Trong một báo cáo vào đầu năm 2016 từ Trung tâm Nghiên cứu bất động sản Realtor.org (Mỹ), một sự thật đáng kinh ngạc là 65% doanh thu bán hàng của các đại lý bất động sản đến từ hình thức quảng cáo truyền miệng. Khi một khách hàng hài lòng, họ sẽ trở thành một thành viên quảng cáo miễn phí cho đại lý đến với bạn bè của họ.
Realtor ví von rằng, cách bán sản phẩm bất động sản tốt nhất là “bán hàng cho một người bạn của một người bạn của một người bạn”.
Nhìn rộng ra, sự thành công bền vững của một dự án bất động sản hay của một chủ đầu tư chắc chắn phải đến từ sự hài lòng của cộng đồng dân cư đang sở hữu sản phẩm đó. Vậy nhưng, không phải dự án nào cũng là một cộng đồng dân cư.
Có ba tiêu chuẩn để một dự án bất động sản trở thành một cộng đồng dân cư theo nghĩa một “thành phố trong lòng thành phố”.
Thứ nhất, diện tích dự án phải đủ rộng để có thể bao bọc nhiều tiện ích trong một. Không thể nói một vài tòa nhà chung cư mọc lên trơ trọi như những hộp diêm là một cộng đồng dân cư, bởi ở đó không có đủ những chức năng thiết yếu phục vụ cuộc sống trong một không gian đô thị.
Yếu tố thứ hai để hình thành cộng đồng dân cư là khả năng liên kết giữa dự án với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội. Những dự án nhà ở xã hội, nhà ở bình dân dù có mức giá rất rẻ nhưng vẫn ế khách bởi nguyên nhân chính là nằm biệt lập với các tuyến giao thông trọng điểm, các cơ sở dịch vụ giáo dục, y tế…
Yếu tố thứ ba có thể coi là yếu tố quan trọng nhất, đó là quan điểm của chủ đầu tư trong việc phát triển dự án. Khi mảnh đất đã nằm ở vị trí trung tâm, chỉ “tiết kiệm” mỗi chỗ một chút là có thể có thêm những khoản lời khủng. Tuy nhiên, sau khi về ở, cư dân sẽ cảm thấy bức bối với không gian chung tù túng, rối mắt với những hình khối bê tông ken dày đặc trong mỗi tòa nhà.
Đây là thực tế đã diễn ra tại nhiều dự án và sau đó xảy ra cảnh cơm không lành, canh không ngọt giữa người dân chủ đầu tư.