Rầm rộ thành nhà đầu tư số 1
Kể từ giữa 2015, những thương vụ đầu tư lớn của Samsung, Lotte, CJ, KB Financial, Hyundai,… nhanh chóng giúp Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư vào Việt Nam những năm gần đây.
Tính lũy kế đến hết 20/1/2018, tổng vốn FDI đăng ký trên cả nước là 320,3 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 173,9 tỷ USD, bằng 54,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 58,1 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 49,46 tỷ USD (chiếm 15,4%), tiếp theo lần lượt là Singapore (42,67 tỷ USD) và Đài Loan (30,89 tỷ USD).
Hàn Quốc chiếm hơn 18% tổng đầu tư nước ngoài lũy kế tại Việt Nam.
Còn 2 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 3,34 tỷ USD; ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 1,7 tỷ USD.
Trong đó, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 851,2 triệu USD, chiếm 25,5% tổng vốn đầu tư. Quần đảo Virgin thuộc Anh đứng thứ hai với việc đầu tư xấp xỉ 450 triệu USD và Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 418,5 triệu USD.
Tỷ trọng đầu tư của Hàn Quốc đang tăng mạnh.
Không chỉ dẫn đầu về quy mô vốn đầu tư lũy kế đến nay, Hàn Quốc cũng là quốc gia có số lượng các dự án và lượt mua cổ phần, góp phần áp đảo thời gian qua. Điều này cho thấy sự tham gia mạnh mẽ và đông đảo của các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng như sức nóng của dòng vốn này tại Việt Nam.
Hàn Quốc cũng áp đảo về số dự án đầu tư và lượt mua cổ phần, vốn góp.
Cũng theo số liệu do tờ Business Korea trích dẫn, năm 2017, nhà đầu tư Hàn Quốc đã rót 461,3 tỷ won (tương đương 434 triệu USD) cho 11 quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam, chưa bao gồm quỹ ETF. Vào năm 2016, dù khối ngoại bán ròng thì nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn rót hơn 290 triệu USD vào chứng khoán Việt Nam.
Sôi động đầu tư trực tiếp lẫn đầu tư gián tiếp từ Hàn Quốc
Mặc dù luồng vốn từ Hàn Quốc đổ vào Việt Nam từ lâu nhưng thời gian gần đây dòng vốn này lại gia tăng khá mạnh mẽ , kể cả mảng đầu tư vào các dự án đầu tư sản xuất lẫn việc mua cổ phần, vốn góp tại các doanh nghiệp, tổ chức.
Đối với các khoản đầu tư vào dự án sản xuất kinh doanh, lớn nhất phải kể đến Samsung Electronics khi Tập đoàn này đăng ký vốn đầu tư tại Việt Nam đến 17 tỷ USD . Nhiều tập đoàn lớn khác cũng tăng mạnh vốn đầu tư như Lotte Group, Doosung Vina, Hyndai, Posco,…
Không chỉ đầu tư trực tiếp, dòng vốn Hàn Quốc cũng đang dần dịch chuyển sang mua cổ phần, góp vốn tại các doanh nghiệp. Tập đoàn CJ trong năm qua đã chi lượng lớn vốn nắm quyền kiểm soát tại Công ty Thực phẩm Minh Đạt; Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (nay là CJ Cầu Tre) hay mua lại cổ phần tại các công ty con của Gemadept (GMD),…
Đáng chú ý là các nhà đầu tư Hàn Quốc lại đang đẩy mạnh mua cổ phần nắm quyền chi phối tại các doanh nghiệp trong mảng tài chính như chứng khoán, bảo hiểm.
Cuối năm 2017, nhóm cổ đông lớn tại Chứng khóa Woori CBV đã đồng ý chuyển nhượng 13 triệu cp cho NH Investment & Securities Co.,Ltd. Sau giao dịch thì công ty chứng khoán của Hàn Quốc này nắm quyền chi phối lên đến 96,15% vốn điều lệ.
Trước đó không lâu KB Securities Co. Ltd., công ty chứng khoán có tổng tài sản lớn thứ 3 tại Hàn Quốc và là thành viên của KB Financial Group Inc đã ký thỏa thuận mua lại 99% cổ phần CTCK Maritime (MSI) từ nhóm cổ đông trong nước với giá 35 tỷ won (khoảng 31 triệu USD, tương đương hơn 700 tỷ đồng).
Hay việc Công ty Samsung Securities cùng Caldera Pacific trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai khi nắm tổng cộng 40% vốn tại Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, trong đó Samsung Securities nắm 10% vốn. Giới thạo tin nhận định rằng mục tiêu Samsung Securites muốn nhắm đến là số cổ phần chứng khoán HCM mà Dragon đang nắm giữ.
Không chỉ công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư Hàn gần đây vẫn tăng vốn và mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt.
Mới nhất, công ty quản lý tài sản Mirae Asset Global Investments thuộc tập đoàn tài chính Mirae Asset Financial Group trong thông báo vào ngày 26/2 rằng sẽ thành lập liên doanh với một quỹ thuộc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Việt Nam.
Theo đó, Mirae Asset đã mua lại 100% cổ phần trong Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Tín Phát và sẽ bán 30% cổ phần cho SCIC sau đó để thành lập liên doanh. Công ty cũng có kế hoạch giới thiệu các quỹ mới tại Việt Nam, đồng thời đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình bao gồm quỹ đầu tư bất động sản và quỹ đầu tư tư nhân.
Vào đầu tháng 2, CTCP An Phát Holdings thông báo nhận được 353 tỷ đồng (15,6 triệu USD) từ quỹ đầu tư quản lý bởi Công ty quản lý quỹ Valuesystem. Đây là khoản đầu tư đầu tiên ra quốc tế của Valuesystem trong quy mô vốn chuyên biệt lên đến 100 triệu USD.
Trong khi đó, KITMC (Korea Investment Trust Management Co.), một trong những công ty quản lý quỹ hàng đầu Hàn Quốc bắt đầu được nhắc tới nhiều sau khi liên tục mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn tại Thép Nam Kim (NKG) cũng như Đầu tư Thương mại SMC (SMC). Quỹ này đã liên tục mở rộng về cả quy mô cũng tăng số lượng lên gần chục quỹ.
Theo số liệu Bloomberg, từ khối tài sản chỉ 396 tỷ KRW (370 triệu USD) hồi tháng 11/2017 thì đến 2/3, tổng tài sản của KIM Vietnam Growth Securities Master Investment Trust nhanh chóng tăng vọt lên hơn 1.049 tỷ KRW (980 triệu USD). Con số 600 triệu USD tăng thêm cho thấy dòng tiền mới đổ vào quỹ này, hay đổ vào Việt Nam là rất lớn.