Ấn Độ được dự báo sẽ sản xuất kỷ lục 33,8 triệu tấn đường, tăng 1,4 triệu tấn so với dự báo trước, do cả diện tích và năng suất mía đều tăng. Tiêu thụ đường của nưcc này dự báo cũng sẽ cao kỷ lục do dân số tăng và nhu cầu mạnh từ lĩnh vực chế biến thực phẩm. Xuất khẩu có thể tăng gấp 3 lần lên 6 triệu tấn vì các nhà máy đường sẽ nỗ lực giảm lượng dư thừa. Tồn trữ sẽ tiếp tục xu hướng tăng, dự báo đạt tương đương 5 tháng tiêu thụ.
Liên minh châu Âu dự báo sẽ sản xuất 20,3 triệu tấn đường, giảm 850.000 tấn so với dự báo trước do năng suất giảm. Do đó, xuất khẩu sẽ giảm 700.000 tấn xuống 3 triệu tấn. Nhập khẩu và tiêu thụ sẽ không thay đii nên tồn trữ sẽ giảm xuống mức thấp nhất 3 năm.
Trung Quốc dự báo sẽ có năm thứ 3 liên tiếp sản lượng đường tăng, lên 10,8 triệu tấn, chủ yếu do diện tích củ cải gia tăng. Nhập khẩu dự báo sẽ giảm do một số chính sách kiểm soát. Trung Quốc sẽ giảm mạnh khối lượng nhập khẩu từ Brazil để chuyển sang một số nhà cung cấp nhỏ hơn khác như Costa Rica, Việt Nam, El Salvador, Campuchia, Swaziland, Nam Phi, Pakistan, Philippines và Nicaragua.
Trong 6 tháng đầu năm marketing hiện tại, nhập khẩu từ Brazil giảm mạnh 92%, trong khi nhập từ các nước kể trên đạt 10.000 tấn (so với 0 tấn cùng kỳ năm trước). Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhập khẩu một số mía từ các nước láng giềng, trong đó 70% từ Myanmar và 30% từ Lào, và khối lượng mía nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm marketing này đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 900.000 tấn, chủ yếu vào tỉnh Vân Nam. Nhập khẩu mía tăng mạnh như vậy là do chính sách bảo hộ đối với ngành đường, và thuế nhập khẩu mía chỉ là 20%.
Tình trạng buôn lậu đường vào Trung Quốc dự báo vẫn tiếp diễn do chênh lệch giữa giá đường trong nước và quốc tế ở mức cao. Tiêu thụ dự báo sẽ vững ở 15,7 triệu tấn trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe nên hạn chế dùng đường, và sự cạnh tranh từ các chất ngọt thay thế đường. Các nhà sản xuất đồ uống lớn tại Trung Quốc đều thông báo tăng trưởng trong lĩnh vực nước ngọt có ga rất chậm, trong khi đồ uống không đường như nước suối lại tăng nhanh.
Mexico dự báo sẽ sản xuất 6,4 triệu tấn đường, không thay đổi so với dự báo trước. Tuy nhiên, xuất khẩu và tiêu thụ dự báo sẽ đều tăng, do đó tồn trữ sẽ giảm.
Pakistan dự báo sẽ sản xuất 6,5 triệu tấn đường, giảm 900.000 tấn so với dự báo trước, do việc chậm thanh toán tiền mía cho nông dân và giá hỗ trợ cho người trồng mía dự báo cũng sẽ giảm. Tiêu thụ đường ở nước này dự báo sẽ tiếp tục tăng đều, chủ yếu do dân số tăng và lĩnh vực chế biến thực phẩm ngày càng phát triển. Dự báo nước này sẽ không xuất khẩu đường, còn tồn trữ có thể sẽ tăng lên 4,7 triệu tấn vì Chính phủ đã thông báo sẽ không trợ cấp xuất khẩu trong niên vụ 2018/19.
Thái Lan dự báo sẽ sản xuất kỷ lục 14,1 triệu tấn đường, tăng 370.000 tấn so với niên vụ trước do diện tích tăng. Với nguồn cung dồi dào, xuất khẩu và tồn trữ dự báo sẽ đều đạt kỷ lục cao, lần lượt 10 và 7 triệu tấn. Tiêu thụ có nhiều khả năng sẽ giảm nhẹ do nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp sụt giảm bởi nước ngọt bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nga dự báo sẽ sản xuất 6,4 triệu tấn đường, giảm 100.000 tấn do năng suất giảm. Mặc dù vậy xuất khẩu sẽ tăng mạnh lên 690.000 tấn, chủ yếu nhờ tăng xuất sang các thị trường lân cận như Azerbaijan, Kazakhstan và Uzbekistan. Kết quả là tiêu thụ và dự trữ sẽ đều giảm sút.
Australia dự báo sẽ tăng sản lượng thêm 2% lên 4,8 triệu tấn nhờ thời tiết thuận lợi. Diện tích cây lấy đường cho thu hoạch dự báo sẽ ổn định, nhưng ngành đường bị kiềm chế bởi giá thấp trên thị trường quốc tế và thiếu đất trồng ở gần các nhà máy đường. Ngoài ra, nông dân ở Queensland đang có xu hướng tăng cường trồng những loại cây khác như rau quả nên đất dành cho ngành đường càng ít đi. Xuất khẩu dự báo sẽ vẫn giữ nguyên ở 3,7 triệu tấn.
Guatemala dự báo sẽ giảm 3% sản lượng đường xuống 2,7 triệu tấn do giá thấp trên thị trường quốc tế buộc người trồng mía phải chuyển sang trồng các loại cây khác, nhất là chuối. Xuất khẩu, tiêu thụ và tồn trữ dự báo sẽ đều không thay đổi so với dự báo trước.