Nếu Donald Trump tăng thuế đánh vào tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như đã tuyên bố khi tranh cử, ông sẽ châm ngòi cho 1 cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Thật may là Tổng thống Mỹ đã không làm như vậy, một phần là bởi ông muốn nhận được sự trợ giúp của Trung Quốc khi đối đầu với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, đó không phải là lý do lớn nhất.
Tuần trước, đại diện thương mại Mỹ đã gọi Trung Quốc là “mối nguy chưa từng có” và sẽ không chịu tác động từ những quy tắc thương mại hiện có. Lo ngại về làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt thâu tóm các doanh nghiệp châu Âu, EU đang soạn thảo những quy tắc chặt chẽ hơn về vốn đầu tư nước ngoài. Trung Quốc đã trở thành nhân tố có thể khiến cấu trúc kinh tế toàn cầu xoay chuyển, đặc biệt là khi nước này đang ráo riết thực hiện chiến lược hiện đại hóa nền kinh tế.
Hiện nay các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các đối thủ Trung Quốc. Trung Quốc không phải là nước đầu tiên tiến hành công nghiệp hóa nhưng đã đạt được tốc độ và quy mô vượt trội so với bất kỳ quốc gia nào. Nếu như cách đây gần 1 thập kỷ, hàng hóa giá rẻ ở đủ mọi mặt hàng từ khóa kéo, những đôi tất hay chiếc bật lửa tràn ngập thế giới và khiến nhiều người sửng sốt; ngày nay Trung Quốc đã trở thành nước dẫn đầu về công nghệ mới, từ các phương tiện thanh toán trên thiết bị di động đến ô tô không người lái.
Kinh tế Trung Quốc chưa mở cửa hoàn toàn như các nước phương Tây với chính sách bảo hộ rất chặt chẽ, do đó nỗi lo ngại thế giới sẽ bị thống trị bởi 1 nền kinh tế không hoàn toàn tuân theo các quy luật thị trường đang ngày càng tăng lên. Sau khi chứng kiến sự kiện Anh rời EU và nước Mỹ có Tổng thống mới ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, nhiều nước đang lo ngại sẽ bị mất đi lượng lớn việc làm và bị tụt lại phía sau về công nghệ.
Tuy nhiên, để thích nghi tốt với hoàn cảnh hiện nay, trước tiên họ phải thực sự hiểu rõ bản chất của những thách thức mà Trung Quốc mang lại.
Rõ ràng là kinh tế Trung Quốc rất khác so với phương Tây. Đồng nhân dân tệ đã được kìm ở mức thấp trong nhiều năm để khuyến khích xuất khẩu, các tập đoàn nhà nước thì được tài trợ tín dụng giá rẻ, Trung Quốc còn có các gián điệp mạng ăn cắp thông tin. Tuy nhiên, cho đến nay nếu nói rằng nền kinh tế Trung Quốc hoàn toàn dựa vào độc quyền, sao chép và ăn cắp sáng chế thì bạn đã nhầm vì mức độ sáng tạo của nền kinh tế này đã phát triển vượt bậc (mà chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân).
Nói về kinh tế hiện nay, có thể nhắc đến 3 tính từ: bất hợp pháp, khốc liệt và không công bằng, và cách phản ứng với mỗi tính chất cũng sẽ khác nhau.
Đầu tiên là tính không hợp pháp. Trước đây trên báo chí từng xuất hiện khá nhiều tin tức về những vụ ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ như vụ doanh nhân Trung Quốc ăn cắp bắp giống hay vụ FBI truy nã 5 quan chức Trung Quốc tội gián điệp mạng năm 2014. Tuy nhiên thời gian gần đây những sự vụ như vậy đã giảm đáng kể nhờ 1 thỏa thuận được ký giữa Mỹ và Trung Quốc năm 2015. Đồng thời khi mà các công ty Trung Quốc sản xuất ra nhiều giá trị thặng dư hơn, chính bản thân họ cũng có những yêu cầu cao hơn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Tính chất thứ hai quan trọng hơn rất nhiều: sự cạnh tranh khốc liệt nhưng hợp pháp. Các công ty Trung Quốc đã chứng minh rằng họ có thể làm được sản phẩm tốt. Tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu là 14%, mức cao nhất mà 1 quốc gia đơn lẻ đạt được kể từ khi Mỹ chạm đến ngưỡng này năm 1968. Con số có thể giảm xuống sau khi Trung Quốc không còn tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng thấp như dệt may, nhưng nước này đang trỗi dậy trong lĩnh vực công nghệ cao. Những nhà sản xuất ô tô ở Đức, chip bán dẫn ở Mỹ và robot ở Nhật Bản đều nên chuẩn bị cho sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các công ty Trung Quốc.
Yếu tố cuối cùng và cũng khó đối phó nhất là sự cạnh tranh không công bằng. Chính phủ Trung Quốc thường yêu cầu các công ty nước ngoài phải chia sẻ công nghệ để có thể bước chân vào thị trường đông dân nhất thế giới. Các công ty nước ngoài thường xuyên trở thành mục tiêu trong những vụ kiện chống độc quyền. Các ngành sinh lời nhiều nhất thì hạn chế đầu tư nước ngoài, đồng thời nhiều tập đoàn Trung Quốc được ưu đãi vốn để đầu tư ra nước ngoài.
Phân loại các đối thủ đến từ Trung Quốc thành 3 nhóm theo các tính chất trên sẽ giúp đưa ra phản ứng chính xác. Đối với những công ty gian lận, nên sử dụng các biện pháp pháp lý (ví dụ như kiện lên WTO).
Đối với những công ty thuộc nhóm thứ hai, cách đối phó tốt nhất là hãy chào đón họ. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ những cải tiến sáng tạo trong khi giá thành giảm. Thay vì cố gắng dùng các biện pháp phi thị trường để tránh mất đi việc làm trong ngành sản xuất vì Trung Quốc, các quốc gia nên củng cố mạng lưới an sinh xã hội và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiên cứu và giáo dục.
Còn đối với nhóm cạnh tranh không công bằng, các nước nên cùng nhau hành động để gây sức ép buộc Trung Quốc phải thay đổi chính sách. Mỹ, châu Âu và châu Á có thể cùng nhau công bố những thông tin thực tế về những tác động tiêu cực mà chính sách bảo hộ của Trung Quốc gây ra cho nền kinh tế của họ, giống như những thông tin chi tiết về tình trạng dư thừa công suất trong ngành thép.
Các nước nên yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường chào đón các công ty nước ngoài tương tự như những gì các công ty Trung Quốc nhận được khi ra nước ngoài. Các nước cũng cần thanh lọc dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc tốt hơn để loại bỏ những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Mọi gánh nặng đều đặt lên vai Trung Quốc. Người Trung Quốc sẽ tự hỏi tại sao họ phải tự cản bước đi của chính mình. Ở thế kỷ 19, Đức và Mỹ cũng trở nên hùng mạnh nhờ chính sách trợ cấp và mức thuế cao còn Anh và Nhật được mệnh danh là “những kẻ chuyên đi bắt nạt”. Nhưng giờ đây Trung Quốc đã trở thành một trụ cột quan trọng của kinh tế toàn cầu. Nếu lạm dụng vị trí ấy, kết cục cũng không mấy tốt đẹp.