Doanh nghiệp Trung Quốc chi thêm gần 1 tỷ USD quảng cáo dịp World Cup

Các doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến chi thêm khoảng 835 triệu USD để quảng cáo trong dịp World Cup – vòng chung kết được tổ chức tại 11 thành phố của Nga từ ngày 14/6 tới 15/7, hãng tin CNBC dẫn số liệu từ tập đoàn truyền thông Zenith cho biết.

Theo đó, Trung Quốc là nước chi tiêu quảng cáo cho World Cup tăng nhiều nhất thế giới. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ dự kiến chi thêm khoảng 400 triệu USD để quảng cáo trong dịp diễn ra sự kiện bóng đá lớn nhất thế giới. Còn các công ty của Nga – quốc gia đăng cải tổ chức World Cup năm nay, chỉ dành thêm khoảng 64 triệu USD.

Năm 2017, doanh nghiệp Trung Quốc chi 80,4 tỷ USD cho quảng cáo, trong khi doanh nghiệp Mỹ dẫn dầu thế giới với 197,5 tỷ USD, còn con số này của Nga chỉ là 6,1 tỷ USD, theo Zenith.

“Trung Quốc có rất ít thương hiệu có liên hệ với World Cup và năm nay, các công ty này quyết tâm thiết lập mối quan hệ đó với bóng đá”, Zenith cho biết trong một thông cáo trực tuyến.

Năm nay, 7 công ty Trung Quốc gồm Dalian Wanda, Hisense, China Mengniu, Yadea, Vivo, Zhidian Yijing với thương hiệu Immerex và Diking đều nằm trong danh sách tài trợ cho World Cup 2018. So với 8 năm trước, khi World Cup được tổ chức ở Nam Phi, Trung Quốc mới có duy nhất một công ty lần đầu tiên tham gia tài trợ.

Hãng sữa Mengniu đã ký một hợp đồng tài trợ chính thức với FIFA vào tháng 12 năm ngoái. Theo đó, Mengniu sẽ trở thành nhà cung cấp sữa chua uống chính thức của World Cup tại Trung Quốc, cũng như các sản phẩm khác, đồng thời phát quảng cáo tại 64 trận cầu của World Cup năm nay.

Mengniu là nhà tài trợ cấp 2, trong khi đó, đế chế giải trí và bất động sản Wanda Group là nhà tài trợ cấp 1 đã ký hợp đồng vào năm 2016 trị giá 150 triệu USD, cho phép công ty này có mọi quyền quảng cáo và marketing tại các trận đấu của FIFA World Cup năm 2018, 2022, 2026 và 2030.

Còn Vivo đã chi 400 triệu Euro cho hợp đồng tài trợ 6 năm với World Cup 2018, 2022 và Cúp Liên đoàn các châu lục.

Năm nay, FIFA đã thay đổi hệ thống tài trợ bằng việc cho phép các nhà tại trợ khu vực đại diện cho 5 châu lục tham gia, theo đó tạo cơ hội cho những công ty Trung Quốc như Yadea, Immerex và Diking quảng bá thương hiệu ra thế giới.

Trong khi đó, bộ 3 thương hiệu của phươngTây gồm Continental, Johnson & Johnson và Castrol đã không gia hạn hợp đồng quảng cáo vào năm 2015 – khi loạt báo cáo về tham nhũng tại FIFA bị đưa ra ánh sáng.

“Nhiều công ty phương Tây hiện giờ coi FIFA là một thương hiệu xấu và không muốn liên quan nữa. Còn các doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chóng chớp lấy cơ hội này”, Simon Chadwick, giáo sư nghiên cứu doanh nghiệp thể thao của Đại học Salford (Anh) cho biết.

Ông Chadwick cũng cho biết việc mất nhiều nhà tài trợ cho World Cup 2018 tại Nga và 2022 tại Qatar đã khiến FIFA gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tiền tài trợ. Và các công ty Trung Quốc cũng nhân cơ hội này quảng cáo sản phẩm cho hàng tỷ khán giả bóng đá trên toàn cầu với mức giá phải chăng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố muốn Trung Quốc đăng cai tổ chức World Cup và dự định ứng cử đăng cai tổ chức Vòng chung kết World Cup năm 2030. Nếu có nhiều công ty tài trợ cho FIFA, đây là sẽ một điều kiện tốt cho nước này thực hiện điều đó.

Nhìn chung, các doanh nghiệp trên khắp thế giới dự kiến sẽ chi thêm khoảng 2,4 tỷ USD để quảng cáo trong dịp này với kỳ vọng tiếp cận được 3,5 tỷ khán giả toàn cầu của vòng chung kết World Cup năm nay.

“Ngoài việc thu hút lượng khán giả lớn, tại một số quốc gia, World Cup cũng hấp dẫn lượng lớn những khán giả khó tiếp cận tới trước màn hình vô tuyến: đó là những khách hàng thuộc phân khúc cao cấp, hoặc người trẻ, ưa dùng di đông. Họ là những người có xu hướng dành nhiều thời gian ở bên ngoài hơn ở nhà và tiếp cận với những công nghệ truyền thông mới nhất”, Zenith cho biết thêm.

“Cứ mỗi 4 năm, World Cup lại giúp thúc đẩy mạnh mẽ thị trường quảng cáo toàn cầu và sẽ chiếm khoảng 10% tổng tăng chi tiêu cho quảng cáo trong năm nay”. Jonathan Barnard, một giám đốc của Zenith cho biết. “Giải đấu năm nay sẽ cho thấy sức mạnh xây dựng thương hiệu của cả kênh TV truyền thống và truyền thông xã hội”.

Không có mặt trong 32 đội ở vòng chung kết nhưng đây là cách Trung Quốc “có mặt” tại mọi trận đấu và hưởng lợi từ World Cup năm nay

Bài viết mới