Đợi tích đủ tiền, 9X vụt mất cơ hội mua nhà

Đức Anh (32 tuổi, Nghệ An) tích góp được hơn 1 tỉ đồng, đủ để mua một mảnh đất tại quận 9 (cũ) và quận 12, nhưng anh lại đợi tích tủ tiền mới mua vì không muốn vay nợ để xây nhà. Và quyết định đó khiến anh tiếc nuối cho đến tận bây giờ.

Khoảng năm 2017, Đức Anh tích góp được hơn 1 tỉ đồng sau 5 năm làm việc tại một công ty nước ngoài, có trụ sở tại TP.HCM. Anh chia sẻ, mức lương khi đó khoảng 20 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng sau khi trừ hết các chi phí, anh tiết kiệm được 10 triệu đồng. Sau đó một năm với nhiều thành tích đạt được trong công việc, công ty đã cân nhắc anh lên một vị trí cao hơn và đương nhiên mức lương cũng tăng lên đáng kể. Cụ thể, anh được nhận 1.500 USD (khoảng 35 triệu đồng) cho vị trí Leader.

Nhờ thế mà quỹ tiết kiệm của Đức Anh cũng tăng lên rất nhanh. Chỉ sau 5 năm làm việc, anh đã tiết kiệm được số tiền hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền này vẫn chưa đủ để mua một căn hộ rộng rãi như ý anh muốn, thậm chí là căn hộ giá rẻ. Bạn bè gợi ý Đức Anh nên dành số tiền này mua một mảnh đất, rồi xây nhà, nhưng anh lại không muốn vay mượn ai.

Trong khi đó, những người bạn của anh ai cũng có nhà ở TP.HCM mặc dù lương của họ chỉ bằng một nửa anh. Họ mua từ lúc anh bắt đầu đi làm và trả góp trong 5 năm, nên hiện tại không ai phải lo lắng trả nợ mỗi tháng. Còn anh thì chần chừ mãi, chờ đợi tích đủ tiền mới mua.

Mặc dù đã tiết kiệm thêm tiền, nhưng giá nhà đất so với 5 năm trước đã tăng hơn rất nhiều. Vừa rồi, Đức Anh đến TP.Thủ Đức xem đất, diện tích hơn 50m2 ở khu cách xa trung tâm nhưng giá đã hơn 2 tỉ, so với trước đây đã tăng gần gấp đôi. Lần này, anh không chỉ phải vay tiền để xây nhà mà muốn sở hữu mảnh đất đó anh cũng phải vay một số tiền lớn.

Đức Anh lại tìm đến một căn chung cư có diện tích hơn 60m2 đang trong giai đoạn xây dựng, nhưng giá bán căn hộ cũng trên dưới 2 tỉ đồng. Với số tiền 1,3 tỉ đồng sẵn có, anh vẫn phải vay thêm 700-800 triệu đồng nữa. Như vậy, nếu anh quyết định mua nhà vào thời điểm này, anh phải mang “cục nợ” còn nặng hơn so với trước đây.

Đức Anh chỉ là một trong vô số trường hợp gặp phải khi mua nhà lần đầu. Có người mua nhà vượt quá khả năng chi trả, phải bán gấp khi chưa kịp đặt chân vào căn nhà mới. Có người khi đứng trước cơ hội mua nhà vẫn lưỡng lự, chần chừ hoặc cũng có người vì ham giá rẻ phải ở trong căn nhà quá xa trung tâm, bất tiện trăm bề…

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng nếu có cơ hội mua nhà hãy mua ngay, đừng chần chừ. Ảnh CafeLand.

Dưới đây là 9 lưu ý cần biết khi mua nhà lần đầu để bạn đọc tham khảo:

1. Xác định mục đích mua nhà?

Trước tiên cần xác định mục đích mua nhà là mua để ở hoặc kinh doanh, hoặc vừa ở vừa kinh doanh, nhưng cũng có người mua nhà để đầu tư kiếm lời và chọn các loại hình nhà phố liền kề hay biệt thự, nhà riêng lẻ mới xây hay nhà cũ, căn hộ hay shophouse.

Có thể xét thêm các yếu tố khác như: nhà cần bao nhiêu phòng, thiết kế ra sao, xem hướng nhà nào tốt cho vận mệnh theo phong thủy.

2. Xác định thời gian mua nhà

Khi đã xác định được mục tiêu thì việc xác định thời điểm mua nhà cũng rất cần thiết. Khi xác định được thời điểm mua nhà chúng ta sẽ có kế hoạch cụ thể để tiết kiệm tiền cũng như sắp xếp thời gian tìm mua nhà.

Thật sự rất khó để ước tính đúng 100% tiền mua nhà nên nếu đã có khoảng 70% giá trị căn nhà hãy quyết định mua nhanh chóng. Tất nhiên căn nhà đã được xem xét kỹ lưỡng. Nếu không quyết định mà chần chừ, giá có thể tăng lên. Lúc đó sẽ không có đủ tiền mua nhà nữa.

3. Xem xét tài chính

Thường người mua sẽ đi xem rất nhiều ngôi nhà mới đưa ra được quyết định cuối cùng. Có những ngôi nhà có vị trí tốt, tiện nghi, đầy đủ nội thất hiện đại, có thể dọn vào ở liền. Tuy nhiên, dù mức tài chính hạn hẹp, vẫn quyết định mua vượt quá khả năng. Dẫn đến hậu quả vay nợ chồng chất, mua nhà xong chẳng những không vui, không hạnh phúc mà nỗi lo lại càng nặng nề hơn.

4. Dự trù trước các khoản chi phí phát sinh

Ngoài tiền mua nhà còn các khoản phí khác cần phải dự trù như phí môi giới, sửa sang nhà cửa, thuê nhân công hay mua sắm thêm vật dụng trong nhà, nên bạn cần dự trù những kinh phí đó để không vượt ngân sách.

5. Kiểm tra Giấy chứng nhận sở hữu nhà đất

Có rất nhiều trường hợp người mua nhà bị lừa vì bị chủ nhà cấp sổ giả, giấy tờ giả… nên khi mua bạn cần đi cùng một người am hiểu về bất động sản, thủ tục.

6. Xem xét đến vị trí của ngôi nhà

Vị trí là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá cả của ngôi nhà. Nếu không có tiền mua nhà ở trung tâm thì cần xem xét mua nhà có vị trí thuận tiện nhất cho mình như gần nơi làm việc, trường học của con, công viên, chợ, bệnh viện, các trung tâm mua sắm, vui chơi, giải trí…

7. Môi trường sống và an ninh xung quanh

Vì mua nhà lần đầu nên chắc chắn rằng sẽ chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều người phải bỏ rất nhiều thời gian để đổi nhà liên tục, thậm chí tốn rất nhiều chi phí để chuyển nhà do: môi trường sống xung quanh không tốt ảnh hưởng đến con cái, do anh ninh không đảm bảo thường xuyên trộm cấp….Vì vậy cần xem xét các yếu tố:

– Vấn đề an ninh khu vực như thế nào? Môi trường sống có phức tạp hay không? Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các thành viên trong gia đình, đặc biệt là con nhỏ.

– Hệ thống giao thông, hạ tầng xung quanh. Chúng ta có thể xác minh vấn đề này bằng cách hỏi hàng xóm xung quanh hoặc nghiên cứu từ các dự án mà nhà thầu đã xây dựng.

8. Xem kỹ nhà khi nhận bàn giao

Cho dù ngôi nhà có vị trí thuận lợi, thiết kế bên ngoài đẹp mắt, vẫn phải chú trọng kiểm tra kỹ bên trong như hệ thống ống nước, đường dây, vách tường nhà,… Chúng ta cũng có thể chọn thời điểm xem nhà vào mùa mưa để có thể kiểm tra xem nhà có bị thấm nước hay mưa dột hay không. Bên cạnh đó ta cũng có thể kiểm tra được hệ thống thoát nước xung quanh nhà.

9. Chỉ nên mua sắm những gì cần thiết

Nhiều người cho rằng ở nhà mới thì cái gì cũng mới vậy mới may mắn. Tuy nhiên, không phải lúc nào ngân sách cũng cho phép. Khi mới mua nhà còn có nhiều khoản phải chi, nên tận dụng lại những đồ dùng cũ vẫn sử dụng được để tiết kiệm chi phí, sau đó mới liệt kê ra những vật dụng cần thiết khi về nhà mới thì mới bắt đầu mua. Điều này sẽ giúp tiết kiệm được một khoản mà còn kiểm soát những vật dụng không cần thiết gây lãng phí và chiếm diện tích.

Bài viết mới