11 phiên xét xử vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm đã trôi qua, trong đó khoản tiền hơn 1.500 tỷ chi lãi ngoài có được coi là thiệt hại trong vụ án tại Oceanbank hay không vẫn là nội dung được xét hỏi, thẩm vấn chủ yếu.
Căn cứ vào kết luận của Cơ quan điều tra, đoàn giám định NHNN đã xác định đây là con số thiệt hại, đại diện OceanBank thì yêu cầu bồi thường, trong khi đó, hàng loạt bị cáo nguyên là lãnh đạo OceanBank, giám đốc khối/ban nghiệp vụ hội sở, chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng này đều không chấp nhận đây là thiệt hại bởi tình thế bắt buộc và về mặt số liệu là ngân hàng vẫn tạo ra lợi nhuận từ việc huy động vốn.
Theo cáo trạng, việc chi lãi ngoài của OceanBank bắt đầu triển khai từ năm 2010. Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) giao cho 3 đầu mối chính là Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc, 2 Phó Tổng giám đốc khác là Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Thị Minh Phương. Từ chỉ đạo của các đầu mối chính này, các khối/ban nghiệp vụ thuộc Hội sở và giám đốc chi nhánh/phòng giao dịch OceanBank thực hiện chi lãi ngoài huy động vốn.
Kết quả điều tra xác minh trong thời gian 2010 đến ngày 31/11/2014, tổng số tiền ngân hàng Oceanbank đã sử dụng để chi lãi ngoài là 1.576 tỷ đồng, được lấy từ các nguồn tại ngân hàng Oceanbank.
Số tiền này đã được sử dụng chi cho các cá nhân là lãnh đạo Hội sở ngân hàng Đại dương và lãnh đạo các chi nhánh trực tiếp nhận và chi tiền mặt là 1.022 tỷ đồng. Hội sở chuyển thẳng số tiền chi lãi ngoài cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại các chi nhánh là 66 tỷ (đã được hạch toán), chuyển thẳng cho 54 chi nhánh, PGD để chi lãi ngoài là 475 tỷ đồng và còn lại là 11 tỷ đồng Nguyễn Minh Thu nhận chi.
Riêng khoản 1.022 tỷ đồng, kết luận giám định của NHNN xác định có 598 tỷ đồng được sử dụng chi lãi ngoài. Trong số này, chi cho Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank) 246 tỷ đồng để chi chăm sóc khách hàng. Nguyễn Minh Thu nhận 125,6 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi lãi ngoài với việc huy động vốn không kỳ hạn. Đối với Khối Khách hàng lớn và đối tác chiến lược do Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên Phó tổng giám đốc thời kỳ 2012 – 2014, hiện đang được tạm đình vụ án chỉ do mắc bệnh hiểm nghèo) và bị cáo Nguyễn Trà My nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Thăng Long chi trả 226 tỷ đồng. Số tiền còn lại là hơn 424 tỷ đồng do một số cá nhân sử dụng và không xác định được mục đích sử dụng là để chi lãi ngoài.
Trước tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã khai nhận khoảng hơn 200 tỷ đồng và đã dùng số tiền đó để chăm sóc khách hàng, không dùng cho mục đích cá nhân. Trong đó có đưa cho ông Ninh Văn Quỳnh – nguyên kế toán trưởng Tập đoàn Dầu Khí (PVN) khoảng 30-40 tỷ.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết nhiều lần vào Vũng Tàu cùng bà Nguyễn Thị Kiều Liên – giám đốc CN Vũng Tàu để gặp lãnh đạo Vietsovpetro, sau đó đưa tiền cho Kế toán trưởng là ông Võ Quang Huy và TGĐ Nguyễn Hữu Tuyến. Bị cáo Sơn chỉ nhớ mang máng khoảng chục lần, mỗi lần đưa từ 10.000 đến 20.000 USD, hoặc 200 đến 300 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu cũng cho biết có đến Vũng Tàu để thực hiện chi lãi ngoài và đến rất nhiều lần nên không nhớ. Tháng 1/2011 đến tháng 6/2012, cứ định kỳ 2-3 tháng 1 lần. Giai đoạn tháng 7/2012-6/2014, theo thanh toán bên kế toán, giao tiền 3 tháng/lần. Mỗi lần đi đều nhờ liên hệ trước và đi cùng bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên.
Bị cáo Thu cho biết, Vietsovpetro chủ yếu gửi vào Oceanbank tiền USD, tiền VNĐ rất ít. Việc chi lãi ngoài cho Vietsovpetro được nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm phê duyệt dựa trên số dư tài khoản của Vietsovpetro.
Theo bị cáo Thu, số dư tiền gửi của Vietsovpetro cao nhất vào khoảng năm 2011, có thời điểm tiền đô lên tới mấy trăm triệu đô. Tỷ lệ phần trăm đối với tiền gửi không kỳ hạn đối với tiền đồng là 0,1%/tháng, cuối 2012, Hà Văn Thắm cho áp dụng là 0,15%/tháng còn tiền USD thì thấp hơn nhiều, khoảng 0,05% hoặc 0,02%.
Nguyễn Minh Thu khai đưa tiền theo tỷ lệ, kế toán trưởng 70%, còn Tổng giám đốc là 30%. Việc thoả thuận đưa tiền bằng miệng, không có hợp đồng. Bị cáo Thu xác định đưa tiền lãi ngoài cho Võ Quang Huy và Nguyễn Hữu Tuyến. Sau khi ông Tuyến nghỉ hưu thì bị cáo đưa cho ông Từ Thành Nghĩa.
Cũng tại tòa, bị cáo Thu khai đã trực tiếp chi chăm sóc 3 khách hàng lớn thuộc nhóm Dầu Khí. Trong đó, chi lãi ngoài cho tiền gửi không kỳ hạn của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) là 15,7 tỷ đồng, Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổng cộng hơn 19 tỷ trong đó 9,8 tỷ đồng là tiền lãi cho khoản tiền gửi không kỳ hạn và 9,5 tỷ đồng cho khoản tiền gửi có kỳ hạn từ tháng 10/2012-12/2013; Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro là 22,7 tỷ đồng.
Tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, bị cáo Thu khai từ tháng 7/2012-6/2014, tổng số chi cho công ty khoảng gần 19 tỷ đồng. Trong đó, gửi cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoài Giang, mỗi lần đưa từ 500 triệu đến 1 tỷ, nhưng không nhớ số lần, Tổng giám đốc Đinh Văn Ngọc mỗi lần khoảng 500 triệu, khoảng 7 đến 8 lần, Phó Tổng giám đốc Vũ Mạnh Tùng, mỗi lần từ 500 triệu đến 1 tỷ, kế toán trưởng tên Quang từ 300 đến 500 triệu
Theo lời khai của Nguyễn Minh Thu, những lần đưa tiền lãi ngoài cho các Chủ tịch, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và kế toán trưởng đều không ghi chép lại, cũng không có hóa đơn chứng từ.
Trong khi các bị cáo khai chi tiết cụ thể tên tuổi các lãnh đạo, kế toán trưởng các doanh nghiệp đã nhận tiền lãi ngoài song khi đối chất, những người này đều phủ nhận thậm chí có người còn tố ngược lại với HĐXX về tội vu khống cho bị cáo Nguyễn Minh Thu.
Tôi phải hỏi anh rằng bắc thang lên hỏi ông trời, 1.500 tỷ có còn đòi được không?” một vị luật sư đã ví von như vậy khi hỏi bị cáo Hà Văn Thắm tại tòa.
Theo lời khai của các cựu giám đốc chi nhánh, họ đã bán nhà cửa, dùng tiền cá nhân và vận động các khách hàng nộp lại số tiền chi lãi ngoài mong sớm khắc phục được hậu quả.
Giá như số tiền chi lãi ngoài của Oceanbank được hạch toán, có đầy đủ chứng từ thì hậu quả đã sớm được khắc phục, các cá nhân tổ chức cũng không thể trục lợi, cũng không thể chối cãi nếu có nhận tiền.