Chiều 11/8/2017, Tập đoàn FPT đã ra thông báo hoàn tất việc chuyển nhượng 6 triệu cổ phiếu – tương đương 30% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) – đơn vị chủ quản của hệ thống FPT Shop, cho các quỹ được quản lý bởi hoặc liên kết với Dragon Capital và VinaCapital. Giá trị của thương vụ hiện chưa được công bố.
Sau đợt thoái vốn này, tỷ lệ sở hữu của FPT tại FPT Retail giảm từ 85% xuống 55% – tức vẫn nắm quyền kiểm soát; do đó, lợi nhuận từ thương vụ này có thể sẽ không ghi nhận vào kết quả kinh doanh quý 3 mà ghi nhận thẳng vào chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán theo quy định của Thông tư 202.
Tuy vậy, theo phương án đã được Hội đồng quản trị thông qua, sau đợt thoái vốn này, FPT sẽ bán tiếp 10% cổ phần FPT Retail cho các nhà đầu tư khác ngay trong năm 2017, nhiều khả năng là thông qua IPO. Khi đó, FPT sẽ không còn nắm quyền kiểm soát và có thể ghi nhận toàn lợi nhuận từ thoái 40% vốn vào kết quả kinh doanh.
Trong một báo cáo phát hành vào cuối tháng 7, công ty chứng khoán HSC nhận định FPT có thể sẽ chào bán tiếp 10% cổ phần mảng bán lẻ ra công chúng, mục đích ở đây là tránh bán hết cổ phần về tay một người mua. FPT có khả năng sẽ niêm yết FPT Retail trên HSX vào năm 2018.
FPT Retail hiện là nhà bán lẻ lớn thứ 2 tạiViệt Nam. Tính đến hết tháng 7/2017, FPT Retail đang vận hành 438 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc. Với doanh thu 15.717 USD/m2, FPT Retail đang là nhà bán lẻ hiệu quả nhất xét về hiệu quả doanh thu/m2 diện tích sàn (theo Euromonitor và Retail Asia Publishing).
Dragon Capital và VinaCapital là những nhà đầu tư tài chính nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, quản lý lần lượt 2,1 tỷ USD và 1,8 tỷ USD tổng tài sản.
Năm 2017, FPT Retail đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 27,5% và lợi nhuận trên 40% thông qua đẩy mạnh doanh thu trên mỗi cửa hàng, tiếp tục mở rộng quy mô chuỗi bán lẻ tới những vùng miền mà sản phẩm điện thoại thông minh ít hiện diện.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của FPT Retail đạt 6.193 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và LNTT đạt 141 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm (CAGR) về doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT Retail giai đoạn 2016-2019 được kỳ vọng đạt tương ứng trên 25% và 35%.
Trước khi đầu tư vào FPT Shop, Dragon Capital đã đầu tư rất mạnh vào Thế giới Di động kể từ khi chuỗi bán lẻ này niêm yết vào giữa năm 2014. Hiện các tổ chức liên quan đến Dragon Capital nắm giữ hơn 10% cổ phần của Thế giới Di động, tương ứng lượng cổ phiếu trị giá gần 3.300 tỷ đồng (145 triệu USD).
Cũng trong lĩnh vực bán lẻ các thiết bị điện tử – điện máy, mặc dù chưa được công bố chính thức nhưng các nguồn thạo tin cho biết Thế giới Di động đang hoàn tất các thủ tục để mua lại chuỗi điện máy Trần Anh (TAG) – một trong những nhà bán lẻ điện máy lớn nhất tại miền Bắc.