Doanh nghiệp vẫn “khổ sở” vì kiểm tra chuyên ngành

Chồng chéo trong quản lý

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện thời gian hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa (đối với hàng không phải kiểm dịch) trung bình là 48 giờ, tức là đã đáp ứng chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đến nay, đã có 11 bộ, ngành; 28 cơ quan, đơn vị liên quan đã kết nối, thực hiện thủ tục liên thông quốc gia, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại và 1 cửa ASEAN. Song, số lượng thủ tục thực hiện chưa nhiều so với các thủ tục thực tế mà doanh nghiệp (DN) đang phải thực hiện. Bên cạnh đó, vẫn còn 25% nhóm hàng chịu sự kiểm tra đồng thời của nhiều cơ quan.

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) thuộc tổ chức USAID Việt Nam cho biết, phần lớn DN tham gia khảo sát đều phàn nàn về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo Thông tư 19/2012/TT-BYT của Bộ Y tế đã được đặt ra ở Nghị quyết 19/2015 và Nghị quyết 19/2016.

Doanh nghiệp vẫn “khổ sở” vì kiểm tra chuyên ngành - Ảnh 1.
Vẫn còn 25% nhóm hàng chịu sự kiểm tra đồng thời của nhiều cơ quan. (Ảnh minh họa: KT)

Theo phản ánh của các DN, nhiều quy định trên 2 lĩnh vực này rất bất hợp lý, không phù hợp với thực tiễn, gây tốn kém chi phí cho DN, đặc biệt là các thủ tục chứng nhận hợp quy. Điều đáng nói là những thủ tục này dù đã được DN kiến nghị sửa đổi nhiều lần, song đến nay hầu như chưa có sự cải thiện.

“Đây được xem là một trong những “nút thắt cổ chai” không chỉ làm kéo dài thời gian thông quan hàng hoá mà còn khiến DN tiêu tốn tiền bạc để làm chứng nhận hợp quy”, ông Bình chỉ rõ.

Vị chuyên gia đến từ GIG cho rằng, không khó để liệt kê ra những quy định liên quan gây khó cho DN xuất nhập hàng hoá. Nhưng điều đáng nói ở đây là đã có những quy định được sửa đổi theo tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh nhưng thực tế triển khai “DN còn tốn kém thời gian và chi phí hơn cả việc kiểm tra trước đây”.

Theo báo cáo của GIG, mặc dù Thông tư 23/2016/TT-BCT ngày 12/10/2016 đã bị bãi bỏ song việc kiểm tra formaldehyt và amin thơm tiếp tục được thực hiện bằng thủ tục công bố hợp quy trước khi bán trên thị trường còn phức tạp hơn cả việc kiểm tra trước đây. Hay rất nhiều quy định đã được sửa đổi, miễn hoặc bãi bỏ cho DN nhưng giữa các cơ quan quản lý Nhà nước cũng có cách hiểu văn bản khác nhau, dẫn đến việc áp dụng máy móc, khiến DN phải tốn thời gian làm công văn xác nhận.

Chi phí phục vụ kiểm tra còn lớn

Bên cạnh chồng chéo trong quản lý, chi phí phục vụ kiểm tra mà các DN phải chịu vẫn còn lớn do kết quả kiểm tra lô hàng trước cùng loại không được thừa nhận. Điều này gây lãng phí thời gian và tài chính cho DN. Ngoài ra, việc tham vấn giá, định giá hàng hóa để tính thuế còn phức tạp lại mang tính chất từ một phía là cơ quan quản lý đang tạo ra sự thiếu chính xác và công bằng.

Ông Vũ Quốc Tuấn, đại diện Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) cho biết, thời gian qua mặc dù Chính phủ kêu gọi cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo thuận lợi cho DN, nâng cao năng suất nền kinh tế. Tuy nhiên, các điều kiện và rào cản vẫn rất nhiều.

Theo ông Tuấn, phản ánh của các DN cho thấy cứ 5 lô hàng DN nhập về thì 1 lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN), trong khi lô hàng đó đã được chứng minh không có rủi ro, DN hoạt động tốt.

“DN thực phẩm làm một gói cà phê sữa cho sữa sấy khô vào để tạo sản phẩm nhưng thủ tục là phải bóc ra kiểm tra xem có dịch bệnh bên trong không. Khi lấy mẫu, cơ quan chức năng không lấy một mẫu mà lấy 5 mẫu. Vì thế, khi tính tiền, đơn giá là 971.000 đồng đối với 5 mẫu sẽ khiến DN mất gần 5 triệu đồng. Việc KTCN này không chỉ gây tốn kém tiền của mà còn làm mất thời gian và nguy cơ lỡ đơn hàng xuất khẩu của DN”, ông Tuấn bức xúc.

Doanh nghiệp vẫn “khổ sở” vì kiểm tra chuyên ngành - Ảnh 2.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: KT)

Ở góc độ quản lý, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 19 tập trung rất mạnh vào cải cách thủ tục đối với hàng hoá xuất nhập khẩu trong đó nhấn mạnh tới việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng hình thức quản lý rủi ro, thông lệ quốc tế và hiện đại hoá hệ thống quản lý.

“Nhưng chúng ta mới chỉ làm được ở giai đoạn chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, mà cái này chúng ta cũng làm chưa tới nơi tới chốn nên việc thực hiện không như mong đợi”, ông Cung thẳng thắn thừa nhận.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, phải áp dụng mô hình quản lý rủi ro, nghĩa là quản lý này chỉ tập trung vào những lĩnh vực có nhiều rủi ro, không thể bắt DN chịu nhiều tầng quản lý. Việc áp dụng nguyên tắc này sẽ tạo động lực cho DN càng tuân thủ tốt quy định thì càng có lợi và cơ quan nhà nước với nguồn lực hạn chế sẽ tăng hiệu quản lý nhà nước. Khi đó, sẽ chỉ có khoảng 5 – 10% DN cũng như nhóm hàng cần tiến hành kiểm tra.

“Hiện nay là từng bộ, cục, vụ làm hệ thống riêng, nên DN làm thủ tục giống như đi đường hết đoạn đường này thì phải xuống xe, đi bộ sang chỗ khác để lên xe khác đi lại từ đầu. Như thế là không có sự kết nối. Cần có chỉ đạo thống nhất từ bên trên”, ông Cung nhấn mạnh./.

“Kiểm tra chuyên ngành còn gây phiền toái cho doanh nghiệp”

Bài viết mới