LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Lê Thị Ngọc Hân công tác tại Sacombank PGD Gò Dầu- Tây Ninh gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
———————
Tôi nhớ trong một lần tham gia khóa đào tạo kỹ năng mềm dành cho nhân viên ngân hàng, cô giáo có đặt một câu hỏi: ‘Trong số những người ở độ tuổi đi làm, đã có 80% không có cơ hội làm đúng công việc mà mình đam mê hoặc đúng chuyên ngành mình từng theo học, chỉ có 20% trong số đó được toại nguyện, vậy trong các em ai là người thuộc nhóm 20% ấy?” Bạn biết không, trong hội trường có đến hơn 40 người nhưng chỉ vỏn vẹn 3 cánh tay giơ lên, trong đó có tôi. Và cô giáo đã bước đến bên tôi, mỉm cười chúc mừng kèm theo một lời tiên đoán, các bạn sẽ là những người đi đến cuối con đường sự nghiệp của mình bằng cả niềm tin và sự cố gắng không ngừng. Từ lúc đó tôi chợt nhận ra ngân hàng – cái nghề mà tôi đã trót yêu và chọn lựa không còn đơn thuần là một “nghề” nữa mà là cái “nghiệp” – sự nghiệp của một đời người.
Nghe qua có vẻ to tác quá, nhưng thật ra nếu bạn xem cái nghề cũng giống như người bạn đời của mình, thì mỗi ngày trôi qua được làm nghề là một ngày hạnh phúc. Với tôi, nghề ngân hàng đã gắn bó từ sâu trong từng nhịp thở, thân quen trong từng nếp nghĩ. Nên dù trải qua bao thăng trầm của ngành nói chung và của Sacombank nói riêng, tôi vẫn kiên trì và gắn bó đến tận bây giờ.
Đã có những ngày trôi qua trong mệt mỏi với công việc, căng thẳng với chỉ tiêu, hay bất lực trước những chương trình thi đua, chưa biết ngày hôm sau sẽ phải làm thế nào, rồi có lúc đã muốn buông xuôi… Nhưng sau tất cả những khó khăn vất vả gọi tên thì đó là lúc bản lĩnh và tình yêu nghề trong tôi lên tiếng. Tôi đã mạnh mẽ vượt qua và nhận ra rằng biết bao nhiêu người không được chọn đúng con đường mình mong muốn nhưng họ đã nổ lực và tìm thấy niềm vui trong công việc để thăng tiến và thành công hơn từng ngày, thì cớ gì tôi ơi sao không thêm một chút cố gắng nữa để đi đến cuối con đường mà mình đã trót đam mê và chọn lựa.
Ngày ấy, khi còn là một học sinh trung cấp, được mẹ dẫn vào ngân hàng để nộp lãi cho danh sách hộ nghèo tại xã, tôi đã rất thích thú khi nhìn các cô chú ngân hàng tác nghiệp trên máy tính, trang phục vừa đẹp vừa sang, môi trường làm việc lại chuyên nghiệp, hệ thống trang thiết bị đa dạng, đủ loại từ máy tính đến máy in, máy fax… Trong tôi từ đó bắt đầu có ấn tượng đẹp với cái nghề được xem là ‘sang chảnh’ lúc bấy giờ.
Thế là tôi bắt đầu đặt cho mình mục tiêu thi vào ngành ngân hàng. Sau bao năm đèn sách thì cũng đến ngày tôi cầm giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Ngân hàng trên tay, cảm giác hạnh phúc lúc đó thật không có bút mực nào tả nổi, tôi đã hình dung ra khoảng cách đi đến chiếc ghế của một nhân viên ngân hàng rất gần. Tiếp tục, tôi lại đặt cho mình mục tiêu vào làm ngân hàng sau khi tốt nghiệp ra trường. Và niềm hạnh phúc lớn lao ấy đã đến khi vào một ngày đầu thu tháng 9 năm 2004, tôi nhận được giấy báo trúng tuyển với vị trí giao dịch viên, một lần nữa cảm giác hạnh phúc tràn về, vẫn nguyên vẹn như lần đầu, vẫn vô hình không diễn tả được bằng lời.
Là một giao dịch viên, tôi phải xử lý rất nhiều yêu cầu khác nhau của khách hàng trong một ngày. Dần dần tôi nhận ra ngân hàng không phải là một nghề nhẹ tênh nhàn hạ, được ăn mặc sang trọng, chỉ ngồi một chỗ trong phòng máy lạnh gõ bàn phím lọc cọc để rồi cuối tháng nhận lương. Một ngày làm việc của dân ngân hàng chúng tôi không còn có khái niệm 8 tiếng, mà là đến khi xong việc mới thôi. Lắm lúc cả ngày không thấy được ánh sáng mặt trời do ra khỏi nhà từ sớm và về đến nhà thì cả xóm đã lên đèn. Có những ngày đông khách, lại không kịp nghỉ trưa mà chỉ kịp ăn vội cho qua bữa để vào tiếp tục xử lý những công việc còn dang dở.
Đã vậy công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, những lúc gặp khách hàng khó tính, phải nghe những lời trách giận của họ, sao làm chậm thế này, sao tiền của cô chuyển chưa tới… Những lúc như vậy lại tự hỏi có phải mình đã chọn sai nghề? Nhưng rồi sau những khó khăn buồn chán ấy thì cũng có những niềm vui, hạnh phúc khi đáp ứng được nhiều nhu cầu của khách hàng, rồi lại được khách khen tặng, “cô nhân viên sao nói chuyện dễ thương thế”, “hôm qua sao em nghỉ phép vậy, làm anh đến ngân hàng buồn ghê…”. Rồi những khi phòng giao dịch hoàn thành kế hoạch được lãnh đạo khen thưởng, và những chuyến du lịch thú vị để anh em được nghỉ ngơi thoải mái sau những ngày làm việc căng thẳng…
Xem thêm tất cả các bài viết dự thi
NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG
tại đây
Thật ra nghề nào cũng có những vất vả, những khó khăn nhất định, nhưng nếu chúng ta có niềm đam mê và cố gắng khẳng định mình thì từng ngày đi qua sẽ là một ngày để ta trưởng thành hơn, ta sẽ thấy hạnh phúc hơn khi mình đã có được một ngày làm nghề mà mình yêu thích.
Sau 4 năm công tác, tháng 4/2008 tôi được bổ nhiệm làm Phó Phòng giao dịch, một quản lý trung gian, công việc càng áp lực hơn trước rất nhiều. Ngoài việc chịu trách nhiệm toàn bộ công tác xử lý giao dịch dưới quầy, tôi còn phải làm quen với những con số của kế hoạch, của chương trình thi đua, của chỉ tiêu hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Một ngày đi qua phải giải quyết hàng trăm công việc, phải ứng phó với biết bao tình huống xảy ra. Rồi những con số kế hoạch cứ ám ảnh trong đầu buộc bộ não phải hoạt động “hết công suất” để tìm ra đáp án cho những câu hỏi như làm sao cho huy động tăng, đẩy mạnh số lượng thẻ phát hành, tăng thu phí dịch vụ, rút ngắn thời gian giao dịch của khách hàng…Có những lúc tưởng chừng như nghẹt thở khi bước chân vào cơ quan, sợ đến ngày chốt số liệu. Nhưng mặt khác vẫn phải vui vẻ tươi cười giao tiếp với khách hàng, vẫn phải xử lý những yêu cầu của họ một cách nhanh chóng và chuẩn xác nhất.
Có người hỏi sao không tìm cho mình một công việc khác nhẹ nhàng đỡ áp lực hơn, ừ nhỉ, sao lại không thể? Khi ấy tôi lại nhớ đến niềm hạnh phúc ngày nào khi vừa nhận giấy báo trúng tuyển ngân hàng, hay khoảnh khắc tự hào của ba mẹ khi con gái ngày đầu khoác lên mình màu áo cam đồng phục. Lòng tự nhủ cho dù có khó khăn hơn thế nữa, thì tôi ơi vẫn phải cố gắng mạnh mẽ bước tiếp, vì đây là ngành mình đã chọn, nó không còn là một nghề để có thể sớm chiều thay đổi, mà nó đã là cái nghiệp – sự nghiệp của một người làm công việc cung ứng dịch vụ tài chính. Hơn nữa Sacombank là một môi trường làm việc năng động, không thể nào dung dưỡng một cá nhân chỉ biết giậm chân một chỗ, không tiếp thu cái mới. Vậy nên tôi buộc mình không thể nào dừng lại được, mà chỉ có một lựa chọn là mạnh mẽ bước tiếp, mạnh mẽ đương đầu.
Thế rồi ngày qua ngày, tôi vẫn đi trên con đường quen thuộc sớm chiều đến ngôi nhà thứ hai của mình. Hành trang mang theo là lòng yêu nghề và niềm tin vào nghị lực của bản thân, sẽ vượt qua những khó khăn thử thách để tiếp tục chinh phục những chặng đường mới. Để rồi hôm nay, khi cơn mưa cuối mùa của một ngày đầu thu từ đâu ùa về, giật mình tôi tìm lại ký ức, chợt nhận ra mình đã gắn bó với nghề được 13 năm tròn.
Nhìn lại một quãng đường dài đã qua, có những lúc gập ghềnh sóng gió, có những khi kiệt sức mỏi mòn muốn quay lưng lại, nhưng rồi tình yêu nghề đã giúp tôi mạnh mẽ bước tiếp. Bao giờ cũng vậy, hoa xinh quả ngọt sẽ không phụ công vun trồng chăm bón, bản thân tôi cũng đã nhận được rất nhiều niềm vui, hạnh phúc trên suốt cuộc hành trình. Đó là tôi đã có được hệ khách hàng thân thương, luôn gắn bó và đồng hành cùng đơn vị tôi dù có lúc ngành ngân hàng gặp những khó khăn mang tính thời cuộc. Tôi có được một gia đình mà nơi đó ba mẹ luôn tự hào về tôi, một nhân viên ngân hàng duy nhất của vùng quê hẻo lánh. Tôi có một niềm hạnh phúc len nhẹ vào hồn khi mỗi sáng vào cơ quan, được ngồi bên chiếc bàn làm việc quen thuộc, ngắm nhìn những đồng nghiệp thân thương, và mỉm cười nhìn tập chứng từ ngay ngắn trước mặt. Làm nghề chỉ cần được vậy thôi, làm bằng cả cái tâm và nhận lại là cả một khoảng trời an yên trong tâm hồn.
Chia sẻ nơi đây để các bạn trẻ thấy được ngành ngân hàng không phải là viên kẹo ngọt, lấp lánh ánh pha lê với những hào quang đủ sắc. Tuy nhiên, nếu bạn đã có ước mơ làm công việc này thì bạn hãy tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ ấy và mạnh mẽ đặt viên gạch cho bức tường tương lai của mình khi có cơ hội. Nghề nào cũng vậy, cũng có những khó khăn vất vả, cũng có lúc thăng trầm, thế mới toi luyện được những con người dám sống dám theo đuổi đam mê của mình. Đừng ngần ngại đam mê của mình quá lớn mà hãy mạnh dạn dấn bước và định hướng xem bằng cách nào để đi dến cuối con đường.
Tôi đã đi, và tôi sẽ tiếp tục đi, tiếp tục cống hiến sức trẻ của mình để mỗi ngày thêm một trải nghiệm mới. Những khi vấp ngã, tôi lại tự nhủ mình rằng đây là nghiệp mà mình đã chọn thì bằng mọi giá, vẫn phải cố gắng đứng lên và nổ lực hết mình để bước tiếp, để được làm cái nghề mà mình yêu thích. Cho dù cuộc sống chỉ vỏn vẹn còn lại một ngày thì một ngày cũng phải được sống và làm việc bằng cả trái tim và cảm nhận công việc bằng cả tâm hồn.