Trong hàng trăm dự án nhà ở tại TP.HCM đang vướng thủ tục pháp lý, nhiều dự án bị ách tắc tại khâu xác định tiền sử dụng đất, trong khi chủ đầu tư rất muốn nộp.
Chủ dự án than khó, người mua nhà kể khổ
Một trong những vướng mắc chính của các dự án nhà ở tại TP.HCM là khâu xác định tiền sử dụng đất. (Ảnh: Hoàng Hà)
Đại diện Công ty P.T.M cho biết, công ty có dự án chung cư trên đường Trần Trọng Cung, Q.7. Diện tích dự án khoảng 3.000m2 và 100% là đất ở. Dự án này được chấp thuận chủ trương và công nhận chủ đầu tư từ năm 2020.
Các thủ tục pháp lý khác như phê duyệt quy hoạch 1/500, thẩm định báo cáo khả thi, thẩm duyệt PCCC đã hoàn tất. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được cấp phép xây dựng vì cơ quan thẩm quyền vẫn chưa tính tiền SDĐ phát sinh theo chỉ tiêu quy hoạch xây dựng được duyệt.
“Công ty đã 2 lần bổ sung pháp lý dự án và kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sớm tính tiền SDĐ phát sinh để công ty nộp. Nhưng suốt 2 năm qua cơ quan này vẫn chưa mời được đơn vị tư vấn tính tiền SDĐ cho dự án”, đại diện Công ty P.T.M nói. Vị này lo lắng khi tháng 8/2023 là thời điểm hết thời hạn đầu tư dự án.
Một doanh nghiệp cũng rất muốn nộp tiền SDĐ bổ sung nhưng vẫn chưa được là Công ty B.S, chủ đầu tư dự án chung cư tại P.Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức.
Dự án đã hoàn tất xây dựng, người mua đã nhận nhà từ tháng 8/2017. Tại dự án này, Công ty B.S phải nộp tiền SDĐ bổ sung của phần đất 57,4m2 đất ở đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khi được giao 574m2 đất rạch.
Đầu năm 2018, chủ đầu tư tiến hành làm thủ tục để cơ quan chức năng cấp sổ hồng cho cư dân. Năm 2020, Sở TN&MT yêu cầu rà soát, điều chỉnh chứng thư thẩm định giá của dự án.
Đơn vị thẩm định đã hoàn thành chứng thư và gửi Sở TN&MT từ tháng 1/2021. Đến nay, Công ty B.S vẫn chưa có thông tin tiến triển gì của việc xác định tiền SDĐ bổ sung.
“Việc xác định tiền SDĐ bổ sung kéo dài gây cho công ty nhiều khó khăn trong việc hoàn thành nghĩa vụ với khách hàng. Nhiều cư dân không nhận được sổ hồng đã khiếu nại công ty”, đại diện Công ty B.S cho biết.
Không chỉ các chủ đầu tư, người mua nhà cũng khốn khổ vì khâu nộp tiền SDĐ. Theo bà M.A, cư dân chung cư trên đường Nguyễn Xí, P.26, Q.Bình Thạnh, bà nhận bàn giao căn hộ tại đây từ cuối năm 2016.
Từ đó đến nay, bà A. cũng như các cư dân tại chung cư vẫn chưa được cấp sổ hồng. Điều này khiến nhiều hộ dân bức xúc, nhiều lần gây áp lực với chủ đầu tư.
Theo chủ đầu tư dự án chung cư nói trên, việc chậm cấp sổ hồng là do Sở TN&MT chưa trình UBND TP.HCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của dự án. Công ty muốn sớm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa được thẩm định giá đất.
Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn Thành phố có 152 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội vướng mắc về thủ tục pháp lý. Bên cạnh thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư, không ít dự án nhà ở bị ách tắc tại khâu xác định tiền sử dụng đất (SDĐ).
Thời gian xác định tiền SDĐ kéo dài khiến cho nhiều chủ đầu tư không thể triển khai các thủ tục tiếp theo để triển khai dự án. Thậm chí, một số dự án đã hoàn tất xây dựng, bàn giao nhà nhưng cư dân không được cấp sổ hồng cũng vì lý do này.
Vướng mắc ở đâu?
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, quy định hiện nay về việc thu tiền SDĐ, tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với những thửa đất hoặc khu đất tính theo bảng giá đất có giá trị từ 30 tỷ đồng trở lên, được áp dụng 1 trong 4 phương pháp: Thặng dư; so sánh; thu nhập; chiết khấu.
Tổng thời gian giải quyết hồ sơ thu tiền SDĐ, tiền thuê đất cho các trường hợp trên từ 3 đến 6 tháng. Có trường hợp kéo dài từ một đến vài năm do nhiều nguyên nhân khách quan.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật liên quan đến công tác xác định, thẩm định giá đất lại thay đổi thường xuyên. Dù đã giảm tối đa thời gian thực hiện quy trình xác định giá đất cụ thể nhưng thời gian thực hiện, luân chuyển hồ sơ để hoàn tất các bước trong công tác xác định giá đất vẫn kéo dài.
Theo ông Thắng, việc chậm xác định, thẩm định, quyết định giá đất cụ thể dẫn đến chưa kịp thời huy động nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, mất cơ hội của nhà đầu tư, làm chậm sự phát triển của kinh tế, xã hội.
Từ bất cập trên, Sở TN&MT đã kiến nghị và UBND TP.HCM đã đưa nội dung này vào dự thảo thay thế Nghị quyết số 54/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Cụ thể, TP.HCM đề xuất được xây dựng, ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) phù hợp với tình hình thực tiễn, trình HĐND thông qua.
Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM được ban hành và áp dụng hệ số K để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với tất cả thửa đất, không phân biệt giá trị theo bảng giá đất với 2 trường hợp:
Bảng giá đất đã thu thập thông tin thị trường đến từng thửa đất để đảm bảo áp dụng cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ngoài hạn mức và các dự án thấp tầng; và các dự án của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.
Doanh nghiệp than khó vẫn bán nhà giá cao, ưu tiên gỡ vướng 38 dự án
Bên cạnh các giải pháp gỡ vướng thủ tục pháp lý cho các dự án nhà ở, những ý kiến khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản là những thông tin đáng chú ý tuần qua.
Căn hộ giá bán dưới 40 triệu đồng/m2 ‘biến mất’ khỏi thị trường BĐS TP.HCM
Có gần 3.000 căn hộ và nhà ở tại TP.HCM đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, tuy vậy phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân có giá bán dưới 40 triệu đồng/m2 gần như mất hút.
Nghịch lý thị trường BĐS TP.HCM: Giao dịch giảm, giá vẫn tăng
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính khiến lượng giao dịch bất động sản trên thị trường giảm mạnh. Tuy vậy, ở một số khu vực tại TP.HCM, giá bán căn hộ vẫn tăng.