Ngày 15/9, kiểm tra tiến độ dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông bày tỏ thái độ không hài lòng khi thấy rất nhiều các hạng mục dở dang.
Tại các công trường như ga đầu mối, ga La Khê, ga Láng, Cát Linh có rất ít nhân công làm việc, không khí thi công trầm lắng, trong khi tiến độ nhiều hạng mục vẫn đang chậm trễ so với kế hoạch.
Tại ga đầu mối, các tòa nhà điều hành, nhà xưởng đều thi công dở dang, chưa xong các hạng mục cơ bản như: lắp đặt cửa, ốp lát, hiện mới đang thi công các hạng mục như điện, nước, nền đường; còn tại một số nhà ga chưa xong phần xây dựng, một số điểm trên tuyến mới đang kéo dây cáp điện.
Kết thúc chuyến thị sát, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu trong tuần sau, Ban Quản lý dự án Đường sắt tổ chức họp ngay, rà soát nhân lực đang tham gia dự án, trường hợp không đáp ứng được, phải đề xuất thay thế.
“Trong cuộc họp tuần sau, Tổng thầu EPC phải báo cáo chi tiết tiến độ thi công từng hạng mục và thời gian hoàn thành. Phải đảm bảo tiến độ dự án theo như đã cam kết, không thể để tình trạng hạng mục nào cũng dở dang nhưng lại không thi công. Bộ GTVT sẽ đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc hỗ trợ thúc đẩy tiến độ và làm việc với lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc yêu cầu thực hiện tiến độ cam kết”, Thứ trưởng Đông chỉ đạo.
Trao đổi với Tiền Phong, thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, đến thời điểm này, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã lỡ mốc vận hành thử nghiệm là tháng 10/2017 như trước đó đã đặt ra.
Về vốn cho dự án, ông Đông cho biết, hiện tại, dự án vừa có thêm phần vốn còn lại của khoản vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cung cấp theo hiệp định đã ký trước đây. “Phần vốn này trước đây quy định chỉ được sử dụng cho một số hạng mục nhất định, nay Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ cho phép hoà chung vào toàn bộ vốn dự án để triển khai các hạng mục cần thiết trước mắt” – ông Đông nói.
Tuy nhiên, khoản vốn này cũng không thể đủ để hoàn thành dự án mà phải đợi khoản vay 250,62 triệu USD theo hiệp định lần 2 giữa Việt Nam và Trung Quốc để hoàn thiện dự án. Trong đó, chi phí lớn nhất là mua các đoàn tàu.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, dự án có toàn bộ 13 đoàn tàu, ngoài một đoàn tàu đã đưa về Việt Nam, đối tác Trung Quốc đã đóng xong 6-7 đoàn tàu nhưng vì chưa có vốn chi trả nên chưa thể chuyển tàu về.
Ông Đông cho biết, chủ trương giữa hai Chính phủ đã được thống nhất về khoản vay bổ sung nhưng vẫn còn vướng mắc pháp lý. Cụ thể, phía Trung Quốc đề nghị tiếp tục khoản vay lần 2 này với các điều khoản đã ký trong hiệp định trước đây. “Tuy nhiên, từ hiệp định lần đầu đến nay, pháp luật Việt Nam về các khoản vay quốc tế đã có thay đổi nên Bộ Tư pháp Việt Nam đề phị phải có thay đổi. Bộ GTVT đang phối hợp cùng các bên để đi đến thống nhất, sớm có vốn triển khai dự án”- ông Đông cho hay.