Theo thống kê, có tới 90% người dân Việt Nam đang ăn mặn và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng một nghịch lý lại xảy ra đó là Việt Nam hiện đang là một trong 19 quốc gia có tình trạng thiếu i-ốt tồi tệ nhất thế giới.
Ăn mặn nhưng vẫn thiếu i ốt
Hồi cuối tháng 3/2018, tại một Hội thảo nhằm vận động giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não và các bệnh không lây nhiễm, PGS.TS Trương Đình Bắc- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện có khoảng 90% người dân Việt Nam đang ăn mặn, từ ăn thừa muối so với khuyến cáo WHO.
TS Bắc cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như: tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác…
Tuy nhiên, mới đây tại một cuộc họp liên quan đến vấn đề vi chất dinh dưỡng , Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, Việt Nam hiện đang là một trong 19 quốc gia thiếu i ốt trầm trọng nhất thế giới.
PGS.TS Trương Đình Bắc- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng
Trước những công bố trên, đã có không ít người đặt ra nghi vấn về vấn đề, vì sao đa số người dân Việt Nam ăn mặn, nhưng lại vẫn thiếu i ốt trầm trọng đến vậy?
Trao đổi về vấn đề này, Ths.BS Trần Khánh Vân – Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, việc người dân ăn mặn không có nghĩa là đảm bảo đủ lượng i ốt cần thiết cho cơ thể.
Theo đó, khi người dân chế biến món ăn bằng các loại gia vị như bột canh, mỳ chính, nước mắm, xì dầu… nhưng các loại gia vị trên khi sản xuất, nhà sản xuất không đưa hàm lượng i ốt vào sản phẩm, thì dù có ăn mặn đến mấy cũng không thể đảm bảo được lượng i ốt cần thiết cho cơ thể.
“Hiện nay, người dân chủ yếu sử dụng các loại gia vị như nước mắm, hạt nêm, bột canh trong chế biến thức ăn hàng ngày. Tuy nhiên, những sản phẩm đó lại không có hàm lượng i ốt, chính vì thế dù người dân ăn mặn, nhưng vẫn ở trong tình trạng thiếu i ốt”, BS Vân phân tích.
94% người dân không lựa chọn các sản phẩm có muối i ốt
Theo lý giải của BS Vân, từ năm 2006 đến năm 2016 Chính phủ ban hành Nghị định 09 về việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm trong đó có muối i ốt. Tuy nhiên, việc tăng cường này là hoàn toàn tự nguyện, vì thế các doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thể tăng cường hoặc không tăng cường i ốt vào các sản phẩm của mình.
Một vấn đề nữa đó chính là xuất phát từ phía người dân, theo đó đa số người dân khi lựa chọn sản phẩm gia vị, họ đều không chọn các sản phẩm có hàm lượng i ốt.
“Theo số liệu khảo sát đánh giá của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về vấn đề này, chỉ có 6% người dân chủ động lựa chọn muối i ốt trong chế biến thực phẩm hàng ngày. Điều đó có nghĩa là có đến 94% người dân không lựa chọn các sản phẩm có muối i ốt trong chế biến sản phẩm”, BS Vân cho hay.
Theo BS Vân, chính thói quen lựa chọn gia vị chế biến hàng ngày của người dân, cùng với việc các doanh nghiệp sản xuất không chủ động bổ sung i ốt trong các sản phẩm của mình, chính là nguyên nhân khiến tình trạng thiếu i ốt quay trở lại.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, hiện chưa chưa có chế tài nào xử phạt việc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến không bổ sung muối i ốt vào trong sản phẩm.
Bởi vậy, ông Tuyên khuyến cáo, người dân nên bổ sung i ốt vào thực phẩm ăn hàng ngày, bên cạnh đó, việc sản xuất thực phẩm của doanh nghiệp cũng nên bổ sung i ốt bởi nếu không về tương lai, điều này sẽ gây ra hệ lụy khôn lường.
Thiếu i ốt gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe, ảnh hưởng đến đến sự phát triển tầm vóc, trí tuệ, làm giảm kết quả học tập, năng suất lao động, gây nhiều thiệt hại đến nền kinh tế đất nước. Phụ nữ mang thai bị thiếu i ốt dễ bị sẩy thai, sinh non, lưu thai. Trẻ nhỏ bị thiếu i ốt sẽ tăng nguy cơ chậm phát triển về trí tuệ, hạn chế sự phát triển về chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng.