Trong khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, nhiều doanh nghiệp đã công bố hoàn thành vượt thậm chí vượt xa kế hoạch kinh doanh của cả năm 2017 thì vẫn còn tới cả trăm doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch kinh doanh bởi đã kinh doanh thua lỗ hoặc mới chỉ hoàn thành được vài phần trăm kế hoạch.
6 tháng lỗ lớn, vỡ kế hoạch là chắc
Hiện toàn sàn có khoảng trên 50 doanh nghiệp công bố tình hình thua lỗ trong nửa đầu năm 2017 và hầu hết các doanh nghiệp này đều đã dự kiến kinh doanh có lãi trong năm 2017. Đáng chú ý trong nhóm này có những doanh nghiệp đã lỗ rất lớn trong nửa đầu năm, nếu so với kế hoạch kinh doanh thì nửa cuối năm cần phải lãi đến từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng.
Có thể điểm qua một vài trường hợp đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch kinh doanh lớn như trường hợp thua lỗ của Hùng Vương (HVG), 6 tháng đã lỗ 172 tỷ đồng trong khi mục tiêu cả năm là lãi 400 tỷ đồng, trong quý kinh doanh thứ 3 HVG cũng chỉ lãi 35 tỷ đồng giảm mức lỗ ròng trong 9 tháng của kỳ kinh doanh xuống còn 138 tỷ đồng, chỉ còn duy nhất 1 quý kinh doanh nên việc đạt được mục tiêu như trên của HVG là khó khả thi.
Một ông lớn của ngành chăn nuôi là Dabaco (DBC) cũng đã công bố con số thua lỗ đáng thất vọng gần 20 tỷ đồng trong nửa đầu năm trong khi đó hồi đầu năm công ty này cũng đã lường trước những khó khăn và đã đặt mục tiêu kinh doanh giảm 29% so với 2016 ở mức 320 tỷ đồng, theo đó để hoàn thành mục tiêu này trong 6 tháng còn lại DBC phải lãi tới 340 tỷ đồng, đáng chú ý cũng tại đại hội này ban lãnh đạo DBC cho biết, trong trường hợp mảng kinh doanh chăn nuối không đạt kỳ vọng, Công ty sẽ có ngay 180 tỷ đồng từ bất động sản đổ sang như là một khoản dự phòng.
Đối với NinhVanBay (NVT) mặc dù mục tiêu lãi chỉ là 16,5 tỷ đồng tuy nhiên do khoản lỗ trong 6 tháng đầu năm là quá lớn nên việc khắc phục khoản lỗ này trong 6 tháng còn lại là rất khó khăn. Về hoạt động kinh doanh chính, NVT vẫn làm khá tốt khi doanh thu, lãi gộp đều tăng mạnh, nhưng những phát sinh từ chi phí tài chính, trích lập dự phòng đã khiến công ty có quý hoạt động tồi nhất trong lịch sử.
Một trường hợp khác cũng rất đáng chú ý là Ocean Group, doanh nghiệp này đang rơi vào khó khăn “kép” khi chịu khoản lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm là 274 tỷ đồng trong khi mục tiêu cả năm chỉ là lỗ 14 tỷ đồng, bên cạnh đó tại báo cáo soát xét bán niên kiểm toán còn đưa ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty do tài sản ngắn hạn của Công ty nhỏ hơn nợ ngắn hạn khoảng 702,6 tỷ đồng, lỗ lũy kế khoảng 2.763 tỷ đồng sắp vượt vốn điều lệ 3.000 tỷ của OGC. Như vậy, nếu không có cải thiện nào vào cuối năm và minh bạch hơn trong BCTC, khả năng cổ phiếu OGC sẽ nhận án phạt từ HoSE. Hiện tại cổ phiếu đang thuộc diện bị kiểm soát.
Doanh nghiệp bất động sản là Hà Đô (HDG) cũng đã gây bất ngờ khi báo lỗ hơn 27 tỷ đồng trong quý 2 – Đây cũng là quý kinh doanh đầu tiên mà HDG kinh doanh thua lỗ, khiến 6 tháng đầu năm 2017 HDG lỗ ròng hơn 20 tỷ đồng. Nguyên nhân được phía công ty cho biết là do tạm hoãn ghi nhận doanh thu tài chính từ nguồn chi trả cổ tức của công ty con. Liệu trong 6 tháng cuối năm HDG có kịp hoàn thành mục tiêu lãi gần 245 tỷ đồng của mình. Một doanh nghiệp bất động sản khác là KD&PT Bình Dương (TDC) cũng đã báo lỗ gần 79 tỷ đồng trong nửa đầu năm do áp lực lãi vay, tiền mắc kẹt ở nhiều dự án, năm 2017 công ty này đặt mục tiêu lãi 127 tỷ đồng.
Đích cả năm còn ở rất xa
Mặc dù không thua lỗ nhưng con số lãi quá thấp trong nửa đầu năm cũng khiến cho mục tiêu kinh doanh trở lên quá xa vời đối với những doanh nghiệp này. Hiện có khoảng gần 50 doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành được dưới 10% mục tiêu kinh doanh của cả năm 2017 trong đó có một số trường hợp đáng chú ý như Vinacafe Biên Hòa (VCF), do lỗ trong quý 1 nên 6 tháng VCF chỉ lãi gần 32 tỷ đồng mới chỉ hoàn thành được một phần nhỏ mục tiêu 380 tỷ đồng của cả năm 2017.
Hay như trường hợp của Vạn Phát Hưng (VPH) mới chỉ lãi 6 tháng gần 7 tỷ đồng trong khi mục tiêu kinh doanh cả năm “rất hoành tráng” là lãi 170 tỷ đồng, được biết trong năm 2017, công ty sẽ triển khai 8 dự án với doanh số ước đạt 1.275 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VPH đã tiến hành ký kết hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một phần công trình xây dựng của dự án chung cư khối và khối hỗn hợp thương mại văn phòng thuộc khu dân cư phường Phú Thuận, quận 7 (La Casa). Tổng lãi gộp từ chuyển nhượng dự kiến đạt 325 tỷ đồng tuy nhiên 6 tháng đầu năm mức lãi gộp mới chỉ ghi nhận được 37 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp có truyền thống vỡ kế hoạch là DIC Corp (DIG) cũng chỉ thu về 7,6 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm trong khi mục tiêu cả năm là 128 tỷ đồng. 5 năm trước (từ 2012 – 2016) DIG chưa một lần hoàn thành mục tiêu kinh doanh do chính mình đặt ra.
Ô tô TMT (TMT) sau khi báo lỗ gần 12 tỷ đồng trong quý 1, TMT đã có lãi trở lại nhưng con số lãi được công bố vẫn khá khiêm tốn. Tuy nhiên lũy kế 6 tháng đầu năm, TMT đạt vỏn vẹn 2,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và còn cách rất xa kế hoạch lãi ròng 123,81 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm.
Đối với Vimeco (VMC) cũng đã gây thất vọng khi hồi đầu năm công bố mục tiêu lãi lên tới 196 tỷ đồng cao gấp hơn 5 lần kết quả thực hiện của 2016 trong đó dự kiến lãi từ kinh doanh bất động sản và hạ tầng là 160 tỷ đồng, tuy nhiên kết thúc 6 tháng VMC mới chỉ lãi gần 17 tỷ đồng LNTT tương ứng hoàn thành 8,6% kế hoạch. Lý do lãi thấp được VMC đưa ra là do một số công trình thi công chưa được chủ đầu tư xác nhận nghiệm thu thanh toán.
Thực tế, với nhiều doanh nghiệp, 2 quý đầu năm thường không rơi vào mùa vụ và có kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhưng kết quả kinh doanh khiêm tốn trong 6 tháng đầu năm cho thấy, khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm 2017 sẽ là không cao, ngoại trừ những doanh nghiệp thường đạt doanh thu, lợi nhuận cao trong quý 4 chẳng hạn lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Đến thời điểm này các doanh nghiệp trên vẫn chưa có động thái điều chỉnh giảm mục tiêu kinh doanh 2017 và việc nên làm lúc này là cần cung cấp thêm các thông tin về phương hướng hoạt động kinh doanh trong nửa cuối năm 2017 của doanh nghiệp đến cổ đông và nhà đầu tư.