Theo số liệu mới được Parkson Retail Asia công bố, kết quả kinh doanh tại Việt Nam của Parkson tiếp tục thua lỗ cho dù đã đóng cửa một loạt trung tâm thương mại đình đám, gồm Parkson Keangnam hồi tháng 1/2015, Parkson Paragon tháng 5/2016 và Parkson Viet Tower tháng 12/2016.
Cụ thể, Parkson lỗ trong toàn bộ 4 quý của năm 2017 và doanh thu cũng có chiều hướng đi xuống. Tổng cộng, Parkson đạt doanh thu khoảng gần 500 tỷ đồng trong năm qua và chịu lỗ hơn 60 tỷ đồng. Điểm tích cực duy nhất là số lỗ của Parkson đang giảm dần, từ 25 tỷ đồng quý 4/2016 xuống chỉ còn lỗ 10 tỷ đồng quý 4/2017.
Parkson cho biết, công ty đã rất nỗ lực tung ra các chương trình quảng cáo nhằm thu hút khách hàng trong năm vừa qua. Mặc dù vậy, tăng trưởng doanh số của cùng 1 cửa hàng quý 4/2017 so với cùng kỳ năm trước là âm 2,3%.
Không chỉ gặp khó khăn ở Việt Nam mà Parkson cũng đều đang thua lỗ tại các quốc gia khác như Malaysia, Indonesia, Myanmar và doanh số các cửa hàng liên tục tăng trưởng âm.
Niên độ tài chính của Parkson bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 6 năm sau. Như vậy, năm tài chính 2016-2017 của Parkson đã kết thúc với con số lỗ 67 tỷ đồng. 6 tháng đầu niên độ tài chính 2017-2018, Parkson đang tạm lỗ 24 tỷ đồng, doanh thu khoảng 233 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2015, cổ đông của công ty mẹ Parkson Retail Asia đón nhận cú sốc tài chính lớn khi công ty thua lỗ tới gần 1.300 tỷ đồng tại Việt Nam và khiến cả tập đoàn lỗ tổng cộng 850 tỷ đồng.
Nguyên nhân xuất phát từ vụ huỷ hợp đồng thuê tại toà nhà Keangnam Landmark 72 trước thời hạn. Chi phí cho việc huỷ hợp đồng lên tới hơn 1.000 tỷ, nhưng Parkson vẫn chấp nhận vì muốn “tránh việc tiếp tục thua lỗ do những thách thức của thị trường bán lẻ”.
Sau cú sốc nói trên, Parkson có lãi đột biến vào năm 2016, nhờ thủ thuật tài chính thoái vốn tại công ty con để không phải ghi nhận lỗ lũy kế và được hoàn nhập lợi nhuận.
Các năm từ 2015 trở về trước, doanh thu Parkson đều trên 700 tỷ đồng nhưng từ khi đóng cửa 3 trung tâm thương mại, doanh thu Parkson đã giảm khoảng 1/3.