1. Chương trình Trung thu 2017 tại Bảo tàng dân tộc học
Trung thu ngày nay không chỉ dành cho trẻ em mà người lớn cũng có thể tận hưởng không khí rước đèn tràn ngập tiếng cười. Để không khí Trung thu thêm nhộn nhịp, bạn có thể đến với chương trình Trung thu 2017: Sắc màu văn hóa Đồng Tháp tại Bảo tàng dân tộc học trong thời gian từ 30/9 đến 01/10.
Từ lâu Bảo tàng dân tộc học thường xuyên tổ chức các chương trình tái hiện các dịp lễ tết truyền thống. Điểm nhấn của chương trình Trung thu 2017 là giới thiệu đến khách tham quan những nét văn hóa của con người vùng sông nước Tháp Mười thông qua hoạt động trình diễn Hò Đồng Tháp, dệt choàng Hồng Ngự và hướng dẫn làm đèn Trung thu từ lon sữa bò, tết lá dừa.
Đặc biệt, du khách có cơ hội thưởng thức hương vị ẩm thực cùng các sản vật của vùng đất “sen hồng” như: gỏi ngó sen, chả giò sen, cơm trộn sen, cơm vắt huyết rồng… Bên cạnh đó, Bảo tàng vẫn duy trì tổ chức các hoạt động gắn với Tết Trung thu truyền thống như: múa lân sư, hướng dẫn làm bánh dẻo, cốm Vòng, cắt tỉa hoa quả, làm đồ chơi và chơi các trò chơi dân gian. Đến đây, bạn có thể dạo quanh những quầy hàng đồ truyền thống, đèn lồng, bánh Trung thu và tham gia những trò chơi dân gian hấp dẫn.
2. Vui tết Trung thu 2017 tại Hoàng thành Thăng Long
Chương trình Trung thu năm nay tại Hoàng thành Thăng Long sẽ là một Trung thu mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống với nhiều hoạt động bổ ích, lý thú, hấp dẫn. Đây là một cơ hội đặc biệt để các em nhỏ tham gia chương trình giáo dục học đường, giúp các em học sinh có thể tìm hiểu về Trung thu xưa qua tư liệu của nhà nghiên cứu người Pháp Henri Oger và Bảo tàng Albert Kahn – Pháp, đồng thời được gặp gỡ giao lưu với các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và trải nghiệm nhiều hoạt động tương tác nghề truyền thống, trò chơi dân gian.
Chương trình sẽ được tổ chức tại Khu Di sản Thế giới Hoàng Thành Thăng Long (Số 19 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội) từ ngày 28/9/2017 – 4/10/2017. Các mục trong chương trình bao gồm: hoạt động trưng bày tái hiện không gian Trung thu truyền thống đầu thế kỷ XX, biểu diễn nghệ thuật – múa sư tử, múa rối nước, múa rối cạn, ca nhạc, trình diễn và tương tác – bồi và tô vẽ mặt nạ, làm bánh trung thu, làm đèn ông sao, đèn kéo quân. Ngoài ra, bạn còn có thể tham gia các trò chơi truyền thống bao gồm: đi cầu tre gánh lúa (gánh lúa qua cầu), bập bênh, ném vòng, ngựa gỗ, bao bố, kéo co, chơi chuyền, pháo đất, ô ăn quan, bịt mắt đánh trống và dự chương trình Rước đèn phá cỗ trung thu với các hoạt động múa sư tử, rước đèn đón trăng, văn nghệ, trò chơi, phá cỗ.
3. Hội chợ tại sân vận động Mỹ Đình
Từ ngày 01-10/10/2017, tại Quảng trường Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) sẽ diễn ra Liên hoan du lịch – Hội chợ triển lãm thương mại nghề truyền thống quận Nam Từ Liêm – Hà Nội năm 2017. Hội chợ thu hút 250 gian hàng tham gia, chia thành 4 khu: Khu gian hàng triển lãm làng nghề và doanh nghiệp thuộc quận Nam Từ Liêm; Khu gian hàng đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ; Khu gian hàng thương mại tổng hợp; Khu gian hàng dịch vụ ẩm thực.
Sở hữu không gian rộng rãi cùng bãi cỏ tươi mát, sân vận động Mỹ Đình luôn là điểm vui chơi cho các bạn trẻ trong mỗi dịp lễ. Các hoạt động sôi nổi tại hội chợ sẽ khiến tết trung thu của các bạn nhỏ thêm phần vui nhộn, mang đến không khí Trung thu rộn ràng trong lòng người.
4. Con đường đèn lồng đẹp nhất Hà Đông
Nếu không muốn bon chen tới các địa điểm đông người ở trung tâm thủ đô, các bạn có thể thưởng thức không khí trung thu ở con đường đèn lồng tại quận Hà Đông, Hà Nội. Trong khuôn viên khu đô thị bên cạnh làng lụa Vạn Phúc, một con đường đèn lồng cổ kính được tái hiện với những chiếc đèn trung thu truyền thống, đa dạng và lung linh.
Hòa với sự cộng hưởng của cảnh quan, dưới ánh đèn đêm, con đường đèn lồng càng tạo nên một không gian lung linh huyền ảo. Các gia đình và các bạn trẻ có thể thỏa sức đến chiêm ngưỡng và chụp hình, lưu giữ những khoảnh khắc ấn tượng, đáng nhớ mùa Trung thu năm nay.
5. Ngắm trăng, thưởng thức không khí đêm rằm tại một không gian thoáng đãng
Nếu như muốn tránh các địa điểm đông người, bạn có thể tham khảo những không gian rộng rãi, thoáng mát để thưởng thức trăng rằm như cầu Long Biên, bến Hàn Quốc, bến Nhật Bản ở Hồ Tây hay các quán cà phê quanh Hồ Gươm… Các gia đình có thể sắp xếp một buổi dã ngoại nho nhỏ buổi tối tại các công viên lớn như công viên Yên Sở, công viên Nghĩa Đô để cả gia đình có thể quây quần ngắm trăng rằm cùng nhau. Với không gian thoáng đãng, rộng lớn, đây là những địa điểm lý tưởng để cùng bạn bè, người thân trò chuyện và ngắm trăng đêm rằm hoặc cũng có thể thả mình vào không khí thoáng mát của mùa thu.
Tuy nhiên với tình trạng quá nhiều người ra đường trong các ngày lễ, bạn nên sắp xếp thời gian đi ngắm trăng sớm để có được vị trí ngắm trăng đẹp và tránh tình trạng tắc đường.