôm và thép.
Stefan Selig, người đứng đầu một ngân hàng đầu tư, cho biết: “Chúng ta vẫn chưa thấy chiến lược rõ ràng của Chính quyền tổng thống Trump, điều mà thị trường có thể nhìn vào để xác định điều có thể xảy ra với chương trình nghị sự thương mại trong tương lai”.
Tuy nhiên, việc Chính quyền Trump hạ giọng đã mang lại tín hiệu tích cực với thị trường tài chính, vốn đang chìm trong lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu.