Dự án thành phố thông minh đẩy vốn FDI đăng ký tăng cao

Theo Tổng cục Thống kê, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2018 thu hút 1.366 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 11,8 tỷ USD, tăng 15,5% về số dự án và giảm 0,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Ngoài ra, có 507 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4.434,2 triệu USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 6 tháng đạt hơn 16 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 6 tháng năm 2018 còn có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 390 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,4 tỷ USD và 2.359 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,7 tỷ USD.

Hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt hơn 4,9 tỷ USD, chiếm 42,1% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Dự án thành phố thông minh đẩy vốn FDI đăng ký tăng cao - Ảnh 1.

Dự án thành phố thông minh có vốn đăng ký lớn.

Trong đó, dự án Thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội của nhà đầu tư Nhật Bản có vốn đăng ký chiếm hơn 4,1 tỷ USD.

Còn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 34,7%; các ngành còn lại đạt hơn 2,7 tỷ USD, chiếm 23,2%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 6 tháng năm nay đạt hơn 6,9 tỷ USD, chiếm 42,6% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 5,1 tỷ USD, chiếm 31,8%; các ngành còn lại đạt hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 25,6%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 988,3 triệu USD, chiếm 24,1% tổng giá trị góp vốn; ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ đạt 946,3 triệu USD, chiếm 23,1%; các ngành còn lại đạt 2.164,7 triệu USD, chiếm 52,8%.

Xét theo địa phương, nếu đánh giá theo dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với hơn 5,5 tỷ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bà Rịa-Vũng Tàu 1.639,8 triệu USD, chiếm 13,9%, trong đó, Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của nhà đầu tư Hàn Quốc có vốn đăng ký là hơn 1,2 tỷ USD; TPHCM đứng thứ 3 với 542,5 triệu USD, chiếm 4,6%…

Trong nửa đầu năm, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 5,5 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc đạt hơn 3,1 tỷ USD, chiếm 26,6%; Thái Lan đạt hơn 660,4 triệu USD, chiếm 5,6%…

Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng năm nay có 67 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 222,5 triệu USD.

Có 16 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 40,6 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 6 tháng đầu năm 2018 đạt 263,1 triệu USD.

Trong đó, riêng lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 106,2 triệu USD, chiếm 40,4% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 63,7 triệu USD, chiếm 24,2%; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 48,9 triệu USD, chiếm 18,6%. Trong 6 tháng có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, dẫn đầu là Lào chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư; Slovakia chiếm 13,7%; Campuchia chiếm 12,3%.

Theo ông Phạm Định Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp-Tổng cục Thống kê, việc thu hút vốn FDI có chất lượng góp phần tạo nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, gia tăng xuất khẩu, có đóng góp khá lớn vào tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, việc Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn vốn FDI với quá nhiều đãi đầu tư, trong khi chưa tận dụng học hỏi được kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ là một vấn đề cần khắc phục.

Tại hội thảo về thu hút và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đây, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ vấn đề này.

Đó là, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng. Đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và vi phạm các quy định về xử lý môi trường.

Để nguồn vốn FDI tác động lan tỏa tới nền kinh tế, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến nghị, cần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, để các doanh nghiệp vừa cạnh tranh lành mạnh vừa hợp tác, liên kết sản xuất. Chính sách thu hút FDI thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự hướng tới tương tác liên kết sản xuất giữa với doanh nghiệp Việt. Cần hài hòa mục tiêu thu hút FDI với chính sách phát triển doanh nghiệp trong nước.

Dự án FDI đang ngày càng “còi cọc”?



Bài viết mới