Doanh nghiệp yêu nước là phải “làm ăn thật”

Doanh nghiệp sẽ bị quay lưng khi bất tín

Ông Lộc bộc bạch: Chúng ta đang có một cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo, tinh thần kinh doanh đang lan tỏa khắp nơi. Điều này có thể nhìn thấy từ kỷ lục liên tiếp bị phá vỡ trong 2 năm liền, đó là số lượng thành lập mới đã vượt qua con số 125.000 doanh nghiệp/năm vào năm 2017, vượt xa con số được coi là vô cùng ấn tượng của năm 2016 với 110.000 doanh nghiệp thành lập mới. Nhiều thương hiệu của doanh nghiệp tư nhân đã không chỉ đứng bên cạnh mà còn nổi trội hơn những thương hiệu của nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước.

“Nhưng điều tôi muốn nhắc tới nhất là sự sẵn sàng của doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp nhận những cơ hội mà khu vực kinh tế Nhà nước lui chân. Năm 2006, khi Việt Nam tổ chức APEC 14, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam khá bị động trong vai trò là đối tác. Nhưng tại APEC 2017, dấu ấn của khu vực doanh nghiệp tư nhân rất rõ nét, từ việc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sự kiện tới việc tổ chức các hoạt động dành cho doanh nghiệp. Chính sự lớn mạnh hơn của khu vực tư nhân trong nước cũng đã hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài đến Việt Nam” – ông nói.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Động lực thúc đẩy hay có thể nói là ép buộc doanh nghiệp làm ăn dài hạn, bài bản, chuyên nghiệp chính là sự minh bạch, rõ ràng và cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh. Nếu mỗi năm doanh nghiệp phải mất tới 14 nghìn tỉ đồng, 30 triệu ngày công cho các lần kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng không nhiều thủ tục thực sự có ý nghĩa thực tế, thì sẽ không còn thời gian, công sức để tính toán đến các kế hoạch dài hạn.

Nếu các doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực đáp ứng các điều kiện kinh doanh mang tính can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, như việc phải trình phương án kinh doanh cho cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt hay các điều kiện về số lượng đầu xe, cách thức bán hàng…, thì các doanh nghiệp sẽ không có động lực sáng tạo, tìm kiếm cách thức kinh doanh mới, hiệu quả hơn… VCCI cũng đã nhiều lần lên tiếng về tốc độ tăng tiền lương nhanh hơn rất nhiều so với năng suất lao động cũng tác động bất lợi đến các kế hoạch cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Khi cơ quan quản lý Nhà nước thiết lập cơ chế quản lý hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở tiêu chuẩn thay vì điều kiện kinh doanh, nghĩa là áp dụng phương thức hậu kiểm, có sự tham gia của xã hội, cộng đồng thay vì tiền kiểm như hiện tại, doanh nghiệp buộc phải thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển từ tìm cách thỏa mãn các điều kiện đầu vào sang việc quản lý, vận hành doanh nghiệp theo tiêu chuẩn và sự giám sát của không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước mà cả cộng đồng, xã hội.

Lúc này, nếu doanh nghiệp vi phạm các tiêu chuẩn, đánh mất uy tín, thị trường sẽ ngay lập tức có thái độ. Doanh nghiệp có thể bị phá sản, bị thị trường quay lưng khi làm ăn bất tín.

Làm ăn thật, bài bản, tuân thủ chuẩn mực

Một trong những trăn trở, đó là vài năm trở lại đây, mối lo hàng Việt Nam đang bị mất dần thị trường tăng lên khi hoa quả, hàng tiêu dùng từ các nước ASEAN, nhất là Thái Lan đang đổ vào Việt Nam sau khi cộng đồng kinh tế AEC chính thức mở cửa…, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN bày tỏ: Trong mối lo này, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không thể vô can. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ họ đặt niềm tin.

Tại sao doanh nghiệp Việt Nam không thể sản xuất được đinh vít, không thể trở thành nhà cung ứng của Samsung, Canon…? Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất được đinh vít, nhưng đinh vít đó không theo chuẩn mực của các nhà sản xuất. Để làm được, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, hệ thống quản lý, đào tạo công nhân. Doanh nghiệp Việt thể hiện trách nhiệm với đất nước, thể hiện lòng yêu nước là phải làm ăn thật, làm ăn bài bản, uy tín và theo kịp xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới. Doanh nghiệp không thể hội nhập nếu không tuân thủ các chuẩn mực của thế giới, của thị trường, của người tiêu dùng.

Sự tăng trưởng ấn tượng của doanh nghiệp Việt

Theo nghiên cứu mới được công bố của Nielsen – một công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu (có trụ sở ở New York, Mỹ), tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua.

Nielsen đã thực hiện một nghiên cứu với top 100 doanh nghiệp FMCG (hàng tiêu dùng) đang hoạt động tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương – đây là những doanh nghiệp chiếm đến 85% tổng doanh số ngành hàng FMCG trong khu vực trong năm 2016. Nghiên cứu trên cơ sở quan sát và phân tích trên 4 ngành hàng lớn: Thực phẩm, nước giải khát, SP chăm sóc nhà cửa và SP chăm sóc cá nhân (không xét đến các sản phẩm nước uống có cồn và thuốc lá).

Theo đó, trong khi các doanh nghiệp đa quốc gia (ĐQG) cho thấy sự trì trệ trong tăng trưởng khi chỉ đạt được 2% tăng trưởng giá trị (so với 5% trong năm 2014), thì các doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng tích cực: 7% tăng trưởng giá trị (so với tỉ lệ 5% hai năm trước) và đóng góp đến 42% trong tổng số doanh thu của toàn ngành hàng FMCG.

Xét về thị phần, các doanh nghiệp nội địa vẫn đang chiếm ưu thế trong ngành hàng thực phẩm và nước giải khát với tỉ lệ 69% và 45%, theo thứ tự tương ứng. Mặc dù các doanh nghiệp đa quốc gia vẫn chiếm thị phần lớn trong ngành hàng chăm sóc nhà cửa và chăm sóc cá nhân, nhưng xét về tốc độ tăng trưởng thì các doanh nghiệp nội địa đang hoạt động trong hai ngành này lại thể hiện sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2016 với mức tăng 13% và 9% tương ứng(xem bảng). QUỲNH HOA – X.Q

photo-1

Có thêm khoảng 40 doanh nghiệp báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017

Bài viết mới