Đốt quần áo của H&M thay than đá, nhà máy điện ở Thụy Điển muốn đoạn tuyệt với nhiêu liệu hóa thạch

Theo Bloomberg, nhà máy điện 54 năm tuổi đang phấn đấu trở thành cơ sở không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2020. Để đạt được điều đó, họ sử dụng gỗ thải và rác, bao gồm cả những bộ trang phục bị thải loại từ chuỗi bán lẻ Hennes & Mauritz AB (H&M) làm nhiên liệu.

Ông Jens Neren, người phụ trách nguồn cung nhiên liệu tại nhà máy điện Malarenergi, cho biết: “Đối với chúng tôi, quần áo của H&M là vật liệu cháy rất tốt. Mục tiêu của chúng tôi là chỉ sử dụng nhiên liệu tái tạo và tái chế để sản xuất ra điện”.

Nhà máy điện Malarenergi có thỏa thuận với thành phố lân cận Eskilstuna để đốt rác thải của họ và một trong số đó đến từ kho của H&M nằm trong thành phố. Tuy nhiên, người ta không biết đó là quần áo tới khi một chương trình được phát sóng trên truyền hình quốc gia Thụy Điển hôm 21/11.

Johanna Dahl, người đứng đầu bộ phận truyền thông của H&M ở Thụy Điển, cho biết: “H&M không thiêu cháy những loại quần áo an toàn để sử dụng. Trách nhiệm pháp lý của chúng tôi là phải tiêu hủy những sản phẩm không đạt chuẩn”.

Hiện tại, nhà máy điện đã đốt khoảng 15 tấn quần áo phế thải từ H&M cùng 400.000 tấn rác. Nhà máy cũng làm việc với các địa phương lân cận và nhập khẩu rác thải từ Vương quốc Anh để làm nhiên liệu cho quá trình phát điện.

Trong thời điểm hoạt động mạnh nhất, nhà máy này đốt hết 650.000 tấn than để cung cấp điện cho 150.000 hộ gia đình. Hôm 21/11, tàu chở than cuối cùng cập cảng thành phố để cung cấp nhiên liệu cho hai lò hơi còn lại. Số than này sẽ đủ dùng tới năm 2020 trước khi chúng được thay thế bằng lò hơi sử dụng nhiên liệu tái chế khác.

Trong khi Thụy Điển luôn tự hào về hệ thống phát thải vô cùng thấp bởi hệ thống thủy điện, điện hạt nhân và điện gió, nhiều khu vực vẫn phải sử dụng than đá và dầu để sưởi ấm nhà cửa, văn phòng trong những ngày đông lạnh giá. Bằng cách sử dụng những rác thải tái chế, nền kinh tế lớn nhất Bắc Âu đang kỳ vọng ngừng hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào cuối thập kỷ này.

Điều gì khiến Thụy Điển trở thành thiên đường cho các startup?

Bài viết mới