Theo quyết định 8506/QĐ–UB của UBND thành phố Hà Nội ngày 29/12/2005, phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao 13.159m2 đất tại đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở.
Dự án dự kiến khởi công vào tháng 9/2010, nhưng đến nay vẫn bất động.
Dự án quây tôn suốt nhiều năm. (Ảnh: Châu Anh)
Năm 2013, dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư Bảo Việt – SCIC. Theo đó, địa điểm xây dựng dự án nằm ở số 220 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Phạm vi ranh giới của dự án, phía Tây Nam giáp siêu thị Big C, phía Đông Nam giáp đường Trần Duy Hưng, phía Đông Bắc giáp đường Hoàng Minh Giám, phía còn lại giáp đường nội bộ và khu nhà Vimeco. Diện tích lô đất nghiên cứu quy hoạch 13.159m2, với một công trình cao 34 tầng, chiều cao tối đa 150m.
Tiếp đó, ngày 28/5/2013, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ công trình “Tháp Tài chính Quốc tế” tại khu đất số 220 Trần Duy Hưng.
Theo giới thiệu, Tháp tài chính Quốc tế IFT một tòa nhà văn phòng hạng A được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại. Tòa tháp còn là tòa cao ốc đầu tiên tại Hà Nội được xây dựng theo tiêu chuẩn Tòa nhà xanh (Green Building) và Tòa nhà thông minh.
Như vậy, tính từ thời điểm dự kiến khởi công là năm 2010, đến nay, gần 8 năm, dự án này vẫn là bãi đất hoang, cỏ mọc ùm tùm, được quây tôn xung quanh.
Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án này, ông Lại Thế Quý – Trưởng phòng Tổ chức hành chính – Công ty Cổ phần Đầu tư SCIC – Bảo Việt cho biết: “Câu trả lời của tôi vẫn giống như câu trả lời trên báo Xây dựng, anh/chị có thể vào đấy đọc để biết”.
Trả lời trên báo Xây dựng, ông Quý cho rằng, dự án này không chậm tiến độ. IFT một tòa nhà văn phòng hạng A được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại. Tòa tháp còn là tòa cao ốc đầu tiên tại Hà Nội được xây dựng theo tiêu chuẩn Tòa nhà xanh (Green Building) và Tòa nhà thông minh.
Trước câu hỏi của phóng viên VTC News về việc vì sao dự án dự kiến được khởi công từ năm 2010, mà đến nay vẫn chưa được triển khai, ông Quý cho rằng, ông về đây từ năm 2014, nên các vấn đề trước đó, ông không nắm được.
Điều đáng nói, dù sở hữu vị trí “đất vàng” tại Hà Nội, nhưng nhiều năm nay, dự án này vẫn bất động, khiến nhiều người tỏ ra thất vọng vì hy vọng về một tòa tháp sẽ tạo ra một diện mạo kinh doanh mới cho khu vực này vẫn chỉ là giấc mơ.
Ngày 3/1/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát trước khi thực hiện việc xem xét hủy các dự án giao đất quá 3 năm nhưng chưa thực hiện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt này, người dân Hà Nội hy vọng sẽ chấm dứt tình trạng các dự án chậm tiến độ, dự án bỏ hoang và loại bỏ những chủ đầu tư không đủ năng lực, trả lại đất cho những doanh nghiệp làm thật.