Bằng hình thức xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BT và BOT, Hà Nội muốn huy động vốn đầu tư vào một loạt công trình giao thông trọng điểm từ nay đến 2030. Trong đó, nổi bật là cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, đường vành đai 3,5 và đường vành đai 4.
Ở phía Tây đó là những dự án tuyến đường vành đai còn phía Đông là những cây cầu mới trị giá hàng tỷ đô la sắp được triển khai xây dựng.
Cùng với những tuyến đường sắt đô thị trên cao sắp hoàn thành và đang xây dựng là metro Cát Linh – Hà Đông và metro Nhổn – Ga Hà Nội, tuyến đường trục Tây Thăng Long kết nối khu vực Tây Hồ Tây với vùng ven thuộc Bắc Từ Liêm và Đan Phương cũng được khởi động, tuyến vành đai 3,5 và vành đai 4,…cũng đang rục rịch kế hoạch triển khai với tổng mức đầu tư theo kế hoạch nhằm khép kín các tuyến vành đai của Hà Nội lên tới 3 tỷ USD.
Điều này đang tạo nên một cú hích mới cho bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội, ở những khu vùng ven nhà đất dọc các tuyến đường metro đang có xu hướng rục rịch tăng giá, nhiều dự án “hồi sinh” trở lại. Giới đầu tư địa ốc cũng đã bắt đầu để mắt tới một số khu vực như Hoài Đức, Đan Phượng…
Hệ thống đường vành đai và metro tại Hà Nội
Sau cơn sốt đất hồi năm 2011, giá nhà đất nơi đây bị “thổi” lên khá cao, dọc các tuyến đường lớn như Quốc lộ 32 hay Đại lộ Thăng Long mức giá ở một số nơi lên cả trăm triệu đồng mỗi m2, tuy nhiên, sau đó bong bóng nhanh chóng “xì hơi”, nhiều dự án bất động sản, giá bất động sản sụt giảm còn một nửa, tuy nhiên sau 7 năm bất động thì nay thị trường khu vực này lại khởi sắc trở lại, có nhiều dự án BĐS đóng băng đang dần hồi sinh như Goldmark City, Tân Tây Đô, The Phoenix Garden, Bắc 32 hay Westpoint – Nam 32 (dọc trục quốc lộ 32) hay như khu vực Hoài Đức nhiều dự án được xây dựng lại như Nam An Khánh, Spendora,…
Tại khu vực huyện Đan Phượng, mặt bằng giá đất đã tăng cao hơn khoảng 30% so với cách đây 2 năm, đã có những tín hiệu giao dịch trở lại. Hiện những lô đất ở trục đường lớn có mặt bằng giá khoảng trên 50 triệu đồng/m2, đi sâu vào bên trong các khu dân cư mặt bằng giá dao động từ khoảng 20-30 triệu đồng/m2. Một số dự án khởi động trở lại và tung sản phẩm ra thị trường như Westpoint – Nam 32, hiện có mức giá chỉ từ 21 triệu/m2, biệt thự và liền kề khu đô thị Dương Nội…
Gần đây, thông tin Hoài Đức lên quận trong tương lai cũng đã khiến nhà đất khu vực này trở nên sôi động hơn.
Phía Đông bên kia sông Hồng cũng đang đón nhận nhiều tin vui về hạ tầng được đầu tư. Đó là 5 cây cầu lớn mà Hà Nội dự tính sẽ triển khai xây dựng từ nay đến 2021 với tổng chi phí ước tính lên đến gần 2 tỷ USD.
Cụ thể, cầu Tứ Liên (quận Tây Hồ) và đường dẫn cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư 17.000 tỉ đồng; Cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng (quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm) với tổng mức đầu tư 7.000 tỉ đồng; Cầu Giang Biên (huyện Gia Lâm) và đường dẫn hai cầu, tổng mức đầu tư trên 6.000 tỉ đồng; Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (quận Long Biên) với tổng mức đầu tư gần 2.500 tỉ đồng và cầu Đuống 2 có tổng mức đầu tư 6.000 tỷ.
Trong đó, cầu Tứ Liên dự kiến hoàn thành năm 2021, cầu Trần Hưng Đạo dự kiến hoàn thành 2019, cầu Đuống dự kiến hoàn thành 2021…
Những cú hích này cùng với một loạt thông tin các đại gia địa ốc đang tích cực rót nghìn tỷ nhằm triển khai các dự án ở khu vực này, đã khiến nhà đất Đông Anh có biến động tăng giá cục bộ.
Ở một số khu vực như Tiên Dương, Nguyên Khê, Vĩnh Ngọc với sự xuất hiện của dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia đang triển khai xây dựng hay thông tin BRG ký kết hợp tác quy hoạch đô thị hai bên đường Nhật Tân – Nội Bài, Sungroup xây dựng công viên Kim Quy… khiến nhà đất khu vực này được quan tâm, và giá tăng trở lại.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố hạ tầng và quy hoạch, giới chuyên môn nhận định nhiều khả năng giá nhà đất ở một số nơi có biến động tăng giá cao, có dấu hiệu tăng ảo do giới “cò đất” thổi giá. Người mua, nhà đầu tư cần cẩn trọng với những khu vực, dự án có dấu hiệu tăng giá chóng mặt trong thời gian ngắn, bởi nhiều khả năng đó là hiện tượng “làm giá” của giới đầu cơ.