Vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không (CHK) Quốc tế Long Thành… xung quanh vấn đề này, ngày 3/12, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.
Ông có thể khái quát những việc mà địa phương đã triển khai được liên quan đến dự án trong thời gian qua và sắp tới?
Ông Trần Văn Vĩnh: Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh Đồng Nai trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án CHK Quốc tế Long Thành. Ngay từ khi có chủ trương quy hoạch dự án từ năm 2005, Đồng Nai đã thực hiện các nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cụ thể: Ban hành quy định về quản lý đất đai, xây dựng và hoạt động sản xuất nông nghiệp trong phạm vi ranh giới quy hoạch. Quy hoạch 2 khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn (282,35 ha), Bình Sơn (282,79 ha) phục vụ tái định cư của các hộ gia đình khi triển khai dự án. Theo đó diện tích mỗi lô từ 80m², 125-150 m², 250-300m². Người dân có thể lựa chọn các mức diện tích tùy theo khả năng nộp tiền sử dụng đất, hộ dân có giá trị bồi thường đất ở nhỏ hơn giá trị suất tái định cư thì được hỗ trợ để nhận suất tái định cư tối thiểu 80m².
Riêng mức hỗ trợ phục hồi thu nhập cho các hộ gia đình, cá nhân bị giải tỏa trắng, tỉnh đã xây dựng Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống của người dân. Phối hợp với Bộ GTVT xây dựng Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Khung chính sách đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… Điều tra tham vấn ý kiến cộng đồng bằng phiếu khảo sát đến trực tiếp hộ dân và tổ chức. Qua khảo sát kết quả có 100% hộ dân và tổ chức, cơ sở, tín ngưỡng trong vùng và nhận được sự đồng thuận cao đồng ý với chủ trương thực hiện dự án và có nguyện vọng sớm được di chuyển đến nơi ở mới.
Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn đã hoàn thiện hệ thống đường giao thông, điện sẵn sàng triển khai xây dựng.
Những giải pháp nào địa phương sẽ thực hiện để giải quyết hài hòa lợi ích người dân và chính sách của Nhà nước, Thưa ông?
Ông Trần Văn Vĩnh: Việc bố trí tái định cư và giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người dân sau khi thu hồi đất được tỉnh đặc biệt quan tâm. Như đã nói ở trên, tỉnh đã quy hoạch 2 khu tái định cư tại vị trí thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ. Khu tái định cư bố trí đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội bố trí đất để xây dựng lại các công trình tôn giáo như nhà thờ, chùa, đình, miếu…
Khảo sát năng lực của các cơ sở đào tạo nghề, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng lao động của Tổng Công ty CHK Việt Nam trong quá trình xây dựng và sau khi đi vào hoạt động. Định hướng nghề nghiệp đào tạo nghề, ưu tiên giới thiệu người lao động vào làm việc tại các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn, làm việc tại CHK Quốc tế Long Thành. Đối với lao động lớn tuổi không đủ điều kiện làm việc tại các KCN, tỉnh quy hoạch một khu nông nghiệp công nghệ cao khoảng 300ha gần khu tái định cư, người dân có thể tham gia sản xuất theo mô hình hợp tác xã. Trường hợp người lao động có nguyện vọng xuất khẩu lao động, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ theo quy định.
Được biết, người dân trong phạm vi dự án đang trông ngóng và sẵn sàng bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Quyền lợi của người dân được đảm bảo ra sao khi triển khai đền bù GPMB?
Ông Trần Văn Vĩnh: Do phải sống trong vùng quy hoạch đã hơn 10 năm, người dân trong vùng dự án rất mong muốn sớm nhận được tiền bồi thường và di chuyển đến nơi ở mới. Đây là nguyện vọng rất chính đáng của người dân. Ngoài chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư người dân được hưởng theo quy định, địa phương đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm để người dân có cuộc sống ổn định và phát triển.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (áo trắng đứng giữa) kiểm tra dự án CHK Long Thành ngày 8/11
Thời gian gần đây khu vực quanh dự án CHK Quốc tế Long Thành đang diễn ra tình trạng “cò” tạo sốt đất đẩy giá đất lên cao và có khả năng gây ảnh hưởng đến công tác đền bù giải tỏa. Vậy địa phương đã thực hiện và có những giải pháp nào để siết chặt công tác quản lý đất đai, thưa ông?
Ông Trần Văn Vĩnh: Khu vực Long Thành – Nhơn Trạch có tốc độ phát triển kinh tế xã hội rất nhanh do được đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông đồng bộ. Hơn nữa, nhiều KCN đang hoạt động thu hút một lượng lớn lao động đến làm việc dẫn đến nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng. Cùng với quy hoạch dự án đã được công bố thì đây là những nguyên nhân làm cho giá đất vùng phụ cận tăng cao. Tình trạng này sẽ phần nào gây ảnh hưởng đến công tác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ khi GPMB dự án.
Dù tỉnh đã ban hành Quy định quản lý đất đai, xây dựng và hoạt động sản xuất nông nghiệp trong phạm vi ranh giới quy hoạch. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng đất vẫn diễn biến phức tạp. Có tình trạng người từ nơi khác đến nhận chuyển nhượng đất để chờ cơ hội nhận tiền bồi thường cao hơn giá nhận chuyển nhượng, chờ giá đất cao hơn khi hạ tầng phát triển để chuyển nhượng…
Thực tế, hiện đang có tình trạng một số đối tượng móc nối với người dân có đất bị thu hồi để gửi đơn khiếu kiện yêu cầu các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, từ đó dẫn đến phát sinh khiếu kiện phức tạp. Từ tình hình trên, tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành liên quan đẩy nhanh thực hiện quy hoạch vùng phụ cận, tăng cường công tác quản lý đất đai trong vùng dự án, cấm phân lô, bán nền những khu vực không phù hợp quy hoạch.
Được biết, UBND tỉnh cũng đang quy hoạch vùng phụ cận hướng đến là một đô thị sân bay. Ông có thể cho biết những nét cơ bản trong việc thực hiện việc quy hoạch đô thị, giao thông khi thực hiện dự án này?
Ông Trần Văn Vĩnh: Ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, năm 2007 UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chung giai đoạn 2007-2025, với diện tích 25.000ha. Vùng phụ cận sân bay được quy hoạch các công trình chính như: khu tái định cư, khu dân cư, khu Logistic, KCN, khu công nghệ cao, trung tâm dịch vụ Quốc tế, KCN phục vụ cho sân bay… và các công trình công cộng. Hiện có nhiều thông tin trái chiều liên quan đến việc quy hoạch vùng phụ cận, có thông tin cho rằng hiện khu vực phụ cận đã có nhiều dự án đang thực hiện phân lô bán nền. Về việc này, UBND tỉnh đã siết chặt công tác quản lý đất đai tránh xảy ra việc tự phân lô bán nền làm ảnh hưởng đến quy hoạch chung của khu vực vùng phụ cận.
Về giao thông, tỉnh đã phối hợp Bộ GTVT đề xuất xây dựng 4 tuyến cao tốc gồm: Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và tuyến Vành đai 4… Ngoài ra, cao tốc Bến Lức – Long Thành đang được triển khai phục vụ kết nối các tỉnh miền Tây qua cao tốc Bến Lức – Long Thành đến sân bay Long Thành.
Xin cảm ơn ông!
Xem link bài gốc tại đây